Ths. Đặng Diễm Phương, giảng viên ngành Quản trị nguồn nhân lực cung cấp các thông tin liên quan đến ngành Quản trị nguồn nhân lực.
Ngành quản trị nguồn nhân lực là ngành gì?
Ths. Đặng Diễm Phương, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: Ngành Quản trị nguồn nhân lực (QTNNL) tập trung đào tạo các kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực nhân sự như tuyển dụng, đào tạo, tính lương, quản lí hiệu quả công việc… cung cấp cho sinh viên các kiến thức và kĩ năng cần thiết khi tham gia vào thị trường lao động tại các vị trí chuyên viên nhân sự”.
Ngành quản trị nguồn nhân lực được đào tạo những gì?
Theo cô Phương, sinh viên theo học ngành Quản trị nguồn nhân lực sẽ được học từ tổng quan về ngành đến các môn học chuyên ngành như: Hoạch định nguồn nhân lực, Đào tạo và phát triển, Tiền lương và phúc lợi, Quản trị thành tích, Phát triển tổ chức…
Sinh viên sẽ hoàn thiện kĩ năng của bản thân như lập kế hoạch, tuyển dụng, phỏng vấn, tính lương, bảo hiểm, xử lí tình huống trong quan hệ lao dộng… mà bất cứ doanh nghiệp tuyển dụng nào cũng đều yêu cầu.
Chương trình học của ngành Quản trị nguồn nhân lực chú trọng cho sinh viên thực hành các kĩ năng ngay tại các môn học cũng như tại các đợt thực tập tại doanh nghiệp chiếm hơn 30% chương trình.
Ngành Quản trị nguồn nhân lực có thể làm những công việc gì?
Trao đổi với chúng tôi, cô Phương cho biết, đối với cử nhân ngành Quản trị nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp có thể thử sức với nhiều vị trí và môi trường làm việc khác nhau.
Sinh viên tốt nghiệp có thể thử sức ở các vị trí công việc như: Chuyên viên tuyển dụng, chuyên viên đào tạo, chuyên viên lương, chính sách, chuyên viên bảo hiểm, chuyên viên truyền thông nội bộ, chuyên viên xử lí quan hệ nội bộ, chuyên viên dự án nhân sự, tư vấn nhân sự, nhân viên tư vấn các khóa học nhân sự, chuyên viên quản lí nội dung các trang tuyển dụng…
Cử nhân ngành Quản trị nguồn nhân lực ra trường có thể làm việc tại bộ phận văn phòng tổ chức hành chính ở các doanh nghiệp, tổ chức, công ty, tập đoàn kinh tế; trung tâm hỗ trợ việc làm, trung tâm phát triển nguồn nhân lực; các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort; các trung tâm đào tạo, tuyển dụng; trường đại học, cao đẳng…để gắn bó và trau dồi công việc chuyên môn nghề nghiệp.
Mức lương cho sinh viên mới ra trường khác nhau tùy theo đặc tính công việc và loại hình doanh nghiệp, nhưng thuộc nhóm cao so với mặt bằng chung.
Trong quá trình học, trường tổ chức cho sinh viên đi tham quan doanh nghiệp, tiếp xúc với các chuyên gia trong ngành từ năm thứ nhất. Các chương trình đi thực tập, ngày hội việc làm được tổ chức định kì hàng năm giúp sinh viên nắm bắt được cơ hội việc làm từ sớm.