Thắc mắc của thí sinh này được giải đáp tại Ngày hội tuyển sinh năm 2018 của ĐH Ngoại thương. PGS.TS Bùi Thị Lý, Trưởng khoa Quốc tế và Kinh doanh quốc tế đã đưa ra những phân tích, dẫn chứng cụ thể để chỉ rõ được những nét tương đồng và khác biệt giữa 2 ngành này để các thí sinh hiểu rõ. Từ đó lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển phù hợp.
“Kinh tế đối ngoại là một chuyên ngành thuộc khoa Kinh tế. Còn Kinh doanh quốc tế là một chương trình đào tạo nằm trong ngành cùng tên gọi. Đây đều là hai ngành thuộc khoa Quốc tế và Kinh doanh quốc tế. Vì thuộc 2 chuyên ngành khác nhau nên nội dung chương trình cũng có những điểm khác nhau.
Điểm khác nhau ở đây là ở ngành Kinh tế đối ngoại sẽ có hàm lượng kiến thức về kinh tế sẽ nhiều hơn so với kinh doanh. Và ngành Kinh doanh Quốc tế thi hàm lượng về kinh doanh sẽ nhiều hơn.
Kinh tế đối ngoại là một chương trình đào tạo từ lâu đã trở thành thương hiệu của trường ĐH Ngoại thương. Ngành Kinh tế của ĐH Ngoại thương có những nét khác biệt so với các trường cũng đào tạo ngành này trên địa bàn Hà Nội. Đ
Đó là ở tính ứng dụng thực tế nhiều hơn trong các môn học, chứ không đi sâu vào những môn mang tính chất vĩ mô. Vì vậy những môn học trong ngành Kinh tế sẽ có phần gần gũi với kinh doanh, tiêu biểu như ngành Kinh tế kinh doanh.
Kinh tế đối ngoại là tên tiếng Việt của ngành nhưng chưa bao hàm hết được nội dung chương trình. Do đó, chúng tôi vẫn sử dụng tên gọi tiếng Anh của ngành là International Business Economics. Tên gọi tiếng Anh này cho thấy ngành sẽ bao gồm nội dung Kinh tế ứng dụng và Kinh doanh quốc tế. Còn Kinh doanh quốc tế thì chỉ đơn thuần về kinh doanh.
Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại vừa có thể làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế (các bộ, sở, phòng) nhưng đồng thời cũng có thể làm việc ở các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp.
Thế nhưng nếu các sinh viên học nganh Kinh doanh quốc tế, khi ra trường các bạn sẽ có thiên hướng làm việc trong các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài”, PGS.TS Bùi Thị Lý phân tích.
– “Chương trình Kinh doanh quốc tế mà theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản thì có gì khác so với những chương trình chính quy khác của trường ĐH Ngoại thương?”, học sinh Tuấn Anh hỏi.
Đại diện Viện VJCC đã trả lời thắc mắc này của thí sinh.
“Từ năm 2018, trường ĐH Ngoại thương mở chương trình đào tạo mới đó là chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản. Chương trình này do Viện VJCC phụ trách đào tạo.
Chương trinh được thực hiện nhằm giúp sinh viên có thể tiếp cận nhanh hơn với công việc và thông qua việc thực hành gắn với các doanh nghiệp.
Chương trình được xây dựng dựa trên kiến thức nền của ngành kinh doanh quốc tế của trường ĐH Ngoại thương. Kết hợp với văn hóa của người Việt Nam và phương thức kinh doanh của Nhật Bản. Phương thức kinh doanh của người Nhật Bản mang lại hiệu quả dài hạn trong quá trình kinh doanh.
Trong một năm vừa qua, chương trình này đã mang lại cho sinh viên cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp. Sinh viên ngay từ năm nhất đã được thực hành tại các doanh nghiệp. Năm thứ 2, các sinh viên được chia thành những nhóm nhỏ để thực hành tại các doanh nghiệp, lên kế hoạch kinh doanh cùng với các doanh nghiệp.
Điều này giúp cho sinh viên ra trường sẽ không cần mất khoảng thời gian làm quen với công việc trong môi trường thực tế. Khi ra trường, sinh viên có nhiều hơn cơ hội tìm được công việc mà bản thân ưng ý”, đại diện Viện VJCC cho biết.
– “Việc học song bằng của trường thì em có phải học 2 lần các môn đại cương hay không?” – Nguyễn Công Thành, học sinh lớp 12A2 trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.
TS Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương đã giải đáp thắc mắc này.
“Với các sinh viên trường ĐH Ngoại thương thì các em đều có cơ hội được học bằng đại học thứ 2. Ngay sau khi kết thúc học kỳ 1 của năm nhất là các em đã đủ điều kiện để học bằng thứ 2. Các em có thể tự chọn chuyên ngành học cho bằng thứ 2 mà các em mong muốn.
Cấu trúc các ngành học tại trường ĐH Ngoại thương có tính liên ngành. Với sự liên ngành như vậy thì khi em học sang ngành thứ 2 thì tất cả những kiến thức, các môn mà em được học trong chương trình đầu tiên thì đến chương trình thứ 2 sẽ không phải học lại nữa. Em chỉ cần tích lũy thêm những kiến thức, môn học còn thiếu trong chương trình thứ 2.
Khi em tốt nghiệp thí cả 2 bằng này đều có giá trị như nhau, đều là bằng chính quy”, TS Phạm Thu Hương cho biết.