Gần đây giới trẻ rộ lên khẩu ngữ Cần Trô (control) để chỉ ham muốn kiểm soát người khác mà người ta hay nhầm đó là tình yêu. “Bố mẹ muốn con học trường này, ngành này là vì muốn tốt cho con!” là câu nói thường gặp nhất trong mỗi mùa chọn trường. Có hẳn những topic dài hàng trăm trang để những đứa con “phải sống như phụ huynh muốn” kể lể và hối tiếc vì “cuộc đời bị đánh cắp”.
Trầm cảm điểm cao
Trong một talk show về trầm cảm mùa thi, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa kể: Rải rác trong vòng mười năm nay, mỗi năm chị đều nhận được bệnh nhân từ người quen, bạn bè do điểm cao mà trầm cảm. Có bạn thi tốt nghiệp 28,75 điểm, gia đình nhất quyết bắt học Y trong khi cậu chỉ mê Khoa Môi trường và ước ao sau này trở thành nhân viên cứu hộ động vật hoang dã. Có người đủ điểm vào khoa tiếng Trung, thích dịch sách ngôn tình thì bị ép học tiếng Anh để du học tự túc. Có người phải học Ngân hàng vì nhà toàn người làm ngân hàng trong khi chỉ thích làm cảnh sát phòng cháy chữa cháy… Theo chị Hoa, các trường hợp trầm cảm điểm cao đưa đến chỗ chị thường đã diễn biến tương đối nặng bởi trước đó gia đình không có phản xạ chú ý đến con như khi các cháu bị trượt. Quá trình chữa trị do vậy bị kéo dài, nhiều trường hợp phải dùng thuốc và đã có trường hợp tự tử không thành.
Được một bệnh nhân cũ của chị Hoa giới thiệu, tôi được add vào một nhóm kín của các trường hợp “bất hạnh vì điểm cao”. Nhóm này có khoảng 3.000 thành viên, rải rác ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Ninh, Cần Thơ. Có người trong số họ đã vượt qua trầm cảm, có người đang bế tắc bởi lý do giống nhau “tớ muốn rẽ trái, bố mẹ bắt rẽ phải”.
Nick Huy Mặt Đơ giới thiệu: “BK năm hai, chưa ngày nào không muốn bỏ học. Tại nghĩ đến việc bị cắt viện trợ nên không dám. Vừa rồi có đứa cùng khóa cũng chán quá, cày game quá đà, thi trượt liên tiếp, bị đuổi rồi. Các anh em có công việc nào kiếm tiền vừa sức giới thiệu cho. Tôi định năm nay thi lại, không muốn học thế này nữa”.
Nick Tùng Phèng trả lời: “Anh cựu BK đây! Ra trường đi làm hai năm rồi, lương 22 củ nhưng vẫn phải bỏ. Bố mẹ anh chị khóc hết nước mắt nhưng anh nghĩ lại rồi, chỉ khi mình cun cút làm theo ý họ, họ mới ngừng khóc. Thế thì mọi người cứ khóc đi, anh làm việc của anh”.
Nick Khiêu Nhược Hỏa Diễm (bệnh nhân của Tiến sĩ Mai Hoa) tỏ rõ bất thường về tâm lý trong những comment: “Căm thù mẹ, thấy mẹ như kẻ thù của mình. Tại sao lại đánh cắp cuộc đời của con cái???”.
Yêu thương hay là kiểm soát?
Khẩu ngữ Cần Trô vốn xuất phát từ bộ phim truyền hình “Ngày ấy mình đã yêu”, trong đó một đoạn thoại ngắn giữa hai nhân vật khi cô gái liên tục chất vấn chàng trai đi đâu với ai làm gì? Chàng trai trả lời: “Anh không nhất thiết phải nhắn tin báo cho em anh đang ở đâu với ai. Đó không phải là sự quan tâm mà đó là “cần trô” (control).Trích đoạn video này chỉ sau một ngày phát tán trên mạng đã đạt 2,6 triệu view và hơn 30.000 lượt share. Cần Trô sau đó trở thành câu cửa miệng được giới trẻ sử dụng rộng rãi, thậm chí tạo ra cả những trend “ngưng Cần Trô” mạnh mẽ không thua kém “ngưng ngược đãi” mấy năm trước.
“Ham muốn kiểm soát là một thứ bệnh tâm lý, kể cả trong các bài giảng của Phật giáo cũng từng nói về bi kịch này. Thói kiểm soát rất phổ biến trong cuộc sống nhưng lại ít bị lên án vì nó thường núp dưới chiêu bài tình yêu. Thực ra, mong muốn mọi việc phải xảy ra theo ý mình, người khác phải tốt hoặc phải yêu mình theo ý mình chính là thể hiện sự yếu đuối về tinh thần của chủ thể. Khi sự việc diễn ra theo hướng ngược lại, người ta sẽ bất an, đau khổ, thậm chí bột phát bạo lực, cực đoan. Kết quả của những mối quan hệ diễn ra trong sự kiểm soát thường chỉ có một, đó là bi kịch, cho cả hai bên” thạc sĩ tâm lý Trần Hà Trang cho biết.
Thạc sĩ phát triển cộng đồng Phan Ý Ly có một lớp học “Để hạnh phúc”, trong đó chị Ly cho rằng, để làm được điều này, điều quan trọng là mọi người phải bỏ thói quen kiểm soát, coi chồng, con, đối tác của mình “như những con người” có tự do và chính kiến chứ không phải là những hình nộm sống như ý muốn người khác.
Tiến sĩ Nguyễn Mai Hoa chia sẻ, trong số các ca chữa trị trầm cảm điểm cao của chị, chị chỉ nhận lời khi các phụ huynh đồng ý tham gia cùng. Theo chị Hoa, trong trường hợp này các phụ huynh mới là người cần chữa trị nhiều hơn, bởi các thanh thiếu niên, sau khi vượt qua cửa ải Cần Trô chọn trường, họ rất có thể phải đối mặt với những Cần Trô tiếp theo như hôn nhân, sinh con, chọn chỗ làm việc, ở chung hay ở riêng… nếu phụ huynh vẫn giữ thói quen ham kiểm soát như cũ.
“Thật không dễ dàng với nhiều phụ huynh bởi hiện nay thông tin quá nhiều và quá nhanh, lứa tuổi teen lại dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh của tiểu thuyết hay phim ảnh như bác sĩ không biên giới, nhà bác học cool ngầu hay anh hùng cứu trợ động đất v.v… Nhiều em không ý thức được những nghề nghiệp mà mình ngưỡng mộ có bao nhiêu khó khăn và nguy hiểm. Đáng nhẽ trong những trường hợp như vậy, bố mẹ cần từ từ tác động, phân tích thiệt hơn… chứ không phải cứng rắn bắt con từ bỏ. Tất nhiên, cũng có những em kiên trì, vậy thì phải tùy theo lựa chọn của nó. Bởi 18 tuổi, em cũng nên bắt đầu phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình” tiến sĩ Nguyễn Mai Hoa nói thêm.
Nhiều ca tâm thần bởi Cần Trô dai dẳng
Thạc sĩ tâm lý Trần Hà Trang đang làm luận án tiến sĩ về đề tài “hậu quả của áp lực kiểm soát”. Theo khảo sát (200 mẫu) của chị Trang, hiện tượng Cần Trô phổ biến nhất là trong quan hệ bố mẹ – con cái và nam – nữ, số ít còn lại nằm trong nhóm sếp – nhân viên. Cần Trô có thể biểu hiện nhanh chóng, mạnh mẽ, cũng có khi dai dẳng kéo dài. Điều đáng ngạc nhiên, áp lực kiểm soát dai dẳng thường dẫn đến nguy cơ tâm thần cho đối tượng bị kiểm soát (chiếm 57%), 43% còn lại là những cơn Cần Trô cấp tốc (thường xảy ra trong một cột mốc của cuộc sống như: chọn trường, thi cử, kết hôn…), trong số này, một nửa người bị kiểm soát dễ trầm cảm, nửa còn lại phản ứng quá mạnh, thì đối tượng kiểm soát (như bố mẹ) bị trầm cảm.
Thạc sĩ Trần Hà Trang giải thích, sở dĩ chị chọn đề tài này là vì trong năm năm làm tư vấn tâm lý học đường chị quan sát thấy hậu quả xấu về tâm lý của thói kiểm soát ngày càng nặng nề và phổ biến hơn, trong đó áp lực chọn trường của bố mẹ đối với con cái là chuyện năm nào cũng xảy ra với cấp số nhiều. Các phụ huynh chủ yếu dùng thế mạnh tài chính để bắt buộc con phải lựa chọn ngành học theo ý họ là: đắt giá, dễ xin việc và lương cao. Phần lớn các học sinh phải thỏa hiệp theo bố mẹ sau đó ít nhiều đều gặp vấn đề tâm lý. Có những trường hợp phải sang cả nước ngoài can thiệp và vẫn để lại di chứng.
Theo chị Trang, tất cả các phụ huynh khi can thiệp vào việc chọn trường của con, nên để ý đến tâm lý của những đứa trẻ điểm cao này. Rất nhiều trường hợp phát hiện trầm cảm sớm đã điều trị hiệu quả và nhanh chóng. Theo đó, các phụ huynh, thậm chí học sinh đều có thể tham khảo các bài test tâm lý như “Thang đánh giá trầm cảm thanh thiếu niên” để biết được tình trạng sức khỏe tinh thần của mình. Đa số bệnh tâm thần, trầm cảm đều có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm, chị Trang cho biết.
Theo Tienphong