TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT không còn phù hợp để xét tuyển đại học.
Theo dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT 2020 cao hơn năm 2017 (đề thi được cho là dễ nhất).
Theo TS Trần Nam Dũng, xã hội sẽ khó hài lòng về kết quả và mức độ chuẩn của kỳ thi này.
Điểm môn Toán cao nhất 19 năm qua
Phân tích phổ điểm các môn thi, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ngoại trừ môn Tiếng Anh có đỉnh phổ điểm lệch nhẹ về bên trái (điểm dưới trung bình), các phổ điểm còn lại đều nghiêng về bên phải. Điều này đã được dự đoán từ trước qua đề thi minh họa với độ khó vừa phải, phù hợp chương trình giảm tải do tình hình dịch bệnh Covid-19, nghỉ học kéo dài.
Qua phân tích phổ điểm môn Toán, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhận định đề thi đáp ứng đúng mục đích xét tốt nghiệp như tên gọi kỳ thi. Đề thi Toán năm nay được xem là dễ nhất trong 19 năm qua, kể từ khi thực hiện thi “3 chung” từ năm 2002. Đỉnh nhọn của phổ điểm môn Toán năm nay là 7,8 điểm minh chứng cho nhận định này.
Đỉnh của phổ điểm dạt về bên phải cho thấy điểm thi rất cao, khác biệt so với những năm gần đây. Thầy Tùng cho rằng với kết quả này, môn Toán có “mưa điểm cao” chứ không phải “mưa điểm 10”. Số lượng điểm 10 không quá nhiều nhưng số thí sinh đạt điểm cao lại rất nhiều. 64.240 em đạt từ 9 điểm trở lên (chiếm 7,6%) và 252.781 thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên (chiếm 30%).
Trường đại học sẽ phải dùng tiêu chí phụ để xét tuyển
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết điểm trung bình các khối thi tăng mạnh so với năm 2019. Tăng cao nhất là tổ hợp môn xét tuyển A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) với 3,73 điểm; tiếp đến là B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) tăng 3,51 điểm.
Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 xấp xỉ năm 2019 (hơn 643.000). Chỉ tiêu các trường dành cho xét tuyển bằng điểm thi giảm khá nhiều (do phần lớn trường dành nhiều chỉ tiêu hơn cho xét tuyển từ học bạ THPT).
TS Trần Đức Nghĩa dự đoán mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đại học sẽ từ 14-15 như năm 2019. Điểm trúng tuyển sẽ tăng từ 2-3 điểm.
TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, cũng dự đoán điểm chuẩn ở các khối xét tuyển tăng từ 1-3 điểm.
Biến động điểm chuẩn mạnh nhất diễn ra ở các trường tốp giữa. Theo ông, các ngành “hot” và trường hàng đầu vốn có điểm chuẩn ở đỉnh. Do đó, điểm chuẩn các trường này sẽ không dao động mạnh.
“Năm nay, vùng điểm cao tập trung nhiều thí sinh. Số thí sinh có điểm thi trên 27 ở các khối cũng tăng vọt. Một số ngành ‘hot’ có số lượng chỉ tiêu ít như Y – Dược sẽ phải dùng đến tiêu chí phụ để tuyển sinh”, TS Triệu dự đoán.
Nhìn từ phổ điểm và số lượng thí sinh ở các mốc điểm cao thuộc tổ hợp Toán – Hóa học – Sinh học và đối chiếu với tổng chỉ tiêu ước tính của ngành Y khoa, GS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng ĐH Y Dược Huế, cho rằng điểm chuẩn khối ngành này sẽ tăng khoảng 2-3 điểm.
PGS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ước tính điểm chuẩn của trường năm nay sẽ tăng, mức từ 26 điểm trở lên.
“Rất có thể trường phải sử dụng thêm tiêu chí phụ. Số thí sinh có điểm cao ở khối B00 nhiều”, PGS Xuân cho hay.
Thầy Trần Mạnh Tùng nhận thấy phổ điểm các môn có độ dốc đều, chứng tỏ điểm thi được phân bố đều, gây khó khăn cho tuyển sinh. Theo dự đoán của giáo viên này, các trường đại học sẽ phải dùng thậm chí nhiều tiêu chí phụ để xét tuyển.
“Năm nay, mức điểm 29-30 không nhiều, khoảng 2.000 em, xấp xỉ tỷ lệ 2:1000 nên sẽ khó có chuyện điểm chuẩn 29, 30, trừ các trường hợp cá biệt. Chuyện 29 điểm vẫn trượt đại học cũng khó xảy ra trong năm nay”, thầy Tùng nhận định.
Giáo viên này dự đoán các trường hàng đầu, điểm chuẩn tăng từ 1-1,5 điểm. Trường tiếp theo tăng từ 1,5-2 điểm. Trường tốp ba tăng từ 2-3 điểm.
Điểm thi cao không đồng nghĩa chất lượng đầu vào đại học tốt hơn
Bàn về điểm thi năm 2020, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng điểm thi rất cao, điểm chuẩn đại học sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, điểm chuẩn đại học cao không đồng nghĩa chất lượng đầu vào của các trường tốt hơn.
Ông cho rằng đây là năm đầu tiên có hiện tượng “lấy điểm tốt nghiệp để xét vào đại học”. Trừ Ngữ văn, các môn trắc nghiệm có số câu hỏi phân hóa rất ít nên năm nay các trường đại học khó chọn được người tài đúng nghĩa. Trường đại học chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ các phương án xét tuyển.
Đồng tình với ý kiến này, TS Trần Nam Dũng cho rằng sau kỳ thi, các trường đại học nên cân nhắc kỹ về phương án tuyển sinh các năm sau. Kết quả thi tốt nghiệp THPT không còn phù hợp để tuyển sinh đại học.
Mặt khác, năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tiến hành đối sánh điểm trung bình 9 môn thi và điểm học bạ lớp 12 của 9 môn tương ứng. Bộ GD&ĐT nhận xét kết quả đối sánh giữa điểm trung bình học bạ và trung bình điểm thi khá tốt. Hai trường dữ liệu này có độ vênh, nhưng cơ bản tương thích và tuyến tính với nhau.
TS Trần Nam Dũng cho biết trung bình điểm thi không chênh lệch lớn với điểm học bạ là điều đáng ngại chứ không phải đáng mừng.
“Ai cũng biết điểm học bạ chưa đánh giá đúng thực chất vì các thầy cô ở phổ thông rất nương tay. Xã hội cần một kỳ thi tốt nghiệp được thiết kế chuẩn để đánh giá năng lực, kiến thức của học sinh sau 12 năm học”, TS Dũng nói.
Theo Zing