Nền kinh tế phát triền, ngành Marketing vì thế nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh và thu hút rất nhiều lao động, những người muốn tìm kiếm cho mình một cơ hội công việc thú vị, thu nhập cao và nhiều thử thách.
Ngành Marketing là gì?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Linh, giảng viên ngành Marketingcho biết: “Ngành Marketing là ngành đào tạo hệ thống lí luận (kiến thức) và phương pháp, qui trình thực hiện các tác nghiệp marketing tại doanh nghiệp phù hợp theo bối cảnh thực tiễn như nghiên cứu và phát triển thị trường; hành vi khách hàng; các chiến lược về sản phẩm, giá, phân phối và xúc tiến hỗn hợp; quản trị bán hàng, chăm sóc khách hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu…”.
Chương trình học ngành Marketing
Sinh viên theo học ngành Marketing này sẽ được các kiến thức chuyên sâu ngành như: Nghiên cứu marketing, hành vi khách hàng, marketing trên internet, marketing dịch vụ, quảng cáo, quan hệ công chúng, IMC, xây dựng và phát triển thương hiệu, xuản trị bán hàng…
Bên cạnh đó, những kỹ năng chuyên môn: Lập kế hoạch, triển khai thực hiện và kiểm soát các hoạt động tác nghiệp như: nghiên cứu marketing, nghiên cứu hành vi khách hàng, các chiến dịch marketing trên internet, bán hàng, quảng cáo, quan hệ công chúng, marketing dịch vụ.
Ngoài ra khi theo học ngành này, sinh viên còn được học thêm những kỹ năng mềm bổ trợ: Kĩ năng đàm phán, giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo…
Cơ hội việc làm ngành Marketing
Sau khi theo học, cử nhân ngành Marketing có thể làm: Nhân viên kinh doanh (vị trí bán hàng), nhân viên truyền thông marketing, nhân viên chăm sóc khách hàng; nhân viên phụ trách các mảng như quảng cáo, khuyến mãi, kênh phân phối, nhân viên nghiên cứu thị trường…
Qua trình làm việc, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức tốt được khách hàng, đối tác và đơn vị tín nhiệm thì sẽ được phát triển đến các vị trí cao hơn như: Trưởng bộ phận bán hàng; phụ trách/giám sát bán hàng khu vực (các Quận, Tỉnh/thành phố; khu vực bao gồm một số tỉnh/thành phố…), Trưởng hoặc phó giám đốc bán hàng chi nhánh; trưởng hoặc phó phòng kinh doanh/marketing.
Cử nhân ngành Marketing là nguồn nhân lực được ưa chuộng tại các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Cụ thể tại phòng marketing, kinh doanh (tùy thuộc cơ cấu tổ chức doanh nghiệp). Ngoài ra, người học còn có thể làm việc quản lí thương mại trực thuộc các Sở Công thương (tỉnh, thành phố)…
Thông tin tuyển sinh ngành Marketing ở một số trường đại học:
Đại học Greenwich (Việt Nam) – Thuộc Tổ chức giáo dục FPT: Xét tuyển học bạ (không thi tuyển), tuyển thẳng đối với thí sinh có điểm tổng kết lớp 11 hoặc học kì I lớp 12 từ 6.5 trở lên
ĐH Tài chính – Maketing: Xét tuyển ngành Marketing theo tổ hợp môn A00, A01, D01, D96. Điểm chuẩn năm 2018 của ngành Marketing là 21 điểm.
ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM (UEF): Xét tuyển ngành Marketing theo tổ hợp môn A00, A01, D01, D96. Điểm chuẩn năm 2018 của ngành Marketing là 21 điểm.
ĐH Kinh tế TP HCM: Xét tuyển ngành Marketing theo tổ hợp môn A00, A01, D01, D07. Điểm chuẩn năm 2018 của ngành Marketing là 22,4 điểm.
ĐH Thương mại Hà Nội: Xét tuyển ngành Marketing theo tổ hợp môn A00, A01, D01. Điểm chuẩn năm 2018 của ngành Marketing là 21,55 điểm.
ĐH Công nghiệp Hà Nội: Xét tuyển ngành Marketing theo tổ hợp môn A00, A01, D01. Điểm chuẩn năm 2018 của ngành Marketing là 19,85 điểm.
ĐH Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: Xét tuyển ngành Marketing theo tổ hợp môn A00, A01, D01. Điểm chuẩn năm 2018 của ngành Marketing là 19,3 điểm.