Bằng cách xem những bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học, bạn vừa có thể dung nạp kiến thức văn học một cách hiệu quả, vừa giải tỏa được những căng thẳng, áp lực trong khoảng thời gian nước rút này.
Trong hệ thống các tác phẩm văn học được đưa vào chương trình THPT, nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, kịch,.. Vì vậy, nếu việc đọc hiểu tác phẩm khiến bạn cảm thấy khó khăn, khó tiếp nhận, hãy thử “đọc” nó trên màn hình ti vi, máy tính thậm chí trên những chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, một điều đặc biệt lưu ý là: Không phải bộ phim nào cũng giống hoàn toàn nguyên tác, trong phim sẽ xuất hiện những chi tiết mà truyện không có, hoặc lược bỏ đi một số chi tiết có trong truyện, do vậy cảm thụ truyện là chính những gì tiếp nhận từ phim chỉ mang giá trị tham khảo.
Làng Vũ Đại ngày ấy được chuyển thể dựa theo 3 tác phẩm văn học Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Xem bộ phim này, học sinh dễ dàng thâu tóm được những chi tiết nổi bật, quan trọng của tác phẩm Chí Phèo, đồng thời nắm bắt một cách sinh động những tư tưởng, quan điểm của nhà văn.
Link xem phim: https://www.youtube.com/watch?v=7hjVJfDl0Yk
- Hạnh phúc của một tang gia
Hạnh phúc của một tạng gia thuộc chương 15 của tiểu thuyết Số đỏ (Vũ Trọng Phụng).
Số đỏ được hai đạo diễn Hà Văn Trọng và Lộng Chương chuyển thể thành phim. Bộ phim này được công chiếu lần đầu năm 1990 và gây ra nhiều luồng tranh cãi xung quanh một số cảnh quay được xem là “không phù hợp” với văn hóa Việt lúc bấy giờ. Song nhìn nhận một cách toàn diện, bộ phim đã chuyển tải thành công thông điệp mà Vũ Trọng Phụng muốn gửi gắm qua đứa con tinh thần của mình, mang đến cho công chúng một cách tiếp cận mới về tác phẩm trào phúng xuất sắc này.
Link xem Hạnh phúc của một tang gia https://www.youtube.com/watch?v=RdtXKaaZWCA
Link xem toàn bộ tác phẩm: https://www.youtube.com/watch?v=T_0yGXycNGM
- Vợ chồng A Phủ
Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ có điểm đặc biệt là được chính tác giả Tô Hoài chuyển thể thành kịch bản và đạo diễn tài năng Mai Lộc dựng thành phim cùng tên vào năm 1961. Bộ phim đã được trao giải thưởng Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ Hai năm 1973.
Tuy nhiên, trong phim, nhiều chi tiết có ý nghĩa sâu sắc của truyện đã bị lược bỏ và một số chi tiết không có trong truyện đã được thêm vào, làm cho truyện và phim có một độ chênh, dễ ngộ nhận trong việc cảm thụ tác phẩm văn học.
Link xem: https://www.youtube.com/watch?v=0zBGvSZNHSc
- Vợ nhặt
Không giống với những tác phẩm văn học khác được các ekip chuyên nghiệp chuyển thể, Vợ nhặt (Kim Lân) vừa được thầy trò trường THPT Nguyễn Du – Ninh Thuận chuyển thành phim. Bộ phim có thời lượng 17 phút này giúp học sinh tiếp nhận tác phẩm nguyên tác một cách sinh động, mới mẻ.
Đoạn phim với tông màu đen – trắng này đã phần nào tái hiện được không khí nạn đói năm 1945 trong tác phẩm Vợ Nhặt. Lời thoại, tình tiết của các “diễn viên” cũng bám sát vào kịch bản gốc, xem xong nhiều người đã tỏ ra bất ngờ vì ý tưởng cũng như sản phẩm rất đáng khuyến khích này.
Linh xem: https://www.youtube.com/watch?v=ybfLWtndcDQ
- Hồn Trương Ba, da hàng thịt
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở kịch của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, được viết vào năm 1983, dựa theo truyện dân gian “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nội dung có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Vở kịch do Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn, tuy nhiên, đoạn đối thoại giữa hồn trương Ba và xác hàng thịt đã bị cắt.
Link xem: https://www.youtube.com/watch?v=K8OqodZA9F0
- Tuyên ngôn độc lập
Sống lại những giây phút hào hùng của dân tộc, cảm nhận niềm hạnh phúc ngập tràn của nhân dân ta, lắng nghe giọng đọc hào sảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 2/9/1945 bằng cách xem lại những thước phim lịch sử là cách tốt nhất để tiếp cận văn bản.
Link xem: https://www.youtube.com/watch?v=kCHGsIQJano
- Người lái đò sông Đà
Mỗi tập phim Kí sự sông Đà đều giúp người xem hình dung được vẻ đẹp kỳ vĩ của dòng sông từng “sống” trong từng trang viết của nhà văn Nguyễn Tuân, mở ra nhiều góc nhìn thú vị về trầm tích văn hóa của các dân tộc sinh sống ven sông.
Sự biến đổi hàng ngày của sông Đà cùng đời sống người dân Tây Bắc qua thăng trầm thời gian cũng cũng được ghi lại qua những thước phim tư liệu “đắt” này.
Đặc biệt, đảm nhiệm vai người dẫn chuyện trong mỗi tập phim là các MC người dân tộc ở các địa phương khác nhau mà đoàn làm phim đi qua và ghi lại. Loạt phim do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện qua cuộc hành trình rong ruổi trên khắp nẻo đường của các tỉnh Tây Bắc.
Link xem: https://www.youtube.com/watch?v=s1ojonEqEYc