Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi cam kết 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt xếp loại học lực từ trung bình khá trở lên và đáp ứng được chuẩn đầu ra tiếng Anh, chuẩn đầu ra của ngành đào tạo
Được biết, Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước (tiền thân là khoa Thủy nông) bắt đầu được giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học chính quy từ năm 1959, là một trong ba khoa ra đời sớm nhất, có kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học lâu năm; được coi là ngành chủ lực của Trường Đại học Thủy lợi nói riêng và ngành thủy lợi cả nước nói chung.
Trải qua gần 60 năm, xây dựng và phát triển, hiện nay Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước (KTTNN) đã và đang thực hiện 3 nhiệm vụ. Đó là, công tác đào tạo ở ba bậc học: Đại học – Cao học – Tiến sĩ; khoa thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng cấp Nhà nước, cấp Bộ… và chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh nhằm thực hiện các dự án lớn có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành phục vụ phát triển kinh tế trên cả nước.
Hiện nay, khoa đang tuyển sinh và đào tạo bậc Đại học ở 3 ngành: ngành Kỹ thuật tài nguyên nước; ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng (KTCSHT) và ngành Kỹ thuật cấp thoát nước (KTCTN). Mỗi năm cho ra trường hàng trăm kỹ sư đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các cơ quan Trung ương, Bộ, Ngành, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại toàn bộ trên 63 tỉnh thành phố.
Theo PGS.TS Lê Văn Chín, Phó trưởng khoa KTTNN, Đại học Thủy lợi cho biết, để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, đội ngũ giảng viên trong khoa đều có trình độ cao và tâm huyết với nghề nghiệp, cụ thể có 3 Giáo sư, 9 Phó Giáo sư, 20 Tiến sỹ và 12 Thạc sỹ được đào tạo tại các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hà Lan, Đức, Italy, Nga, Hàn Quốc..
Với mục tiêu đào tạo kỹ sư cho lĩnh vực KTTNN, KTCSHT và KTCTN nhằm thực hiện công tác quy hoạch, thiết kế, giám sát và tổ chức thi công – vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp thoát nước, hạ tầng kỹ thuật. Nhằm khắc phục giảm nhẹ thiên tai phục vụ các lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Để đáp ứng yêu cầu lớn này, Khoa đã không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, nội dung theo hướng hiện đại và phù hợp với nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật, Singapore…, nâng cao thực hành, thực nghiệm với tổng số 145 tín chỉ trong thời gian đào tạo 4,5 năm.
Đồng thời khoa KTTNN được Nhà trường trang bị cơ sở vật chất, phần mềm thiết kế, mô hình quản lý vận hành hệ thống thủy lợi, thủy điện, cấp thoát nước, hạ tầng kỹ thuật, môi trường… phục vụ học tập và nghiên cứu hiện đại nhất Việt Nam.
Mặt khác, PGS.TS Lê Văn Chín cho biết thêm, để tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên, khoa KTTNN đã chủ động ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều trường đại học; viện nghiên cứu; cơ quan nhà nước; tập đoàn; doanh nghiệp trong và ngoài nước theo hình thức đào tạo đặt hàng mỗi năm thông qua gửi thực tập sinh và hỗ trợ vị trí việc làm.
Từ những số liệu trên cho thấy, xã hội đang cần một lượng lớn kỹ sư ngành Kỹ thuật tài nguyên nước, kỹ thuật cơ sở hạ tầng và kỹ thuật cấp thoát nước trong tương lai cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời khoa KTTNN cũng cam kết đảm bảo 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt xếp loại học lực từ trung bình khá trở lên và đáp ứng được chuẩn đầu ra tiếng Anh, chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, PGS.TS Lê Văn Chín nhấn mạnh.
Cụ thể, năm nay khoa KTTNN sẽ tuyển sinh 3 mã ngành: Kỹ thuật tài nguyên nước; Kỹ thuật cấp thoát nước và Kỹ thuật cơ sở hạ tầng; với tổng số 360 chỉ tiêu từ các tổ hợp xét tuyển đa dạng A00, A01, D01, D07 tại cơ sở đào tạo Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.