Trước nhu cầu và sở thích nuôi thú cưng dần trở nên phổ biến, ngành Thú y ngày càng khẳng định được tầm quan trọng trong xã hội hiện đại.
Bạn hiểu gì về ngành Thú y
TS. Nguyễn Văn Phát, Trưởng ngành Thú y cho biết: “Thú y là ngành học nghiên cứu chuyên sâu về bệnh học động vật, người học có khả năng khám bệnh, thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán và đưa ra biện pháp phòng trị các bệnh cho động vật (động vật hoang dã, động vật cảnh, động vật nông nghiệp), qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe vật nuôi, môi trường sinh thái tự nhiên và bảo vệ cuộc sống con người”.
Học ngành Thú y, sinh viên sẽ nắm vững những kĩ thuật phòng thí nghiệm với công nghệ tiên tiến liên quan chăn nuôi hoặc thú y, vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến thú y vào lĩnh vực sản xuất động vật, sản xuất vắc-xin và dược phẩm thú y.
Đồng thời, sinh viên sẽ được học chuyên sâu về bệnh học (căn bệnh, dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh), về ngoại khoa & giải phẫu bệnh và pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh, sản xuất kinh doanh thuốc thú y.
Nhiều trải nghiệm thú vị từ những chuyến đi thực tế
Thú y là một ngành học thú vị với nhiều trải nghiệm bởi vì từ những bài học thực hành cho đến vấn đề lý thuyết đều lấy “thế giới động vật” làm đối tượng tìm hiểu.
Nguyễn Trí Mẫn (sinh viên ngành Thú y) thích thú chia sẻ: “Ngoài những giờ học lý thuyết trên lớp, một trong những điều khiến mình rất thích thú là những chuyến đi khám phá thế giới thiên nhiên với những chương trình tham quan, thực hành tại các nông trại chăn nuôi, nhà máy chế biến thức ăn gia súc và xí nghiệp dược phẩm thú y, phòng khám chữa bệnh thú cưng, trung tâm thú y ở nhiều địa phương khác.
Những chương trình trải nghiệm vườn quốc gia, rừng rậm thiên nhiên hoặc các khu bảo tồn động vật hoang dã mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị”.
Cuộc sống hiện đại phát triển theo xu hướng an toàn, Thú y sẽ là ngành học được lựa chọn vì mang đến những phương pháp phòng bệnh trong chăn nuôi, góp phần xây dựng các nguyên tắc cơ bản về an toàn sinh học, cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hiện tại, các trường ĐH đào tạo về ngành Thú y như ĐH Nông lâm TP HCM, ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội)… có các chương trình tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận với các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ sinh học và ứng dụng kỹ thuật thú y trong chăn nuôi thông qua những buổi hội thảo, cuộc thi học thuật, trải nghiệm thực tế.
Cơ hội việc làm
Nếu theo học ngành Thú y, sau khi tốt nghiệp sinh viên có cơ hội làm việc ở các vị trí như:
Cử nhân Thú y làm việc tại các công ty thuốc thú y, phòng khám thú y, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, khu bảo tồn động vật hoang dã hay thảo cầm viên, phòng xét nghiệm thú y khoa, các hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc thú y.
Chuyên viên tại các cơ quan quản lý nhà nước như Phòng, Sở Nông nghiệp, Cục, Viện nghiên cứu, Chi cục thú y Tỉnh, Trạm thú y quận/huyện, cơ quan nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật thú y, cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, các cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái…
Mở công ty thuốc thú y, phòng khám thú y hoặc trang trại chăn nuôi của riêng mình cũng là một cơ hội khởi nghiệp triển vọng.
Thông tin xét tuyển ngành Thú y ở một số trường đại học:
– ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH): Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C08 (Văn, Hóa, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh) theo kết quả thi THPT quốc gia; xét tuyển học bạ lớp 12 với tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên.
– ĐH Nông lâm TP HCM: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hoá), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hoá, Sinh), D07 (Toán, Sinh, Anh) theo kết quả thi THPT quốc gia 2018.
– Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lí, Hóa); A01 (Toán, Lí, Anh); B00 (Toán, Hóa, Sinh); D01 (Ngữ, Toán, Anh) theo kết quả thi THPT quốc gia; tuyển thẳng hoặc kết quả học tập THPT.