fbpx
Home Tin tuyển sinh Ngành công nghệ thực phẩm: Nhân sự cung không đủ cầu

Ngành công nghệ thực phẩm: Nhân sự cung không đủ cầu

0
Ngành công nghệ thực phẩm: Nhân sự cung không đủ cầu

Công nghệ thực phẩm là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP HCM, nên nhu cầu nguồn nhân lực của ngành này rất lớn. Tuy nhiên, do số trường đào tạo ngành này chưa nhiều nên sinh viên ngành công nghiệp thực phẩm ra trường vẫn cung không đủ cầu.

Ngành công nghệ thực phẩm là ngành gì?

Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM: “Kĩ sư ngành Công nghệ thực phẩm có đầy đủ kiến thức và kĩ năng về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến lượng thực thực phẩm cũng như những vấn đề về quản lí chất lượng và an toàn thực phẩm”.

Ông Sơn cũng cho biết chương trình đào tạo hệ đại học ngành Công nghệ thực phẩm gồm 120 tín chỉ và được tổ chức đào tạo trong thời gian 3,5 năm, trong đó trang bị cho sinh viên:

Khối kiến thức đại cương về toán, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Khối kiến thức cơ sở ngành gồm các môn liên quan đến vi sinh thực phẩm, hóa học và hóa sinh học thực phẩm, kĩ thuật thực phẩm, dinh dưỡng, công nghệ sinh học thực phẩm…

Sinh viên theo học ngành Công nghệ thực phẩm sẽ được học kiến thức chuyên ngành gồm phân tích vi sinh thực phẩm, phân tích thực phẩm, công nghệ chế biến sữa, công nghệ chế biến thịt, công nghệ chế biến lương thực, công nghệ sản xuất bia, nước giải khát….

Gần 60% các môn thuộc kiến thức chuyên ngành liên quan đến thực hành và thí nghiệm chính là điều kiện để các em rèn luyện kĩ năng làm việc được tốt nhất trước khi vào thực tế tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, chương trình học sẽ có một học kì doanh nghiệp, trong đó sinh viên sẽ có nhiều thời gian trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp ở nhiều vị trí công việc khác nhau. Từ vị trí sản xuất đến giám sát, kiểm soát chất lượng đến những vị trí ở các bộ phận quản lí hoặc nghiên cứu phát triển.

Các môn học được thực hiện theo mô hình tích hợp, kích thích sự sáng tạo và phát triển sản phẩm mới trong các lĩnh vực đặc thù của thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn bao gồm cả các nguyên phụ liệu mới, các sản phẩm dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, trong quá trình học tập, sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm còn được tiếp cận với thực tế thông qua mối quan hệ rộng rãi và mật thiết của nhà trường và khoa với các tổ chức, doanh nghiệp.

Cũng theo ông Sơn thông tin, nắm bắt xu hướng các doanh nghiệp ngành thực phẩm tuyển dụng đòi hỏi năng lực chuyên môn, kĩ năng nghiên cứu và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu sẵn có vào thực tế công việc R&D nên sinh viên sẽ được đào tạo các kĩ năng mềm như sắp xếp công việc, quản lí thời gian, thuyết trình, trình bày báo cáo, giao tiếp tốt, ngoại ngữ trôi chảy cũng là những điều mà nhà tuyển dụng mong đợi ở một sinh viên mới ra trường.

Tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm sẽ làm ở đâu?

Kĩ sư ngành công nghệ thực phẩm có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo quản, chế biến, sản xuất, kinh doanh lương thực thực phẩm; các đơn vị quản lí nhà nước trong lĩnh vực thực phẩm; các trung tâm phân tích, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm; làm cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trong các viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo chuyên ngành công nghệ thực phẩm…

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm sẽ làm việc tại các đơn vị như:

  • Các công ty trong lĩnh bảo quản, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm như Sài Gòn Food, công ty CP Việt Nam, Vinamilk, Sabeco, …
  • Các trung tâm phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm như Quatest 3, Vinacontrol, ….
  • Các cơ quan quản lí nhà nước như sở Công thương, sở Nông nghiệp, sở Y tế…và các phòng/ban cấp dưới.
  • Các trung tâm nghiên cứu, viện, trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo ngành công nghệ thực phẩm

Ngành công nghệ thực phẩm có vai trò gì?

Chủ trương phát triển công nghiệp của TP HCM giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2025 là tập trung hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang các sản phẩm và ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

Thành phố cũng xác định 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí chế tạo, điện tử, Công nghiệp hóa chất và chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống sẽ uu tiên phát triển các ngành công nghiệp rượu bia nước giải khát, chế biến sữa, công nghiệp chế biến thịt, chế biến thực vật, chế biến bánh kẹo…

Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương ước tính, mỗi năm, người dân Việt Nam sử dụng 15% GDP cho tiêu thụ thực phẩm. Với quy mô dân số hơn 90 triệu, ngành thực phẩm được đánh giá “thị trường màu mỡ” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nắm bắt xu thế này, hiện nay các doanh nghiệp trong nước tích cực tăng cường vốn đầu tư mở rộng sản xuất, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ồ ạt vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp về công nghiệp thực phẩm đã lập website tuyển dụng nhân viên nghiên cứu phát triển sản phẩm thực phẩm (R&D) ở nhiều vị trí khác nhau.

Những vị trí này rải đều khắp các kiểu doanh nghiệp từ công ty tư nhân vừa và nhỏ, tập đoàn quốc doanh đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo anh Phan Quang Hoàng, cựu sinh viên đại học khóa hai của trường, kĩ sư phòng R&D công ty cổ phần Sài Gòn Food chia sẻ: “Các vị trí việc làm trong lĩnh vực thực phẩm khá đa dạng, phù hợp với tính cách và sở thích của từng người. Các bạn có thể làm ở bộ phận kiểm soát chất lượng, bộ phận kinh doanh, bộ phận R&D…Trong doanh nghiệp, miễn sao phù hợp để có thể phát huy hết năng lực bản thân. Các nội dung học tập trong trường thực sự bổ ích cho công việc khi tốt nghiệp”.

Ths. Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc phụ trách công tác hỗ trợ sinh viên và kết nối doanh nghiệp ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết: Hiện tại chương trình đào tạo công nghệ thực phẩm bậc đại học ở Việt Nam rất chú trọng xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc cho sinh viên.

Bên cạnh đó, sinh viên được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp nên sinh viên tốt nghiệp được doanh nghiệp đánh giá rất cao về kĩ năng nghề nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài.

Tuy nhiên, vấn đề kĩ năng ngoại ngữ đang là một rào cản để các em phát triển sự nghiệp. Và với số lượng trường đào tạo ngành này vẫn chưa nhiều, mỗi năm số sinh viên ngành công nghiệp thực phẩm ra trường vẫn cung không đủ cầu, là bài toán nan giải cho nhân lực ngành này trong tương lai.

Ngành Công nghệ thực phẩm nên học trường trường nào?

Theo ông Phạm Thái Sơn thông tin: “Hiện tại ở TP HCM chỉ có một số đơn vị truyền thống và uy tín đào tạo nhóm ngành công nghiệp thực phẩm trong nhiều năm qua như ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Nông lâm TP HCM….

Trong đó, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM được xác định là trường đào tạo chuyên ngành, nhưng mỗi năm số lượng tuyển sinh cũng chỉ hạn hẹp. Các trường còn lại chỉ tuyển vài chục tới vài trăm sinh viên. Vậy nên tỉ lệ việc làm của ngành công nghệ thực phẩm trong những năm vừa qua khá cao, luôn trên 90% sinh viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp và cũng không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp tiếp tục học nâng cao trình độ”.

ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM

Xét tuyển tổ hợp môn A00, A01, B00, D07. Điểm chuẩn năm 2018 ngành Công nghệ thực phẩm đối với phương thức xét tuyển học bạ là 24,75 điểm, còn phương thức xét điểm thi THPT quốc gia điểm chuẩn năm 2018 là 18,75 điểm.

ĐH Bách Khoa TP HCM

Xét tuyển tổ hợp môn A00, D07, B00, đào tạo chương trình CLC, giảng dạy bằng tiếng Anh. Điểm chuẩn năm 2018 ngành Công nghệ thực phẩm phương thức xét điểm thi THPT quốc gia điểm chuẩn năm 2018 là 19 điểm.

ĐH Nông Lâm TP HCM

Xét tuyển tổ hợp môn A00, A01, B00, B08. Điểm chuẩn năm 2018 ngành Công nghệ thực phẩm là 18,75 điểm.

ĐH Công nghiệp Hà Nội

Xét tuyển tổ hợp môn A00, B00, D07. Điểm chuẩn năm 2018 ngành Công nghệ thực phẩm là 17 điểm.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Xét tuyển tổ hợp môn A00, A01,B00, D01. Điểm chuẩn năm 2018 ngành Công nghệ thực phẩm là 18,5 điểm.

Comments

comments