fbpx
Home Tin tuyển sinh Môn thi Ngữ Văn, Bộ GD&ĐT khẳng định: Đề mở, đáp án cũng mở

Môn thi Ngữ Văn, Bộ GD&ĐT khẳng định: Đề mở, đáp án cũng mở

0
Môn thi Ngữ Văn, Bộ GD&ĐT khẳng định: Đề mở, đáp án cũng mở

Trả lời tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) ông Mai Văn Trinh cho biết, từ năm 2014 đề thi đã bắt đầu sử dụng câu hỏi mở. Vì thế, trên nguyên tắc câu hỏi mở thì đáp án cũng mở. Thí sinh làm bài thi không trái thuần phong, mỹ tục và luật pháp đều được chấp nhận.

Tuy nhiên, có giáo viên dạy Văn cho rằng, những thí sinh tâm huyết, trung thực, dám nói thẳng, liệu có trái quan điểm với người chấm và có được điểm tốt hay không cần phải làm rõ.

Tại buổi họp báo, nhiều PV báo đài đặt câu hỏi quan tâm đến cách chấm thi, đáp án đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia. Trả lời câu hỏi này, ông Mai Văn Trinh khẳng định, cách ra đề mở không mới. “Từ năm 2014, bộ đã bắt đầu sử dụng các câu hỏi mở. Trên nguyên tắc, câu hỏi mở thì đáp án cũng mở. Chỉ cần thí sinh làm bài thi không trái thuần phong mỹ tục và trái pháp luật thì đều được chấp nhận, cho điểm”, ông Trinh nói.

Lý giải thêm về điều này, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nói thêm, đa số các môn thi đều ở dạng trắc nghiệm duy chỉ có đề Ngữ văn là tự luận. Đề đảm bảo chuẩn kiến thức chương trình lớp 11 và lớp 12 với các câu hỏi được chia theo 4 cấp độ. Do đó, những câu hỏi cấp độ vận dụng cao sẽ khó hơn. Cụ thể, trong đề văn năm nay, hội đồng đề đã lựa chọn 2 tác phẩm thuộc chương trình lớp 12 và 1 tác phẩm thuộc chương trình lớp 11. Như vậy ban ra đề đã đáp ứng đúng chủ trương.

Theo đáp án môn Ngữ văn mà Bộ GD&ĐT công bố ngay sau đó, ở câu 4, phần I đề yêu cầu thí sinh nêu quan điểm “Có còn phù hợp…” thì đáp án chỉ đưa ra ba phương án trả lời: “Thí sinh có thể trả lời quan điểm của tác giả còn phù hợp/ không còn phù hợp/phù hợp một phần nhưng phải lí giải hợp lý, thuyết phục”. Hay ở phần làm văn, đề yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sứ mệnh “đánh thức tiềm lực”, đáp án cũng chỉ yêu cầu thí sinh làm rõ sứ mệnh “đánh thức tiềm lực” đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Đáp án đưa ra các hướng như: xuất phát từ thực tiễn đất nước, mỗi cá nhân cần ý thức được sứ mệnh của mình, có hành động cụ thể để đánh thức tiềm lực bản thân, từ đó tác động tích cực đến cộng đồng nhằm đánh thức tiềm lực đất nước.

TS Trịnh Thu Tuyết, Nguyên giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, đây là một đáp án đã chuyển vấn đề nội dung quan điểm sang bình diện học thuật, chủ yếu kiểm tra khả năng lập luận và tính thuyết phục của lập luận. Hoàn toàn có thể ghi nhận đây là một đáp án mở theo tinh thần của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, với một vấn đề mang tính thời sự, giành được sự quan tâm của đông đảo dư luận cộng đồng, nếu có được một số ý cơ bản cho từng phương án thì giám khảo và thí sinh sẽ yên tâm hơn trước sự phát sinh các phương án trả lời của những thí sinh có sự hiểu biết, quan tâm và tâm huyết với cuộc sống xã hội xung quanh mình. Việc đánh giá bài làm của học trò sẽ không bị phụ thuộc vào cảm giác chủ quan của người chấm.

Cũng theo TS Tuyết: “Các hội đồng chấm bao giờ cũng có buổi học đáp án trước khi chấm.  Chủ tịch hội đồng cũng sẽ thống nhất một số nét cơ bản để giám khảo chấm thi nắm được. “Tuy nhiên, với đáp án mở khá an toàn như vậy, bài làm và quan điểm của những thí sinh tâm huyết, trung thực sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết và đôi mắt xanh của chính các thầy cô giám khảo”.

Một giáo viên dạy Văn của Trường THPT khác tại Hà Nội cũng cho rằng, đề hay nhưng đáp án chung chung, mở tối đa tạo điều kiện cho giám khảo quyết định cho điểm thí sinh. Điều này, rất thuận lợi cho thí sinh vì được thoải mái bày tỏ quan điểm, chính kiến của riêng mình. Tuy nhiên, nếu thí sinh dũng cảm nói thẳng, nói thật và trình bày quan điểm trái chiều liệu có bị coi là trái quan điểm với người chấm hay không?

Kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế

Đánh giá về kỳ thi, ông Mai Văn Trinh khẳng định, kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế và cơ bản giữ ổn định như năm 2017, chỉ thêm một số điểm mới như: nội dung đề thêm kiến thức lớp 11, chủ yếu lớp 12 và độ phân hóa cao hơn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký dự thi, ra đề thi, chấm thi.

Các địa phương đã lên tất cả các phương án dự phòng nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt nên có 13 thí sinh ở hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang không đến được điểm thi. Những thí sinh này chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp nên Bộ GD&ĐT sẽ đặc cách xét tốt nghiệp THPT đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Việc chấm thi diễn ra theo 2 vòng độc lập, mỗi vòng 1 phòng khác nhau. Đồng thời phải chấm tối thiểu 5%. Chênh lệch 2 vòng được quy định rõ trong quy chế điểm bài thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân nhằm phân hóa tốt hơn.

Còn bài thi trắc nghiệm chấm bằng máy, phần mềm đã chạy thử và sẵn sàng từ tháng 4. Quy trình chấm thi được khép kín, nghiêm ngặt khoa học và có sự giám sát của thanh tra và PA 83.

Theo Tienphong

Comments

comments