Vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang trở thành vấn đề nóng thời gian qua vì vậy có khả năng sẽ xuất hiện trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn phần nghị luận xã hội. Dưới đây là dàn ý chi tiết cho đề bài nghị luận xã hội về tình trạng ô nhiễm không khí
Đề bài: Channel News Asia đã so sánh bầu không khí người Hà Nội hít thở với “khí quyển ngày tận thế” (Airpocalypse) trong một bài báo nói về ô nhiễm môi trường tại thủ đô Hà Nội.
Anh (chị) có suy nghĩ gì về vấn đề này? Hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ để trình bày quan điểm của bản thân.
- Mở bài
- Cuối năm 2015, Bắc Kinh đã hơn một lần phát đi báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt quá 200 trong nhiều ngày, nghĩa là một nửa số phương tiện giao thông không được phép ra đường, các trường học được khuyến khích đóng cửa và khu vực xây dựng ngoài trời bị cấm thi công.
- Ô nhiễm không khí đã trở thành vấn nạn chung của toàn nhân loại. Ở Việt Nam, tại chính thủ đô Hà Nội, người dân chưa bao giờ hoang mang, lo lắng về tình trạng không khí hơn thế khi mới đây, không khí mà họ đang hít thở mỗi ngày được ví với “khí quyển ngày tận thế” trong phóng sự của hãng thông tấn Singapore Channel News Asia.
- Khi câu chuyện nước bạn đang có nguy cơ tái diễn tại chính mảnh đất quê hương mình, ta phải nhận thức rõ ràng hơn nữa về vấn nạn ô nhiễm không khí.
- Thân bài
a) Giải thích
- “Khí quyển ngày tận thế” là lối chơi chữ đắt, đồng thời là cách CNA đặt tiêu đề cho bài báo về tình trạng không khí tại Hà Nội trong phóng sự mới đây của họ.
- Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí hoặc có sự xuất hiện các khí lạ làm cho không khí không sạch, có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và sinh vật.
- Như vậy, chất lượng không khí ở Hà Nội thời điểm này đang ở mức độ ô nhiễm, độc hại đáng báo động.
b) Thực trạng
- Không khí ở Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Từ hiện trạng sinh hoạt, giao thông của người dân cho tới những nghiên cứu, phân tích của giới chuyên gia đều thể hiện một Hà Nội “thiếu vắng bầu trời trong xanh”, Hà Nội của khói bụi, ô nhiễm đang tăng lên nhanh chóng.
Dẫn chứng
- Phó Giáo Sư Phạm Thúy Loan, Phó giám đốc Viện Kiến trúc Việt Nam, thuộc Bộ xây dựng cho biết:”Nếu đến Hà Nội vào ban ngày, bạn sẽ thấy ai ai cũng đeo khẩu trang và trang bị “áo giáp” từ đầu tới chân để tránh khói bụi”,
- Năm 2012, một công ty phân tích ô nhiễm của Pháp là ARIA Technologies đã xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á và là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Châu Á về chất lượng không khí.
- Đặc biệt, số liệu của đài quan trắc đã cho thấy hàm lượng thủy ngân đạt ngưỡng nguy hiểm trong không khí Hà Nội. Tuy rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt và chưa xảy ra ở nhiều nơi nhưng thông tin này đã gây ra không ít hoang mang cho người dân thủ đô.
c) Nguyên nhân
- Tác nhân gây ra 70% lượng không khí bị ô nhiễm ở Hà Nội là phương tiện giao thông. Số liệu chính thức cho thấy hiện Hà Nội có 5.3 triệu xe máy và 560.000 ô tô và con số này dự tính sẽ tăng 11% mỗi năm đối với xe máy và 17% đối với ô tô. Tính tới năm 2020, sẽ có gần 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy chen chúc nhau trên đường phố Hà Nội. Sự tăng mạnh về số lượng phương tiện giao thông cá nhân được lí giải bởi sự khan hiếm của loại hình giao thông công cộng, người dân không có thói quen đi bộ, một bộ phận có tâm lí mua xe để thể hiện đẳng cấp.
- Tắc đường ở mức độ báo động càng làm mức độ ô nhiễm môi trường trở nên khó kiểm soát. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã cố gắng mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng vấn không thể đáp ứng được số lượng phương tiện tăng đột biến, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng. Bên cạnh đó, đặc trưng thành phố với nhiều ngõ ngách nhỏ, ô tô không thể di chuyển cũng góp phần làm vấn đề trầm trọng thêm.
d) Hậu quả
- Sức khỏe con người bị đe dọa là nguy cơ trông thấy từ vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Dẫn chứng
Ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trung bình mỗi năm có đến 44.000 người Việt chết vì ô nhiễm không khí trên cả nước, trong đó số người ở Hà Nội nhiều hơn hẳn TP. HCM.
- Con người cũng phải trả một cái giá đắt về mặt kinh tế khi ô nhiễm môi trường đang xảy ra trầm trọng.
Dẫn chứng
Tại Hà Nội, chi phí đền bù để làm đường lớn nhằm giảm thiểu tắc đường và ô nhiễm không khí quá đắt đỏ, khó có thể đáp ứng. Ngay cả khi làm mới thì những con đường đó cũng sẽ chẳng mấy mà lại rơi vào tình trạng “quá tải” ngay sau khi thông xe. Để theo kịp với số lượng xe cộ tăng nhanh, Hà Nội ước tính sẽ phải đầu tư khoảng 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để mở rộng mạng lưới đường xá.
e) Giải pháp
- Trước mắt, cần tăng cường việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện an toàn, thân thiện với môi trường. Việc đi bộ cũng nên được khuyến khích do giá trị sức khỏe mà nó đem lại.
- Về dài hạn, chính phủ cũng cần thiết phải đưa ra một số kế hoạch khác để cải thiện chất lượng không khí, bao gồm việc ban hành quy định khắt khe hơn về mức khí thải đối với cả ô tô và xe máy cũng như tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch hơn.
- Kết bài
- Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hà Nội đang là vấn đề đáng được lưu tâm, đặc biệt khi giới chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế cũng thể hiện sự quan ngại đặc biệt cho khí quyển thủ đô.
- Cần nhận thức rõ ràng thực trạng, nguyên nhân để đi đến giải pháp cho vấn nạn ô nhiễm môi trường.
- Với trí tuệ và sức trẻ của mình, thanh niên Việt Nam hiện đại cần trở thành mũi nhọn tiên phong của cuộc đấu tranh vì một bầu không khí trong sạch hơn cho sức khỏe và an sinh nòi giống.
Theo Hoc.vtc.vn