fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Văn Nguyễn Khuyễn là nhà thơ trào phúng

Nguyễn Khuyễn là nhà thơ trào phúng

0

Đề bài: Nguyễn Khuyễn là nhà thơ trào phúng

Bài làm

Nguyễn Khuyến không chỉ là nhà thơ cổ điển, nhà thơ trữ tình mà còn là nhà thơ trào phúng, đặc sắc, độc đáo. Đối tượng châm biếm của ông có đủ hạng người: vua chèo, quan chèo, tiến sĩ giấy, lũ me Tây, quan tham “chỉ cốt túi mình cho nặng chặt”, sống phè phởn “ăn tiêu nhờ được chiếc lương Tây”. Có lúc, ông tự cười mình, tự giễu mình tuy là kẻ lừng danh khoa bảng, đáng lẽ phải trở thành rường cột của quốc gia nhưng rốt cục chỉ là vô tích sự:

Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ!

Thế cũng bìa xanh, cũng bảng vàng!

(Tự trào)

Làm quan thời loạn, bất lực và bất đắc chí, Nguyễn Khuyến trả áo mũ về quê ở ẩn để giữ lấy khí tiết, nhưng có lúc ông lại cảm thấy mình như một con bạc phải chạy làng:

Cờ đang dở cuộc không còn nước,

Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.

(Tự trào)

Sống giữa cái xã hội dở Tây dở ta, đầy rẫy bao loại người đáng chê, đáng khinh, bao điều nhố nhăng, thô bỉ: Vua chi là “vua chèo”, quan chỉ là “vai nhọ khác chi thằng hề”. Nếu Tri phủ Xuân Trường trong thơ Tú Xương “chỉ quen phê một chữ tiền “, thì Đốc học Hà Nam trong thơ Nguyễn Khuyến, đâu phải là dại với điên, “ông dại sao ông biết lấy tiền?

Có bao người đàn bà “chính chuyên ” làm me Tây mà vẫn vênh vang tự đắc:

Cái gái đời này gái mới ngoan!

Quyết lòng ẩu chiến với Tây quan.

Ba vuông phấp phới cờ bay dọc,

Một bức tung hoành váy xắn ngang.

(Lấy Tây)

Điển hình nhất là mụ Tư Hồng, một me Tây “có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá lẫy lừng băm sáu tỉnh”.

Ngày hội Tây diễn ra bao trò nhố nhăng, với cảnh những anh “tham tiền leo cột mỡ”, những chị “cậy sức ” nhún cây đu. Nhà thơ vừa chê trách vừa thương hại:

Khen ai khéo vẽ trò vui thế,

Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!

(Hội Tây)

Nguyễn Khuyến có hai bài thơ vịnh Tiến sĩ giấy mà nhiều người đã biết. Tiến sĩ giấy là thứ đồ chơi của trẻ con trong dịp Tết Trung thu do chú hoa man “vẽ trò” làm ra để “bỡn ông mà lại dứ thằng cu”. Tuy cũng có “mảnh giấy”, có “nét son “, nhưng thực chất chỉ là đổ chơi. Bài thơ mang hàm nghĩa thật sâu sắc và mỉa mai. Những tiến sĩ giấy bất tài và vô dụng ấy nhan nhản trong cuộc đời, vẫn ra vẻ đường bệ “bảnh chọe” mới thật buồn cười:

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?

Cái giá khoa danh ấy mới hời!

Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe,

Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi!

Tóm lại, châm biếm, trào lộng, hóm hỉnh đã trở thành giọng điệu riêng trong thơ Nguyễn Khuyến, “lời thơ bao giờ cũng tự nhiên, tươi tắn, đủ tạo nên những nụ cười nhẹ nhàng, thanh nhẹ, thanh nhã, ý vị” (Giáo sư Lê Trí Viễn).

Trong số thơ văn Nguyễn Khuyến để lại, thơ chữ Hán nhiều hơn thơ chữ Nôm. Phải là người học rộng, tài cao, hay chữ mới có cốt cách nghệ thuật ấy.

Thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến mang vẻ đẹp cổ điển, hàm súc, uyên bác. Vì đặc trưng ngôn ngữ, nên thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến không được phổ cập và truyền tụng bằng thơ chữ Nôm. Nghệ thuật thơ Nôm Nguyễn Khuyến đạt đến mức cao sâu vể sự tinh tế và điêu luyện, mẫu mực và đa dạng, hồn nhiên và trong sáng.

Thơ thất ngôn trường thiên, thơ thất ngôn bát cú, thơ hát nói, thơ song thất lục bát, câu đối – thể thơ nào cũng đặc sắc. Ông chỉ để lại ba bốn bài thơ dịch, nhưng thi sĩ Xuân Diệu đã hết lời tán thưởng: “Khi Nguyễn Khuyến dịch thơ Lý Bạch, văn thanh tú trong trẻo như bóng trăng thanh “.

Ngôn ngữ thơ Nguyễn Khuyến thanh thoát tự nhiên như lời ăn tiếng nói của người dân quê, như có sự nhập hồn của thành ngữ, ca dao, tục ngữ. Hình ảnh một ông chồng “búi tóc củ hành, buông quần lá toạ”, một bà vợ “hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng ” – khác nào một bức tranh quê.

Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” hầu như ai cũng nhớ. Nguyễn Khuyến đã xuất khẩu thành thơ:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có,

Bác đến chơi đây ta với ta”.

Có mấy ai khóc bạn một cách não nùng, thê thiết như Nguyễn Khuyến đã khóc Dương Khuê:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta…”

Trong thơ Nguyễn Khuyến, cách gieo vần tài tình, phép đối thật chỉnh và tự nhiên, cách dùng từ vừa chính xác vừa biểu cảm. Đặc sắc nhất là nghệ thuật sử dụng từ láy. Làn ao thì “lóng lánh bóng trăng loe “. Lưng giậu thì “phất phơ màu khói nhạt”. Con đom đóm “lập loè ” trong “ngõ tối đêm sâu”. Tiếng pháo Tết thì “lẹt đẹt “, tiếng trống đêm xuân thì “ình ịch “, tiếng sáo thì “vo ve “, tiếng cuốc thì “lửng lơ”…

Có những so sánh thật hay, đầy ấn tượng:

“Đời loạn đi về như hạc độc,

Tuổi già hình bóng tựa mây côi”.

(Gửi bạn)

Cách dùng điệp từ, điệp ngữ rất tinh luyện, tạo nên cái thần cho những câu thơ tươi nhạc tươi vần:

“Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác,

Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác,

Cuộc tỉnh say, say tỉnh một vài câu.

Nén chăng đá cũng gật đầu “,

(Ông phỗng đá)

Thơ văn Nguyễn Khuyến đậm đà tính chất dân tộc, thể hiện sâu sắc phong cách đồng quê, tâm tình thôn dã. Nguyễn Khuyến là ngôi sao sáng cuối cùng của nền văn học trung đại Việt Nam. Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Khuyến là những trang đẹp mà buồn của một nhà nho tài năng, giàu nhân cách, sáng trong khí tiết.

Comments

comments