fbpx
Home Tin tuyển sinh Ngành Triết học dành cho những bạn ưa khám phá quy luật chung của con người

Ngành Triết học dành cho những bạn ưa khám phá quy luật chung của con người

0
Ngành Triết học dành cho những bạn ưa khám phá quy luật chung của con người

Nếu bạn ưa thích khám phá ra những gì là bản chất nhất, những quy luật chung nhất và sâu sắc nhất của con người, của xã hội và thế giới, ngành Triết học sẽ là lựa chọn tốt cho bạn.

“Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên” (Aristote). Đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi cho mình “Ta là ai”, “Ta sẽ trở thành người như thế nào”, “Học để làm gì nhỉ”… hay chưa?! Khi để mình suy tư về bản chất của chính mình, ấy là khi bạn đang tư duy về triết học rồi đấy!

Triết học có thể xuất hiện ở những thắc mắc thật hồn nhiên của các bé lên ba tuổi, khi luôn miệng đặt những câu hỏi đôi lúc “làm khó” cho người lớn, và ở cả những vấn đề rất “to tát” như “ý nghĩa cuộc sống nằm ở đâu”, “bản chất thế giới này là gì”, “quy luật của xã hội sẽ tiến triển thế nào”…

Triết học – nếu như bạn chủ động lựa chọn – sẽ là bạn đồng hành giúp các bạn tự trả lời những câu hỏi quan trọng nhất trong suốt hành trình sống của chính mình.

Nếu bạn ưa thích khám phá ra những gì là bản chất nhất, những quy luật chung nhất và sâu sắc nhất của con người, của xã hội và thế giới, ngành Triết học sẽ là lựa chọn tốt cho bạn.

Sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức từ cơ bản, cơ sở tới chuyên sâu của Triết học, qua đó, nắm vững lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng để giải quyết những vấn đề của thực tiễn và hội nhập được với Triết học quốc tế.

Các đơn vị tuyển dụng ngành Triết học

Nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu vào các lĩnh vực khác nhau của Triết học như: Triết học phương Đông, Triết học phương Tây, Logic học, Tôn giáo học, Đạo đức, Mĩ học, Triết học xã hội, Triết học văn hoá, Triết học giáo dục, Triết học chính trị… Làm biên tập cho các Tạp chí lí luận, các nhà xuất bản, tham gia phụ trách các vấn đề lí luận cho các Tạp chí, tuyên truyền, phổ biến lí luận, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước tới đông đảo quần chúng.

Yêu cầu: Say mê tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu của Triết học; Kiên trì, vượt khó, làm việc bền bỉ; Cẩn thận, nghiêm túc trong công việc; Tư duy hệ thống, có năng lực về lí luận, trừu tượng hoá, khái quát hoá tốt. Có khả năng phát hiện vấn đề lí luận.

Các đơn vị tuyển dụng: Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, các Viện nghiên cứu trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện TTKHXH… Ban Tuyên giáo trung ương và địa phương, Tạp chí Triết học, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Tạp chí Giáo dục lí luận, NXB Chính trị Quốc gia, NXB Lí luận chính trị, NXB Giáo dục v.v…

Triển vọng phát triển nghề nghiệp: Trở thành những chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu Triết học, Tôn giáo học. Tham gia vào đội ngũ cố vấn lí luận cho Đảng, Nhà nước (Hội đồng Lí luận trung ương) về đường lối, phương hướng phát triển đất nước trong thời kì hội nhập và đổi mới.

Là những người tiên phong trong việc tuyên truyền đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, định hướng dư luận xã hội.

Lãnh đạo quản lí

Tham gia công tác lãnh đạo quản lí trong các tổ chức chính trị – xã hội, trong các cơ quan hành chính nhà nước như Quản lí hành chính, Quản lí công, Hoạch định chính sách…

Yêu cầu: Tự tin, quyết đoán; Tinh thần tự chịu trách nhiệm lớn; Khả năng vận dụng, ứng dụng nhuần nhuyễn lí luận vào việc góp phần xử lí các vấn đề lớn của thực tiễn.

Các đơn vị tuyển dụng: Các tổ chức trong hệ thống chính trị như các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp (Mặt trận Tổ quốc, Văn phòng chính phủ…), C­­­ác cơ quan hành chính nhà nước; Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…

Triển vọng phát triển nghề nghiệp: Platon và Khổng Tử đều thống nhất với nhau rằng một xã hội lí tưởng phải là một xã hội được quản lí bởi các nhà Triết học.

Nhận định ấy còn có thể hiểu là các nhà lãnh đạo giỏi đều phải có tầm nhìn Triết học, và ngược lại, nếu bạn có tri thức Triết học, rất có thể bạn sẽ trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai.

Các cơ hội việc làm khác:

Triết học nghĩa gốc là “yêu mến sự thông thái”. Thời cổ đại cho tới cận đại ở phương Tây, các nhà triết học thường là những cuốn Từ điển Bách khoa toàn thư sống, hay có thể hiểu nôm na là Mr “Biết Tuốt”.

Tri thức triết học là tri thức tổng hợp của rất nhiều ngành khoa học. Tới nay, khái niệm triết học được thống nhất là hệ thống những nguyên lí, quy luật chung, phổ biến nhất về tự nhiên, xã hội và tư duy, về vị trí và vai trò của con người trong thế giới.

Chính vì thế, sau khi học Triết học, bạn có thể bổ túc thêm kiến thức của bất cứ ngành nghề nào mình lựa chọn, kể cả việc kinh doanh hay tham gia vào lĩnh vực truyền thông đại chúng như Phóng viên, biên tập viên báo chí truyền hình; Kinh doanh, đầu tư; Luật sư; Phê bình nghệ thuật; Quản lí khoa học công nghệ…

Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp: Cử nhân Triết học có thể được chuyển tiếp, thi lên bậc sau đại học (bậc thạc sĩ, tiến sĩ, học hàm là Phó giáo sư, Giáo sư Triết học) để trở thành những chuyên gia có trình độ cao trong các lĩnh vực: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Lịch sử triết học, Logic học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Mỹ học, Đạo đức học; có thể tiếp tục nghiên cứu ở một số ngành khoa học tự nhiên và xã hội.

Theo USSH

Comments

comments