1. Logistics là gì?
Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. Từ đây suy ra, nhân viên Logistics sẽ là người phụ trách các công việc liên quan đến chuỗi các hoạt động nói trên.
Nếu làm tốt Logistics thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vận chuyển không hề nhỏ, điều đó đồng nghĩa với giá thành sản phẩm sẽ được hạ xuống từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và đem về nhiều lợi nhuận.
2. Cơ hội và thách thức cho ngành Logistics
Ngành Logistics có mặt tại Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây với tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng, lên đến 35 – 40%. Hiện tại, có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này và con số này dự đoán sẽ càng tăng chóng mặt trong thời gian sắp tới.
Thống kê của Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam thì trong 3 năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics cần thêm khoảng 18.000 lao động, chưa tính các doanh nghiệp hoạt động khác ngành. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm dành cho những người theo học ngành Logistics là rất lớn, bạn hoàn toàn có thể kiếm được việc làm lương cao, ổn định tại các doanh nghiệp Logistics trong và ngoài nước ngay sau khi vừa ra trường.
Tuy nhiên, không có công việc nào dễ dàng cả, để thành công với nghề Logistics cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Đầu tiên, bạn phải trau dồi khả năng ngoại ngữ vì hầu hết các doanh nghiệp đều có định hướng mở rộng hợp tác với các công ty nước ngoài, các chứng từ, biên bản theo đó cũng được trình bày dưới dạng tiếng Anh. Thông thạo ngoại ngữ sẽ là bàn đạp vững chắc để bạn tìm thấy cơ hội ở bất cứ công ty nào. Tiếp theo, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý phải di chuyển nhiều, đặc biệt khi bạn chọn công việc liên quan đến xuất nhập khẩu. Ngoài ra, sự năng động, nhanh nhẹn và tỉ mỉ cũng giúp bạn ghi điểm khi tham gia ứng tuyển vào vị trí Logistics.
3. Học Logistics ra làm gì?
Các vị trí công việc dành cho những người chọn học chuyên ngành Logistics khá đa dạng, cụ thể bạn có thể làm các công việc sau:
– Nhân viên xuất nhập khẩu
– Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
– Nhân viên thu mua
– Nhân viên quản lý hàng hóa
– Nhân viên quản lý điều hành hoạt động vận tải
– Nhân viên kinh doanh Logistics…
4. Các cấp bậc của nghề Logistics
– Logistics Officer ($300 – $700): Vị trí này không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, bạn có thể ứng tuyển vị trí này ngay khi bạn vừa mới ra trường. Mức lương khởi điểm của một nhân viên Logistics khá cao so với mặt bằng chung, khoảng 6-7 triệu/ tháng.
– Logistics Supervisor ($1000 – $1500): Bạn có thể được cất nhắc lên vị trí này khi đã có trong tay 1-2 năm kinh nghiệm, tùy công ty mà bạn sẽ phụ trách vị trí Logistics Supervisor hoặc thăng tiến trực tiếp lên Logistics Manager.
– Logistics Manager ($1000 -$4000): Để trở thành Logistics Manager, bạn phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm cùng khả năng nói và viết tiếng Anh lưu loát. Mức lương có thể chênh lệch tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp nhưng mức cao nhất bạn nhận được có thể lên đến $4000, thậm chí hơn $5000.
– Logistics Director ($4000 – $6000): Là người đứng đầu, quản lý, phân bổ và kiểm soát hoạt động Logistics trong công ty, bạn phải nằm lòng nghiệp vụ và có trên 8 năm kinh nghiệm. Nhiều công ty không có vị trí này mà chuyển thẳng lên thành Supply Chain Director.
– Supply Chain Director ($5000 – $7000): Đúng như tên gọi của mình, Supply Chain Director (Giám đốc chuỗi cung ứng) sẽ phụ trách tất cả các hoạt động Logistics liên quan đến chuỗi cung ứng không chỉ trong nước mà còn có thể ở phạm vi quốc tế. Trách nhiệm cao, đòi hỏi cũng nhiều nhưng mức lương bạn nhận được là hoàn toàn xứng đáng.