Bắt đầu từ 5h30 và kết thúc lúc 22h, 3 ca học mỗi ngày là lịch trình ôn thi của học sinh lớp 12 trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) trước kỳ thi THPT quốc gia 2019.
– Thầy ơi, cho tụi em nghe thêm một bài nữa thôi. Đức đổi bài kia đi, bài này dở quá!
– Một bài nữa thôi đó!
Lời bài hát “Độ ta, không độ nàng” cùng những lời phân tích hài hước của anh chàng streamer nổi tiếng khiến cả lớp 12D7 cười ồ phấn khích. Ít ai có thể hình dung đây là phút giải lao sau 3 ca học trong một ngày của học sinh trường Nguyễn Khuyến.
Trái ngược với tưởng tượng về không khí căng thẳng, lặng như tờ ở các lớp ôn thi, học sinh Nguyễn Khuyến vẫn tranh thủ từng giây phút cuối cùng của đời học trò, ngồi bên nhau cùng ca hát, sau những giờ luyện tập nghiêm túc.
Chạy đua với thời gian
Học sinh THCS – THPT Nguyễn Khuyến gọi trường bằng cái tên NKP. Nếu chứng kiến thời gian học tập, sinh hoạt của học sinh ở đây, nhiều người sẽ hiểu tại sao nó có tên như vậy. P là “Prison” – nhà tù hay “Paradise” – thiên đường. Đây là 2 mặt của chế độ học tập, sinh hoạt nghiêm khắc như môi trường quân ngũ.
Một tháng ôn thi nước rút, mỗi ngày ở cơ sở Thủ Đức của trường Nguyễn Khuyến đều đặn bắt đầu từ tiếng chuông reo lúc 5h30. Quản nhiệm nội trú mở những bài hát “trend” nhất, rồi đến từng giường gọi học trò dậy. Đôi khi, các cô phải quát to vì có những em trong lúc chờ nhà vệ sinh lại tiếp tục ngả người ngủ tiếp. Một phòng có đến hơn 50 học sinh. Họ tranh thủ làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo rồi kéo nhau xuống ăn sáng ở căn tin.
6h10, tất cả học sinh ra sân xếp hàng vào lớp. Đúng 6h20, các em phải yên vị tại bàn học, trễ một phút cũng bị phạt đứng suốt buổi.
Buổi sáng, các em được ra chơi 30 phút. Đúng 11h30 chuông reo, học sinh ào ra, kéo nhau chạy xuống căn tin ăn cơm trưa để còn kịp ngủ một chút trước khi bắt đầu giờ học buổi chiều lúc 13h.
17h15 tan lớp học buổi chiều, học sinh ăn cơm, tắm rửa. 18h30 đến 22h là thời gian học buổi tối. Sau đó, học sinh về khu nội trú ngủ, nghỉ. Không em nào được học thêm sau 22h, trừ những trường hợp đặc biệt được thầy cô chỉ định.
Ngày ngày, học sinh ở đây phải trải qua khoảng thời gian học tập, sinh hoạt đều răm rắp, chính xác đến từng phút, không khác môi trường quân đội. Ngoài giờ học, mọi sinh hoạt cá nhân, ăn uống của học sinh đều diễn ra trong không khí tranh thủ, khẩn trương. Thời gian ăn trưa, tối của các bạn trẻ kéo dài không quá 20 phút. Đa số học sinh giải quyết bữa ăn trong 10-15 phút để còn tranh thủ ngủ thêm được chút nào hay chút đó.
Thời gian lên lớp, mỗi em đều tập trung giải, sửa đề thi thử, hệ thống lại kiến thức cũ. Các bạn chỉ học những môn thi THPT quốc gia. Ngoài 3 môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, học sinh chọn tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) hoặc Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Các bạn được phân lớp theo khối xét tuyển đại học. Mỗi lớp có 3 giáo viên quản thúc, đôn đốc. Thầy giáo bộ môn sửa bài trên bục giảng, cuối lớp còn có 2 thầy quản nhiệm ngoại trú để ý từng hành động của những cô cậu “nhất quỷ, nhì ma”.
“Trước đây, mỗi ngày, tụi em có thể giải 3 đề thi, chỉ biết giải đề và giải đề. Thời gian này, thầy cô cho chúng em tự học nhiều hơn. Em thấy mình chưa chắc chỗ nào thì học lại chỗ đó, không hiểu thì hỏi thầy ngay”, Đức Mạnh, học sinh lớp 12D6, nói.
Tương tự, Như Tâm, học sinh lớp 12D7, thừa nhận thời gian áp lực, căng thẳng nhất của các bạn bắt đầu sau Tết Nguyên đán. Kết thúc học kỳ I, nhà trường đã “chạy” xong chương trình lớp 12. Bắt đầu học kỳ II, học sinh quay cuồng với việc luyện đề, giải đề, vừa phải ôn tập, hệ thống lại toàn bộ kiến thức liên quan từ lớp 10, 11 và 12.
“Nhiều bạn tình nguyện ở lại trường để học chứ không về nhà dịp cuối tuần. Bây giờ, tụi em cảm thấy nhẹ nhàng hơn; vẫn học 3 ca mỗi ngày nhưng không phải nhồi nhét kiến thức, đụng đâu học đó”, Tâm cho hay.
Những ngày này, hàng ghế đá, cột cờ, hành lang lớp học hay bất cứ nơi đâu đều có thể trở thành “bàn học dã chiến” của những cô, cậu học trò. Còn thời gian ôn tập, các em đều muốn học thêm “chút nào hay chút đó” để kiến thức vững vàng hơn.
Áp lực tâm lý nặng nề
Nắm chắc kiến thức là vậy nhưng khi được hỏi có tự tin, chắc thắng khi bước vào kỳ thi không, câu trả lời của các em đều là không. Tâm lý không vững vàng khi ngồi trong phòng thi, áp lực cạnh tranh với những thí sinh cùng nguyện vọng khiến những bạn trẻ tự tin về kiến thức nhất cũng cảm thấy hồi hộp, bồn chồn khi ngày thi đang đến gần.
Y Dược TP.HCM, Y Phạm Ngọc Thạch, Bách khoa, Kinh tế, Ngoại thương, Kinh tế – Luật, Sư phạm Kỹ thuật… là những cái tên quen thuộc được các em kể ra khi nói về hy vọng, ước mơ của mình. Gần 900.000 thí sinh cũng đang ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh. Khoảng 650.000 sĩ tử trong số đó sẽ cạnh tranh tấm vé vào những ngôi trường đại học mà các em mơ ước.
Văn Khôi là học sinh giỏi của khối 12, đã đặt tất cả nguyện vọng vào trường y dược. “Học vậy chứ em vẫn sợ. Sợ vô phòng thi căng thẳng quá em lại quên. Học bao nhiêu em cũng thấy thiếu thiếu, học càng nhiều càng thấy hụt kiến thức”, chàng trai tâm sự.
Dù cơ hội vào các trường đại học ngày càng rộng mở với nhiều hình thức từ xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực hoặc xét tuyển kết hợp, đa số trường đại học nổi tiếng vẫn tuyển sinh chủ yếu dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Do đó, nhiều học sinh vẫn đặt niềm tin, hy vọng rất lớn vào kỳ thi diễn ra từ ngày 24 đến 27/6.
Kỳ thi dù được hứa hẹn sẽ nhẹ nhàng, nhưng sự kỳ vọng vào thành quả từ những nỗ lực của chính bản thân đang là áp lực không nhỏ với mỗi sĩ tử trường Nguyễn Khuyến.
“Thi trắc nghiệm, em không thấy lo, chỉ sợ môn Văn tự luận, nhỡ ý của em không đúng với đáp án, nhất là câu nghị luận xã hội. Nói là đề mở, chấm mở nhưng em vẫn lo. Năm trước, vụ gian lận điểm thi lớn như thế chắc năm nay các thầy cô sẽ chấm gắt hơn”, Hồng Ngọc, lớp 12D7 của trường, chia sẻ.
Ngày thi đang đếm ngược, những cây đậu nhỏ xinh trồng trong lọ thủy tinh, chai nhựa – tượng trưng cho mong ước đậu đại học – xuất hiện nhiều trên bàn học, cả ở đầu giường của mỗi cô, cậu học trò nơi đây.
Cô Yên Chi, Phó hiệu trưởng nhà trường, tự tin với với năng lực của học trò nhưng cũng lo ngại áp lực tâm lý với các bạn trẻ: “Về kiến thức của các em, tôi không lo. Các em đã được giáo viên lên lịch học tập một thời gian rất dài, không chỉ riêng mấy tháng gần đây, nên tôi tin kiến thức các em đều vững. Tất nhiên còn tùy từng bạn, nhưng năng lực các em thế nào, thầy cô đều nắm chắc. Chỉ là vấn đề tâm lý thôi”.
Nhiều phụ huynh vào trường thăm con vào cuối giờ chiều luôn mang theo những món ăn chúng thích nhất, kể những câu chuyện vui, tích cực nhất để con yên tâm ôn thi, giữ tinh thần lạc quan trước ngày “chiến đấu”:
– Em con vừa mới thi đậu lớp chuyên Lý trường THPT Gia Định đó, báo cho con vui. Con cứ giữ tinh thần thi tốt nhé.
– Con cũng chỉ sợ vướng tinh thần thôi, mấy cái khác mẹ yên tâm.
– Lo gì! Không được trường này thì trường khác, có gì đâu.
– Không được, không phải vậy, nhất định phải là Bách khoa. Trước năm lớp 12, con cũng nghĩ không học trường này thì trường khác nhưng càng học con càng quyết phải vào ĐH Bách khoa.
– Nhưng vậy thì áp lực cho con thôi!
– Có áp lực mới cố gắng thành công. Vượt qua áp lực thì chắc chắn thành công.
Đó là cuộc trò chuyện giữa Khanh (học sinh lớp 12 của trường) với mẹ mình. Vừa “giải quyết” những món ngon mẹ mang vào sau giờ học, cậu học trò vừa dặn cha mẹ trong 3 ngày thi không cần lo quá, vì đã có thầy cô đưa đón và ở lại trường. Nam sinh này còn nói nhiều lần rằng gia đình không được gọi điện hỏi chuyện làm bài sau mỗi ngày thi.
“Ba mẹ đừng có gọi điện hỏi con làm bài ra sao. Áp lực lắm! Thi xong hết các môn, con sẽ gọi về liền. Chiều đó thi xong, mẹ lên đón con về nha”, Khanh dặn mẹ nhiều lần.
Mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc vào thăm con gái, anh Lương Kế Nam (Bình Dương) cho biết do nhà ở xa, chiều cuối tuần, vợ chồng anh mới tranh thủ đến trường. Nhìn con gái vừa ăn vừa xem lại bài trước giờ học buổi tối, anh Nam kể gia đình không gây áp lực về kết quả thi cử. Những ngày này, anh Nam luôn động viên con thoải mái, tự tin trước kỳ thi, không lo nghĩ nhiều đến điểm số, nguyện vọng đại học. Mỗi lần vào thăm, vợ chồng anh đều cố gắng nấu nhiều món con gái thích. Đó cũng là cách ủng hộ tinh thần cho cô bé trước kỳ thi.
Khanh may mắn hơn nhiều bạn bè trong trường. Nhiều học sinh của trường Nguyễn Khuyến đến từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, cả năm học chỉ gặp ba mẹ vào lúc đưa đến, đón về. Ngày thi đến gần, các em cũng chỉ được nghe lời động viên từ xa của người thân qua điện thoại. Nhiều em còn ngại gọi điện cho gia đình vì sợ áp lực bởi chính những lời quan tâm, động viên của bố mẹ.
“Thi xong chắc sẽ có đứa buồn, đứa vui nhưng chúng em đều nhớ nhau, nhớ thầy cô lắm. Em vừa mong kỳ thi đến nhanh để sau đó ‘xõa’, nhưng cũng muốn cứ học mãi, không cần thi. Bây giờ đã thấy nhớ rồi! Học như ở ‘tù’ nhưng cũng nhiều cái vui lắm. Hồi đó khóc lóc, không muốn vô trường này, vài hôm nữa dọn đồ về chắc sẽ có cả bọn khóc cùng em”, Hồng Ngọc chia sẻ sau khi nhắc lại những kỷ niệm với các bạn ở trường.
“Chiều thi xong, em sẽ đi sơn móng tay, nhuộm tóc liền”, “Em sẽ đi thi bằng lái xe”, “Em đi Phú Quốc liền”, “Về ngủ một giấc cho đã”… Đó là những khát khao từ lâu của những cô cậu học trò ở nội trú. Thi THPT quốc gia vừa là đích của cuộc đua marathon trong đời học sinh, vừa là cột mốc đánh dấu sự “sổ lồng” của các em.