Quản trị khách sạn luôn là ngành học “đứng top” trong ưu tiên chọn lựa của đông đảo các bạn thí sinh mỗi mùa thi. Với tốc độ phát triển nhanh chóng và định hướng “vươn tầm quốc tế”, lĩnh vực du lịch – nhà hàng – khách sạn nói chung và ngành Quản trị khách sạn nói riêng được đánh giá là một “thị trường nghề nghiệp” đặc biệt đa dạng dành cho người trẻ.
Không chỉ làm việc trong các khâu điều hành, quản lý… của một khách sạn, sinh viên ngành Quản trị khách sạn còn có thể thử sức với hàng loạt những công việc “ngoài khách sạn” không kém phần thú vị, kèm theo những đãi ngộ hấp dẫn!
Môi trường cởi mở, tha hồ “tung tăng”
Ấn tượng đầu tiên về Quản trị khách sạn là ngành học… “trong khách sạn”, nghĩa là khi theo học ngành này, bạn sẽ có thể làm việc trong “tất – tần – tật” các bộ phận tiền sảnh, lễ tân, buồng phòng, ẩm thực, nhân sự – tài chính,… của một khách sạn. Hẳn nhiên là hiểu như thế không sai tí nào, nhưng kể cả nếu bạn thích được vi vu nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người,… trong công việc của mình, thì ngành Quản trị khách sạn vẫn có thể làm “cầu nối” cho bạn.
Chẳng hạn, sinh viên ngành Quản trị khách sạn có thể đảm nhận công việc tổ chức sự kiện – công việc đòi hỏi di chuyển (khi đi khảo sát địa điểm, làm báo giá,…), gặp gỡ nhiều đối tác (khi làm việc với khách hàng, những khách mời nổi tiếng,…) và cả sự sáng tạo (để nghĩ ra thật nhiều những ý tưởng ấn tượng!). Bởi vì trong quá trình học tập, các bạn đã được trang bị cho bạn các kỹ năng cần thiết để tổ chức một sự kiện từ kế hoạch trên giấy đến thực tế một cách thành công, nên công việc tổ chức sự kiện là một lựa chọn hoàn toàn lý tưởng.
Truyền thông – Marketing trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn là một hướng đi khác mà các cử nhân ngành Quản trị khách sạn có thể cân nhắc. Không chỉ phục vụ du khách thật chuyên nghiệp trong thời gian lưu trú, thương hiệu của một khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng,… còn phải được khẳng định thông qua chiến lược truyền thông độc đáo, hiệu quả.
Không chỉ làm việc trong các khách sạn hay trung tâm hội nghị, sinh viên ngành Quản trị khách sạn còn có thể thử sức tại các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, hay các homestay cũng là một lựa chọn không kém phần thú vị. Ngoài ra, khi lựa chọn Quản trị khách sạn, bạn còn có thể dễ dàng làm việc ở nước ngoài, bởi theo thỏa thuận của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), du lịch hiện là một trong 08 ngành mà người lao động được tự do di chuyển trong các nước ASEAN.
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn học gì mà “quyền lực” thế?
Để có thể tự tin đảm nhận nhiều công việc khác nhau cả bên trong và “ngoài khách sạn” như thế, tất nhiên sinh viên ngành Quản trị khách sạn sẽ cần trang bị liên tục kiến thức – kỹ năng – ngoại ngữ. Chẳng hạn, trong chương trình đào tạo chính thức, các bạn được trang bị kiến thức, kỹ năng về quản lý hệ thống phòng, quản lý nhân viên, giao tiếp khách hàng, chuẩn bị sự kiện, giải quyết rủi ro. Những kiến thức liên quan như kiến thức về rượu và các loại thực phẩm thường dùng tại khách sạn, kiến thức văn hóa đặc trưng đa quốc gia, luật lưu trú… và nhất là tiếng Anh chuyên ngành trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn cũng được chú ý trang bị.