fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Văn Nguyễn Khuyến là thi sĩ của mùa thu

Nguyễn Khuyến là thi sĩ của mùa thu

0

Đề bài: Hãy chứng minh rằng: Nguyễn Khuyến là thi sĩ của mùa thu

Bài làm

Cao nguyên nơi tôi sinh ra và lớn lên dường như chỉ có hai mùa mưa, nắng nối tiếp nhau. Tôi chưa một lần được đặt chân lên những con đường làng quê thân yêu ở đồng bằng Bắc Bộ. Tôi thèm biết một cơn mưa phùn mùa xuân thấm mát tâm hồn, tôi thèm “một buổi sớm mai đầy sương thu và gió lạnh “… Song, tôi chỉ bắt gặp chúng qua các tác phẩm văn học. Nhiều hơn hết là mùa thu! Có lẽ, mùa thu có sức quyến rũ đặc biệt khiến các thi sĩ khó làm ngơ! Niềm ao ước của tôi như được thoả mãn phần nào khi thưởng thức chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến. Tôi thấy mình như đang sống trong một mùa thu thực sự. Nguyễn Khuyến thật xứng đáng mang danh là thi sĩ của mùa thu.

Để có thể tạo nên những vần thơ tuyệt vời về mùa thu quê hương, phải là người gắn chặt với chốn ruộng đồng, làng mạc. Là một người tài cao học rộng — đỗ đầu cả ba cuộc thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình – nhưng ông không màng danh lợi. Tuy ông quan niệm rằng phàm là người tài giỏi thì phải thực hiện nghĩa vụ “trí quân, trạch quân “, song thời buổi rối ren loạn lạc, không muốn phục vụ triều đình nhu nhược, ông từ quan lui về quê nhà. Tại đây, chốn thôn quê thanh bạch nghèo nàn, cảnh vật đã cho ông nguồn cảm hứng vô tận. Mùa thu trong thơ ông như hiện ra qua từng câu, từng chữ làm mê lòng người đọc:

“Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Nước biếc trông như tầng khói phủ,

Song thưa để mặc ánh trăng vào.

Mấy chùm trước giậu, hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không, ngỗng nước nào.

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào “.

(Thu vịnh)

Thật tuyệt vời! Chỉ bằng ngôn từ mà Nguyễn Khuyến đã vẽ ra trước mắt chúng ta một bức tranh đầy ấn tượng về mùa thu? Làm nền cho những nét chấm phá là một bầu trời xanh ngắt – chỉ của riêng mùa thu ờ đồng bắc Bắc bộ Việt Nam mới có. Gió thu hắt hiu nhè nhẹ! Cảnh vật yên lặng quá. Nếu bước chân vào đấy có lẽ ta sẽ lạc trong sương khói và ánh trăng mênh mang, tràn ngập đang ùa vào căn nhà của thi nhân:

“Nước biếc trông như tầng khói phủ

Song thưa để mặc bóng trăng vào”.

Nhà thơ cảm hoà với thiên nhiên, hay thiên nhiên huyền ảo đã khiến tâm hổn nhà thơ lắng sâu vào tâm tưởng, thấy được sắc màu của mùa thu trước:

“Mấy chùm trước giậu, hoa năm ngoái

Và, tất cả sống động hẳn lên khi nghe một tiếng ngỗng vang lên trong không trung cao vợi. “Ngỗng nước nào? ” – nhà thơ tự hỏi, rồi lại tiếp tục dòng cảm hứng suy tư:

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”.

Làm sao trước cảnh đẹp tuyệt vời như thế, một tâm hồn tha thiết yêu thiên nhiên lại không rung động đến cực độ? Ta hãy cùng cảm nhận mùa thu ở vào một hoàn cảnh khác. Đó là lúc nhà thơ miêu tả cảnh câu cá mùa thu:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sống biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng máy lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được.

Cá đâu đớp động dưới chân bèo “.

(Thu điếu)

Thật là ngạc nhiên, cũng là mùa thu chốn thôn quê, cũng là cảnh vật tĩnh lặng yên ả…, nhưng sao mới mẻ quá! Nhà thơ khắc hoạ cảnh tượng mùa thu lạnh lẽo, im lìm đến mức nghe được tiếng động rất khẽ của chiếc lá vàng “sẽ đưa vèo”. Chiếc lá vàng nhẹ đưa, đó còn là dấu hiệu của mùa thu thoáng qua tâm hồn nhà thơ. Nguyễn Khuyến hoàn toàn có dụng ý khi bài thơ gieo toàn vần “eo”, nhờ đó mà có phần bài thơ mang sắc thái rất riêng, sắc thái ấy có một chút gì đó gợi buồn, một chút gì đó êm ả len vào hồn ta, nhẹ và thoáng qua. Nguyễn Khuyến ít sử dụng những hình ảnh ước lộ có phần mòn sáo trong thơ cổ. Ông mô tả mùa thu chủ yếu qua sự cảm nhận của chính bản thân mình, ở quê hương mình. Điều này có ý nghĩa to lớn, ghi nhận một bước tiến mới mẻ của thi ca Việt Nam trên bước đường trưởng thành theo hướng dân tộc hoá ở cả phương diện hình thức lẫn nội dung. Chẳng hạn, Nguyễn Công Trứ cũng tả mùa thu nhưng bằng một bút pháp khác hẳn:

“Sang thu tiết hơi may hiu hắt,

Cụm sen già lã chã phai hương.

Sương giày giậu cúc đoá hoa vàng,

Son nhuộm non đào cành lá đỏ “

(Thu vịnh)

Tả mùa thu, Nguyễn Khuyến không cần đến “cụm sen già”, đến “giậu cúc đoá hoa vàng” mà vẫn tạo được một mùa thu với những nét rất đặc trưng của mùa thu Việt Nam. Rõ ràng Nguyễn Công Trứ gò bó thơ mình vào phong cách nghệ thuật thơ cổ, với những chi tiết ước lệ đã làm giảm đi nét giản dị của mùa thu Việt Nam, nói chính xác hơn là mùa thu ở làng quê miền Bắc.

Như chúng ta đều biết, Nguyễn Khuyến không chỉ là tác giả của ba bài thơ nổi tiếng ‘Thu vịnh”, ‘Thu điếu”, và ‘Thu ẩm”mà ông còn sáng tác một số bài thơ chữ Hán về đề tài này. Dường như mùa thu trong sáng thanh tao hợp với tâm hồn điềm đạm, thanh khiết luôn phảng phất một nỗi buồn nhân thế của nhà thơ. Mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến lại có một vẻ đẹp độc đáo, luôn hấp dẫn người đọc. Bài Thu ẩm dưới đây dường như nhà thơ phát hiện mô tả mùa thu qua cảm giác của một người chếnh choáng men say:

“Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối, đêm sâu đốm lập lòe.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy,

Độ năm ba chén đã say nhè “.

(Thu ẩm)

Nếu ở bài “Thu điếu”, cảm giác tĩnh lặng được tạo ra bởi vần “eo”, thì ở đây, ta như thấy được cái say chếnh choáng của thi sĩ qua vần “e “, “oè ” và “è ” (say nhè)— mọi vật cũng như nghiêng ngả, nhoà nhạt qua cách gieo vần! Không phải cảnh sớm mai, cũng không phải một trưa tĩnh lặng. Mùa thu trong bài “Thu ẩm ” là mùa thu khi bóng của đêm sâu đã bao trùm lên không gian, những con đom đóm thản nhiên phát ra ánh sáng lập loè trên ngõ vắng, ngõ tối. Tất cả thật hoang vắng và cô đơn. Trong khung cảnh ấy, một chút sương khói của mùa thu lắng đọng quấn quýt nơi bờ giậu, đấy là hình ảnh quen thuộc của một làng quê hiền lành, yên ả. Và đây, trăng lên! Trăng thu phản chiếu xuống mặt ao tạo nên ánh sáng mơ hồ như không thực. Tưởng như chỉ cần nhắm mắt lại, là ta đã đắm chìm vào khung cảnh hư ảo ấy, sống động mà mong manh:

“Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”.

Vậy là, mỗi bài thơ trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến đều có nét độc đáo riêng, song tựu trung đều gợi lên một mùa thu thân thuộc. Mùa thu với bầu trời xanh ngắt, với sương khói nhạt nhoà gây cho người đọc xúc động sâu sắc. Thiên nhiên ta đẹp quá! Như một người nhắp rượu, càng uống càng say, tôi say vẻ đẹp trong thơ Nguyễn Khuyến và càng đọc càng thêm yêu mến thi nhân. Bức tranh đẹp làm người xem muốn xem mãi. Bài thơ hay để người đọc càng ngẩn ngơ. Những bài thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến sẽ còn sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam chúng ta. Nguyễn Khuyến mãi mãi xứng đáng là thi sĩ của mùa thu đất nước. Đọc những bài thơ thu của ông, tâm hồn chúng ta thêm bồi hồi xao xuyến, thêm yêu mến tự hào vì một quê hương đất trời Việt Nam thanh tao, bình dị.

Comments

comments