fbpx
Home Bộ đề luyện thi THPT Quốc gia Môn Lý Một số lỗi thí sinh thường mắc khi thi môn Lý THPT quốc gia

Một số lỗi thí sinh thường mắc khi thi môn Lý THPT quốc gia

0

Kì thi THPT quốc gia đang tới rất gần, qua báo Infonet, thầy Lê Hữu Mạnh (Giáo viên tại trung tâm luyện thi Đại học Sư phạm) chia sẻ một số lỗi thí sinh thường mắc khi làm bài thi môn Vật Lý.

Theo thầy Lê Hữu Mạnh một trong những lỗi cơ bản thí sinh thường mắc là: Với các câu hỏi lý thuyết các em đọc đề bài chưa được kỹ nhiều khi đề bài hỏi tìm câu sai thì các em lại vội vàng tìm câu đúng.

Nhiều khi đề thường “bẫy” thí sinh, các em thì không để ý đổi đơn vị đo của các đại lượng cho phù hợp với đề bài nên dẫn đến tìm sai kết quả.

Với một số câu bài tập khó, bản chất hiện tượng phức tạp các em thường không phân tích kỹ đề bài  để định hướng , tìm ra cách giải nhanh mà cứ vội vàng biến đổi  vòng vo, không chủ đích, tốn nhiều thời gian làm bài mà lại không ra được kết quả.

Một số lỗi thí sinh thường mắc khi thi môn Lý THPT quốc gia - 1

 Thầy Lê Hữu Mạnh (Giáo viên tại trung tâm luyện thi Đại học Sư phạm)

Thầy Lê Hữu Mạnh cũng cho biết, khi làm bài các em phải thật bình tĩnh, tỉnh táo, đọc đề bài thật kỹ. Khi đọc một đáp án mà thấy phân vân chưa biết đúng hay sai thì các em hãy đọc tất cả các đáp án khác nữa để loại trừ. Khi dùng một công thức vật lý để thay số,tìm kết quả, các em cần để ý đơn vị của tất cả các đại lượng trong công thức đó .

Đặc biệt, các bài tập khó hay gặp trong đề thi thường thuộc về phần dao động cơ, sóng cơ, điện xoay chiều và phản ứng hạt nhân. Các em nguyện vọng thi vào các trường tốp đầu cần phải làm nhiều các câu khó loại này.

Các câu khó của dao động cơ: Câu về con lắc lò xo và con lắc đơn chịu tác dụng của một lực lạ không đổi (lực điện trường, lực quán tính, lực đẩy Acsimet..).

Đối với con lắc lò xo các em chú ý là dù có lực lạ thì chu kỳ vẫn tính như bình thường, chỉ có con lắc đơn chu kỳ mới thay đổi. Khi có lực lạ tác dụng vào vật, các em để ý xem vị trí cân bằng của vật có bị thay đổi hay không, từ đó mới xác định được li độ và biên độ mới .

Đối với dạng bài con lắc lò xo có dây nối hai vật hay dây nối lò xo với vật thì muốn hệ dao động điều hòa thì sợi dây phải luôn căng. Lúc này, ta cần nhớ công thức xác định giá trị lớn nhất của biên độ để hệ luôn dao động điều hòa.   Dạng bài về giá trị lớn nhất của biên độ để cho vật này không tách khỏi vật kia hoặc vật này không bị trượt khỏi vật kia thì các em cần phải thuộc công thức tính nhanh.

Về phần sóng dừng các câu khó hay thi liên quan tới biên độ sóng tại một điểm trên sợi dây, quan hệ giữa li độ hay vận tốc của hai phần tử dao động trên sợi dây ở cùng một thời điểm hoặc hai thời điểm khác nhau.

Để làm tốt các dạng bài tập này các em cần phải thuộc công thức tính biên độ của sóng dừng, thuộc lý thuyết hai điểm dao động bất kỳ trên sợi dây khi có sóng dừng chỉ có thể dao động cùng pha hoặc ngược pha, hai điểm dao động thuộc một bó sóng luôn dao động cùng pha, hai điểm thuộc hai bó sóng liền kề thì luôn dao động ngược pha.

Ngoài ra, ta phải kiểm tra hai điểm đang xét dao động cùng pha hay ngược pha nhau và chú ý  hai dao động cùng pha thì ở cùng thời điểm tỉ số về vận tốc cũng như tỉ số về li độ luôn bằng tỉ số về biên độ của chúng, trường hợp hai dao động ngược pha thì các tỉ số về vận tốc và tỉ số về li độ đều bằng trừ tỉ số về biên độ của chúng, từ đó biết li độ này thì tìm được li độ kia.

Phần bài tập sóng âm các em cần nắm chắc các công thức tính công suất phát âm, mức cường độ âm, công thức tính hiệu hai mức cường độ âm theo hai cường độ âm hoặc theo hai khoảng cách từ hai điểm đến nguồn âm.

Phần điện xoay chiều là phần chiếm nhiều câu khó nhất trong đề thi, các câu khó thường vào các bài về lệch pha, các bài toán cực trị, các bài cùng một giá trị của hàm số tồn tại hai giá trị của đối số, truyền tải điện năng một pha, máy biến áp, máy phát điện xoay chiều một pha.

Để làm tốt các bài khó về lệch pha học sinh phải có  tư duy toán tốt về hình học phẳng, biết cách vẽ giản đồ véc tơ và sử dụng linh hoạt các định lý hàm số sin, định lý hàm số Côsin, định lý Pytago và đặc biệt vận dụng thành thạo các hệ thức lượng trong tam giác vuông , tính chất của tam giác đều; tam giác  cân; hình thoi; hình chữ nhật; hình vuông.

Các bài về cực trị các em phải chứng minh ra công thức tính nhanh nhiều lần cho thành thạo, hiểu rõ phương pháp làm bài, có bài sử dụng bất đẳng thức Côsi, có bài đưa về biện luận theo tam thức bậc 2, có bài dùng đạo hàm, có bài dùng giản đồ áp dụng định lý hàm số sin để tìm cực trị (các em cần phải nhớ bài này dùng cách nào cho phù hợp, nếu bài toán có nhiều cách giải ta phải thành thạo các cách giải đó).

Đối với mỗi bài toán cực trị sau khi làm nhiều lần rồi các em nên ghi nhớ công thức công thức tính nhanh. Các bài phức tạp là có sự lắp ghép kết quả của các bài toán nhỏ, nếu các em nhớ được nhiều công thức tính nhanh của các bài toán liên quan thì sẽ lắp ghép tìm ra nhanh các bài toán phức tạp.

Trong truyền tải điện năng cũng vậy các bài liên quan tới  tăng hay giảm hiệu suất truyền tải các em cũng cần tìm cách chứng minh để ra công thức tính nhanh rồi làm đi làm lại nhiều lần để thuộc công thức, khi đó gặp câu hỏi có trong đề thi là chỉ việc dùng công thức đã biết để thay số. Nói chung các câu hỏi khó của điện trong phần cực trị và truyền tải điện năng đều có thể đưa về công thức tính nhanh các em cố gắng chứng minh ra công thức đó và ghi nhớ.

Theo Hoàng Thanh (Infonet)

Comments

comments