Ngành Khoa học máy tính là ngành gì?
Theo TS. Phạm Văn Huy, quyền Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, ngành Khoa học máy tính (KHMT), theo học ngành Khoa học máy tính, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức lí thuyết và thực hành cho việc thiết kế, xây dựng và phát triển các hệ thống phần mềm máy tính, các mô hình tính toán thông minh…
Sinh viên được học các kiến thức từ căn bản đến chuyên sâu về KHMT, bao gồm: Kiến thức về lập trình, phân tích và xây dựng các hệ thống thông tin, phát triển ứng dụng trên các nền tảng hiện đại, trí tuệ nhân tạo… cùng nhiều môn học tự chọn mang tính định hướng theo các xu hướng có nhu cầu cao của các doanh nghiệp.
Sinh viên có thể lựa chọn các chuyên ngành: Hệ thống thông tin (Information Systems), Tính toán thông minh (Intelligent Computing)”, thầy Huy cho biết thêm.
Khoa học máy tính học những gì?
- Kiến thức nền tảng về cơ sở toán trong khoa học máy tính, phương pháp lập trình, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, hệ cơ sở dữ liệu, tổ chức máy tính, mạng máy tính, hệ điều hành…
- Sử dụng tốt công cụ tính toán và lập trình hiện đại, gắn với nhu cầu thực tế doanh nghiệp
- Kiến thức và kĩ năng phân tích, thiết kế và phát triển các ứng dụng cho các nền tảng: Máy tính cá nhân, thiết bị di động, web…
- Kiến thức và kĩ năng vận dụng các mô hình tính toán thông minh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu và xây dựng các ứng dụng thời kỳ 4.0
Học Khoa học máy tính ra trường làm gì?
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tự tin đảm nhận tốt các vị trí như:
- Lập trình viên/kiểm thử viên, tư vấn, giám sát chất lượng, quản trị dự án, trưởng nhóm phát triển
- Nhân viên kĩ thuật phòng Công nghệ thông tin của các doanh nghiệp lớn hoặc tổ chức nhà nước.
- Kĩ sư phát triển phần mềm, xây dựng giải pháp và dịch vụ Công nghệ thông tin – Truyền thông
- Kiến trúc sư, quản trị dự án, chuyên gia tư vấn, trưởng nhóm phát triển phần mềm, giám đốc kĩ thuật…
- Kĩ sư hệ thống thiết kế, xây dựng và đánh giá các giải pháp (tích hợp) các doanh nghiệp, tổ chức.
- Kĩ sư dữ liệu tại các công ty phân tích, xử lí, cung cấp dịch vụ trên dữ liệu
- Kiến trúc sư dữ liệu, kĩ sư phân tích dữ liệu cung cấp giải pháp cho các bài toán phức tạp dựa trên dữ liệu lớn.
- Kĩ sư phụ trách nghiên cứu và phát triển các phần mềm điểu khiển robot, xe tự lái, giám sát giao thông…
- Kĩ sư phụ trách nghiên cứu, phát triển và vận hành các phần mềm tối ưu hoá sản xuất, phân phối hàng hoá…
Ngành Khoa học máy tính học ở trường nào?
Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính có thể làm việc ở các vị trí sau: Nhà nghiên cứu chuyên nghiệp; giảng viên Viện nghiên cứu về khoa học máy tính… Những thí sinh đam mê và muốn theo học ngành này có thể tham khảo thông tin tuyển sinh một số trường dưới đây:
ĐH Tôn Đức Thắng
Xét tuyển các tổ hợp môn A00; A01; D01; C01. Điểm chuẩn ĐH Tôn Đức Thắng năm 2018 là 19,75 điểm. Trong đó môn Toán nhân hệ số 2.
Phương án tuyển sinh năm 2019 ĐH Tôn Đức Thắng sẽ tuyển sinh với ba phương thức xét tuyển như: Xét tuyển theo kết quả quá trình học tập bậc THPT, xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2019 và tuyển thẳng.
ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP HCM
Xét tuyển các tổ hợp môn A00; A01; D01. Điểm chuẩn năm 2018 là 22,40 điểm.
Phương án tuyển sinh năm 2019 ĐH Công nghệ Thông tin TP HCM dự kiến sẽ tuyển sinh theo 5 phương thức. Bên cạnh đó, nhà trường cũng xét tuyển theo điều kiện riêng đối với hai ngành: Khoa học Máy tính (chương trình liên kết với ĐH Birmingham City – Anh, do ĐH Birmingham City cấp bằng) và Mạng máy tính An toàn thông tin (chương trình liên kết với ĐH Birmingham City do ĐH Birmingham City cấp bằng) với 60 chỉ tiêu/ngành.
ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP HCM
Xét tuyển các tổ hợp môn A00; A01. Điểm chuẩn năm 2018, Kĩ thuật máy tính là 23,25 điểm.
Năm 2019, dự kiến ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP HCM sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, ưu tiên xét tuyển theo qui định của ĐH Quốc gia TP HCM, tuyển thẳng theo qui chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, xét tuyển theo kết quả kì đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM.
ĐH Bách khoa Hà Nội
Xét tuyển các tổ hợp môn A00; A01. Điểm chuẩn năm 2018 là 25 điểm.
ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm 2018, mỗi ngành của trường sẽ có chỉ tiêu và điểm chuẩn riêng, thay vì nhóm ngành như những năm trước.
ĐH Quốc gia Hà Nội
Xét tuyển các tổ hợp môn A00; A01; D07, D08. Điểm chuẩn năm 2018 là 22 điểm.
ĐH Quốc gia Hà Nội xét tuyển với thí sinh sử dụng: Kết quả kì thi THPT quốc gia, kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng do trường này tổ chức, chứng chỉ quốc tế quốc tế Cambridge International Examinations A-Level, kết quả kì thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ).
ĐH FPT
Xét tuyển các tổ hợp môn D01, A00, A01, D90. Điểm chuẩn năm 2018 ngành Khoa học máy tính là 21 điểm.