Cô giáo Nguyễn Thị Phương Quỳnh – Giáo viên Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, phần ngữ pháp của đề khá cơ bản, học sinh trung bình khá có thể làm được. Phần trọng âm, phát âm khá cơ bản, không đánh đố học sinh. 2 câu giao tiếp trong đề là câu ở mức trung bình.
Phần từ vựng và cụm từ, học sinh bình thường khó có thể làm đúng, đây là phần nâng cao cho học sinh khá giỏi.
Bài sửa lỗi sai cũng khá cơ bản, không quá khó với học sinh. Chủ đề của các bài đọc nằm trong sách giáo khoa nên không lạ với học sinh.
Tuy nhiên với đề này nếu học sinh chỉ học ở mức trung bình mới nhìn vào sẽ thấy “choáng” bởi vì lượng từ vựng khá khó, học sinh hay có thói quen câu nào phải dịch được, từ vựng phải quen các bạn mới cảm thấy dễ, khó là các bạn sẽ nản, kể cả các hiện tượng ngữ pháp trong câu có thể làm được.
So với đề năm ngoái đề năm nay khó và có tính phân loại cao hơn hẳn. Cô Quỳnh cho rằng rất thích đề năm nay, với các bạn học sinh khá giỏi cũng sẽ thích đề năm nay hơn năm ngoái, năm ngoái dừng ở mức thi tốt nghiệp.
Điểm hay của đề chính là sự phân khúc rõ ràng. Với đề này, học sinh trung bình có thể làm được 20-25 câu, tương đương 4-5 điểm. Còn lại để đạt được điểm 9 phải là học sinh thực sự khá, có vốn từ vựng rộng, điểm 10 sẽ không nhiều.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hằng – giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), cấu trúc đề thi giống như đề thi năm ngoái và giống đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Phần từ vựng trong đề thi năm nay khó hơn, có cả những từ ít được dùng và các cụm động từ. Các câu hỏi được thiết kế khá tốt, giúp phân loại được học sinh.
Khoảng 20-30% câu hỏi ở mức độ học sinh trung bình có thể làm được; câu hỏi khó và phân loại trong phần từ vựng và phần bài đọc. Cụ thể, câu hỏi khó về kiến thức từ vựng như: câu 19, câu 18, câu 8 và câu 9 (mã đề 402)…
Về mức độ khó, đề thi năm nay khó hơn năm trước và tương tự đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Nội dung kiến thức phủ rộng trong toàn bộ chương trình phổ thông. Số học sinh được điểm cao tuyệt đối năm nay sẽ ít hơn năm trước.
Bài đọc hiểu, học sinh phải có kĩ năng tìm thông tin chi tiết, kĩ năng đoán nghĩa của từ trong văn cảnh, kĩ năng suy luận và tìm ý chính. Với đề này, học sinh sức học trung bình có thể đạt 4-5 điểm.
Cô giáo Cao Thuỳ Dương – giáo viên tiếng Anh trường THPT Tây Hồ (Hà Nội): Thí sinh giỏi mới có khả năng đạt 8 – 9 điểm.
Đề tiếng Anh năm nay nội dung bám sát chương trình lớp 11, 12, trong đó có 20% chương trình lớp 11, còn lại là lớp 12. Đề có độ phân hoá cao hơn năm trước, thông hiểu bình thường chiếm khoảng 50%, với mức độ như vậy tỷ lệ học sinh đại trà có thể đạt từ 4-5 điểm, học sinh khá hơn có thể đạt 7 điểm, tuy nhiên điểm 8-9 là khá khó, điểm 10 rất khó.
Cũng theo cô Dương, với mức độ đề tiếng Anh như năm nay số lượng học sinh dùng kết quả để xét tốt nghiệp có thể đạt được, nhưng để xét vào các trường đại học, cao đẳng với các mức điểm 7-8 là rất khó.
Tôi ấn tượng với cách ra đề ở phần bài văn, phần này đòi hỏi học sinh phải có tư duy, nhưng dạng bài văn học không đánh đố học sinh, học sinh bình thường cũng có thể làm được, vì đó là những kiến thức cơ bản, đề không bị trùng lặp ngữ pháp.
So với những đề thử nghiệm thì đề này không đánh đố học sinh, khá gần với kiến thức học sinh. Đề không có nhiều từ mới, nhưng có một số đáp án gần như nhau nên cần học sinh tư duy để đưa ra đáp án đúng cho riêng mình. Các câu “cụm động từ’” có thể khiến nhiều học sinh bị mất điểm.
Học sinh có học lực trung bình có thể đạt được 5-6 điểm, nhưng để đạt điểm 8 thì không phải đơn giản. Đề năm nay đáp ứng được hai mục tiêu (xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng), nhưng nhìn chung điểm năm nay có thể thấp hơn năm trước. Phổ điểm tiếng Anh có thể rơi vào khoảng 5,5 – 6 điểm.
Cô Hà Thị Liên Hoan – giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội): Đề thi tiếng Anh năm nay khó và phân loại học sinh tốt
Đề thi tiếng Anh năm nay khó và phân loại học sinh tốt hơn năm 2017. Học sinh thường sợ bài đọc, đặc biệt là những chủ đề lạ. Nhưng phần bài đọc trong đề thi rất tuyệt vời, tôi rất thích bài đọc này, ngôn ngữ bài đọc tốt, độ dài phù hợp, chủ đề và cách đặt câu hỏi quen thuộc, không đánh đố học sinh, nhưng nội dung lại rất hay.
Cụ thể, nội dung bài đầu tiên về hoạt động tình nguyện, bài đọc 2 về phong tục các bộ tộc của Châu phi, bài đọc 3 về công nghệ. Các chủ đề này các con đã được học nên từ vựng không có nhiều từ khó.
Phần ngữ pháp đề ra nhìn chung cơ bản, dựa vào sách giáo khoa lớp 11 và 12, trên cơ sở đó có nâng cao. Những học sinh ôn luyện nghiêm túc hoàn toàn có đạt được điểm cao với đề này (khoảng 8-9 điểm). Để đạt tuyệt đối, có vài câu học sinh cần đọc thật kĩ, kể cả câu sửa lỗi sai và câu trong bài đọc, cần có kĩ năng đọc tốt.
Cấu trúc đề hoàn toàn giống đề tham khảo đã được Bộ GD&ĐT công bố nên không lạ lẫm với học sinh. Phạm vi kiến thức tập trung chủ yếu trong lớp 11 và 12. Độ khó chỉ có một số câu nâng cao, không có câu hỏi đánh đố.