fbpx
Home Hướng nghiệp Công nghệ thông tin Ngành Công nghệ sinh học: Sinh viên ra trường làm việc ở đâu?

Ngành Công nghệ sinh học: Sinh viên ra trường làm việc ở đâu?

0
Ngành Công nghệ sinh học: Sinh viên ra trường làm việc ở đâu?

Viện chiến lược và Chương trình Giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, đến năm 2020, nước ta sẽ cần ít nhất là 25.000 lao động chuyên sâu trong lĩnh vực Công nghệ sinh học. Dưới đây là một số những nội dung tư vấn hỗ trợ các thí sinh tìm hiểu về ngành này.

Ngành Công nghệ sinh học là gì?

Ths. Phạm Văn Lộc, Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho biết: “Ngành Công nghệ sinh học là ngành nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với qui trình và thiết bị kĩ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở qui mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người, đồng thời phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.

Ngành này được ứng dụng trong đời sống như: Sản xuất thuốc, thức ăn; điều chế và sản xuất hóa chất công nghiệp; phát triển giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ di truyền, xét nghiệm trong y khoa; xử lí môi trường…

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học sẽ học những gì?

Sinh viên theo học ngành này được trang bị đầy đủ kiến thức thuộc khối cơ sở ngành như: Hóa hữu cơ, hóa phân tích, vi sinh vật học, sinh lí thực vật, hóa học môi trường, kĩ thuật di truyền, kĩ thuật sinh hóa, kĩ thuật quá trình thiết bị…

Đối với khối chuyên ngành sẽ được học về: Công nghệ enzyme, công nghệ lên men, công nghệ thực vật, kiểm nghiệm các sản phẩm sinh học, ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán, kĩ thuật trồng nấm…

Ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn được trang bị những kĩ năng như:

Kĩ năng chuyên môn: Sử dụng thành thạo các trang thiết bị thông dụng trong phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học; có khả năng bố trí và thực hiện thí nghiệm, phân tích và giải thích kết quả thí nghiệm; thiết kế một sản phẩm, hệ thống trong lĩnh vực đáp ứng các nhu cầu mong muốn; trình độ tiếng Anh bậc 3/6; đạt chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Kĩ năng mềm như được trang bị miễn phí 4/10 kĩ năng như đạt mục tiêu và lập kế hoạch, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tìm việc và chinh phục nhà tuyển dụng, kĩ năng giải quyết vấn đề, ra quyết định…

Đối với chương trình đào tạo tại ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, thầy Phạm Văn Lộc cho biết, sinh viên sẽ được chú trọng học thực hành khoảng 60% khối lượng tín chỉ.

Học ngành Công nghệ sinh học có dễ xin việc?

Với nội dung học như trên, sinh viên theo học ngành Công nghệ sinh học sẽ làm việc tại các tổ chức, cơ quan có liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học của các Bộ, ngành hoặc các địa phương.

Thực hiện các công việc nghiên cứu và phát triển; phụ trách kĩ thuật; quản lí chất lượng, kiểm nghiệm, giám sát; quản lí sản xuất tại các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực sinh học, nông, lâm, thủy sản, y – dược, chế biến thực phẩm, môi trường.

Quản lí, điều hành trang trại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ sinh học, tư vấn, tiếp thị tại các đơn vị thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, y – dược.

Đối với những sinh viên có đam mê nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về ngành học có thể học tiếp lên trình độ sau đại học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Để tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên học tập và làm việc, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM tổ chức thường xuyên các buổi giao lưu, chương trình ngày hội việc làm cho sinh viên với sự tham gia của các doanh nghiệp, xây dựng trang cổng thông tin việc làm cho sinh viên để hỗ trợ.

Với chương trình học tập kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, phối hợp định hướng công việc cho sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phó Trưởng khoa Ths. Phạm Văn Lộc thông tin về tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm năm 2018 tại trường ĐH Công nghệ thực phẩm trên 86%.

Ngành Công nghệ sinh học học ở trường nào?

Những trường dẫn đầu về đào tạo ngành Công nghệ sinh học tại Việt Nam và thông tin tuyển sinh cụ thể, thí sinh có thể tham khảo tại đây:

ĐH Công nghệ thực phẩm TP HCM

Xét tuyển tổ hợp môn A00, A01, B00, D07. Điểm chuẩn năm 2018 ngành Công nghệ sinh học đối với phương thức xét tuyển học bạ là 21,8 điểm và 16,5 điểm đối với phương thức xét điểm thi THPT quốc gia.

ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP HCM

Xét tuyển tổ hợp môn A00, A02, D90. Điểm chuẩn năm 2018 ngành này đối với phương thức xét điểm thi THPT quốc gia là 18,25 (chương trình CLC) và 20,7 điểm (hệ đại trà).

ĐH Nông lâm TP HCM

Xét tuyển tổ hợp môn A00, A02, B00. Điểm chuẩn năm 2018 ngành Công nghệ sinh học đối với phương thức xét điểm thi THPT quốc gia là 19,15 điểm.

ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH)

Xét tuyển tổ hợp môn A00, B00, C08, D07. Điểm chuẩn năm 2018 ngành này đối với phương thức xét điểm thi THPT quốc gia là 16 điểm.

ĐH Cần Thơ

Xét tuyển tổ hợp môn A00, B00, D07, D08. Điểm chuẩn năm 2018 ngành Công nghệ sinh học đối với phương thức xét điểm thi THPT quốc gia là 18,25 điểm.

ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội

Xét tuyển tổ hợp môn A00, B00, D90. Điểm chuẩn năm 2018 ngành này đối với phương thức xét điểm thi THPT quốc gia là 19,10 (chương trình CLC) và 20,55 điểm (hệ đại trà).

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Xét tuyển tổ hợp môn A00, A01, B00, D08. Điểm chuẩn năm 2018 ngành Công nghệ sinh học đối với phương thức xét điểm thi THPT quốc gia là 15,5 điểm.

Comments

comments