Năm nay em đăng ký thi vào trường ĐH Hàng Hải vì yêu biển nhưng nhiều ngành học quá không biết chọn ngành nào. Hiện em đang băn khoăn chọn giữa 2 ngành Logistics và chuỗi cung ứng và ngành Điều khiển tàu biển. Sở trường của em là có tư duy độc lập, thích làm việc nhóm, muốn đi nhiều trở thành “người vận chuyển” thì học ngành nào là phù hợp?, (Thanh Chương – Nghệ An)
Trả lời:
2 ngành học mà em đang băn khoăn lựa chọn đều là ngành đi nhiều, cần sự năng động, tư duy và khả năng quan sát, làm việc nhóm cao. Để hiểu hơn 2 ngành học này, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết đào tạo từng ngành để bạn có quyết định sáng suốt lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực của mình.
Ngành Logistics và chuỗi cung ứng:
Chuyên ngành đào tạo Logistics và chuỗi cung ứng là một chuyên ngành mới đầy hấp dẫn nhằm đào tạo những chuyên viên trong lĩnh vực logistics và quản trị chuỗi cung ứng tương lai, trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên môn song song với ứng dụng thực tiễn, xây dựng kỹ năng làm việc và tư duy hiện đại để sinh viên có đủ hành trang và khả năng làm việc ngay khi tốt nghiệp.
Tại sao bạn nên chọn chuyên ngành này bởi vì mọi ứng viên có sự đam mê nghiên cứu khám phá lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng, mong muốn phát huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo, khả năng quản lý và khả năng làm việc nhóm đều có thể theo học chương trình đào tạo chuyên ngành Logistics và chuỗi cung ứng.
Mục tiêu đào tạo của ngành học này là cung cấp cho sinh viên những kiến thức về các loại hình dịch vụ logistics, thị trường vận tải, đặc điểm sản xuất kinh doanh cũng như các chỉ tiêu khai thác và hiệu quả kinh doanh trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải; kiến thức về cảng biển, hoạt động của cảng, quản trị cảng trên quan điểm hệ thống logistics; thương vụ cảng biển, chứng từ trong vận tải biển, bộ, sắt, hàng không và vận tải đa phương thức; kiến thức về hợp đồng thương mại và vận tải về cơ sở pháp lý, khiếu nại, bảo hiểm…
Sinh viên có khả năng áp dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tiễn lập kế hoạch, quản lý, tổ chức thực hiện và đánh giá hoạt động logistics.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại vị trí Chuyên viên tại các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực logistics, vận tải, kho hàng, kinh doanh xuất nhập khẩu, tư vấn kinh doanh, sản xuất, phân phối, thương mại, bảo hiểm; đảm nhận các vị trí nghiên cứu chính sách tại các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch đầu tư…
Ngoài ra sinh viên có thể đảm nhận các công việc: Quản lý khai thác tại cảng;Tổ chức quản lý và khai thác kho hàng;Thu xếp và ký kết hợp đồng kinh tế, hợp đồng vận tải; Lên kế hoạch và tổ chức hoạt động logistics; Thiết kế tổ chức vận tải và quản lý đội phương tiện; Tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp; Hoạch định phân bố nguồn lực của doanh nghiệp…
Chuyên ngành Điều khiển tàu biển
Chuyên ngành Điều khiển tàu biển thuộc Ngành Kỹ thuật hàng hải, đào tạo về tàu biển và các hệ thống liên quan, đào tạo chuyên sâu về các quy trình khai thác tàu biển.
Chương trình đào tạo Chuyên ngành Điều khiển tàu biển cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ sở ngành Kỹ thuật hàng hải, bao gồm hệ thống trang thiết bị trên tàu biển, kết cấu tàu biển và kiến thức chuyên ngành Điều khiển tàu biển, bao gồm kỹ thuật dẫn tàu, xếp dỡ và vận chuyển hàng hoá, kiểm soát hoạt động tàu, các kỹ năng và thái độ cần thiết để hình thành ý tưởng, xây dựng, triển khai, vận hành và đánh giá các quy trình khai thác tàu biển.
Chương trình đào tạo cũng chuẩn bị cho sinh viên làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến khai thác tàu biển yêu cầu kiến thức nâng cao về các quy trình khai thác tàu biển và nghiên cứu sau đại học.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan và doanh nghiệp: Công ty vận tải biển trong nước và quốc tế; Hoa tiêu hàng hải; Bảo đảm an toàn hàng hải; Bảo hiểm hàng hải; Cục hàng hải; Cảng vụ hàng hải; Dịch vụ dầu khí; Giám định hàng hải; Trung tâm Phối hợp tìm kiếm và cứu nạn hàng hải; Trung tâm thuyền viên; và nhiều lĩnh vực khoa học hàng hải khác.
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng thuyền viên đang rất cao, sinh viên sẽ có cơ hội làm việc ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương tốt hơn nhiều so với mặt bằng chung. Môi trường làm việc quốc tế rộng mở và luôn có cơ hội thăng tiến về vị trí chuyên môn cùng với sự gia tăng thu nhập.
Bạn cân nhắc lựa chọn 2 chuyên ngành này cho phù hợp với năng lực của mình.
Theo Dantri