Nhiều thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 lo lắng sẽ có nơi chấm lỏng, nơi chấm chặt bài thi Ngữ văn, vì đáp án khá mở.
Lãnh đạo Bộ GD&ÐT lưu ý giám khảo các địa phương phải chấm thi thật công tâm, đều tay, không bảo thủ, đặt quyền lợi thí sinh lên trên hết.
Đáp án quá mở
Theo quy chế thi, với bài thi tự luận, giám khảo chấm theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10. Điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm thi khác nhau. Trước khi vào chấm, tổ trưởng tổ chấm thi sẽ cho chấm chung ít nhất 10 bài để thống nhất cách chấm và cán bộ chấm thi phải bốc thăm túi bài chấm thi.
Đáp án môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT công bố cho thấy khá mở và không đi sâu vào chi tiết từng câu hỏi.
Ví dụ, ở câu 1 phần 2 làm văn, đề yêu cầu “viết đoạn văn 200 chữ về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”. Câu này 2 điểm. Đáp án cho 0,25 điểm với phần đảm bảo về hình thức; 0,25 điểm nếu chuẩn về chính tả, ngữ pháp; 0,25 điểm nếu sáng tạo; 0,25 điểm nếu thí sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận là “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”.
Đặc biệt, 1 điểm còn lại, đáp án nêu chung chung: “Thí sinh có thể lựa chọn thao tác lập luận phù hợp làm rõ sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”. Còn ở câu 5 điểm, có tới 0,5 điểm cho sáng tạo và 0,25 điểm cho chính tả và đảm bảo cấu trúc câu.
Cô N.T.H.N., giáo viên dạy Ngữ văn ở một trường THPT tại Hà Nội nhận định, đáp án năm nay quá mở. Thể hiện đầu tiên ở câu số 4, phần đọc hiểu. Đáp án không đưa ra nội dung cụ thể để cán bộ căn cứ chấm bài; thí sinh đồng ý hay không cũng được điểm, chỉ cần lý giải hợp lý.
“Nếu vậy, người chấm không cần đọc, cứ cho điểm ở vùng an toàn. Ví dụ, barem là 1 điểm thì có người sẽ cho 0,5 điểm, có người sẽ cho 0,75 điểm mà không sợ kiểm tra lại. 100 người chấm sẽ có 100 quan điểm khác nhau, riêng 1 câu nhỏ đã có sự vênh nhau như vậy rồi”, cô N. nói.
Cũng theo cô N., ở phần thứ 2, nghị luận xã hội, đáp án cũng không có barem về nội dung, chỉ yêu cầu thí sinh lý giải đúng về tầm quan trọng cuộc sống mỗi ngày. Không có chuẩn nào được đưa ra thì thí sinh có thể làm theo nhiều cách khác nhau và quan điểm người chấm cũng khác nhau về mức cho điểm, dẫn đến sẽ có chuyện vênh điểm trong từng hội đồng chấm và vênh giữa các tỉnh với nhau.
Hay ở phần sáng tạo, barem cho tối đa 0,5 điểm, nhưng thí sinh làm được những gì thì cho điểm sáng tạo tối đa cũng không được chỉ rõ. Do đó, sẽ có người chấm thi nói cứ có ý sáng tạo là cho 0,5 điểm, nhưng cũng có người khác cho rằng, sáng tạo ở mức này chỉ cho 0,25 điểm.
Nhiều năm chấm thi và được giao nhiệm vụ chấm thẩm tra, cô N. nói: “Khi rút 5% số bài thi ra chấm lại mới thấy, có giám khảo chấm nguyên tắc, chặt tay nên học sinh thiệt thòi. Khi đó, tôi đề nghị chấm lại, nâng niu từng câu chữ, ý tứ của học sinh. Tuy nhiên, cũng có bài thi giám khảo chấm khá thoáng, bị yêu cầu hạ điểm”.
Không gây áp lực cho người chấm
Ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, nói: “Địa phương chia tổ chấm, dự kiến hoàn thành trong khoảng 6 ngày. Tuy nhiên, Sở quán triệt miễn sao chấm kỹ, không để sai, sót bài của thí sinh. Nếu không xong, 7-8 ngày cũng không sao, giám khảo không bị áp lực về mặt thời gian”. Về chấm phần tự luận, tinh thần là những gì học trò làm đúng, giám khảo chấm thi không để các em thiệt.
Về mặt quy trình, trưởng ban chấm thi tự luận cùng các tổ trưởng tổ chấm thảo luận, nghiên cứu kỹ đáp án và hướng dẫn chấm. Thảo luận những tình huống, cách thức, lập luận thí sinh có thể làm, sau đó đi đến thống nhất để có quan điểm chung. Sau đó, quán triệt toàn ban giám khảo và chấm chung để mọi người cùng thống nhất.
“Đáp án có cho điểm sáng tạo khoảng 0,25 điểm ở mỗi đoạn nhưng cũng có quy định cụ thể, ví dụ như bài làm có những suy nghĩ sâu sắc, diễn đạt mới mẻ. Vì thế, giả sử có người này chấm lỏng, người khác chấm chặt khó có thể lý giải hết được. Nhưng về quy trình chấm thi 2 vòng độc lập, chấm thẩm tra như hiện nay là chặt chẽ”, ông Phương khẳng định.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Tân, cho biết, sau khi làm phách hai vòng xong, mới bốc thăm giao bài cho cán bộ chấm thi đảm bảo hai vòng độc lập, không cán bộ nào chấm lại bài trước đó. Ngoài ra, địa phương lập tổ chấm thi rút ít nhất 5% số bài thi để chấm kiểm tra. Để đảm bảo tiến độ ngày 27/8 công bố điểm cho thí sinh, Thừa Thiên – Huế điều động thêm khoảng 10 cán bộ chấm thi.
Kiểm tra chấm thi tại các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, nói: “Sức ép của việc tuyển sinh vào các trường ĐH là rất lớn nên các thầy cô giáo cũng phải chịu áp lực, làm sao chấm thi phải thật công bằng, khách quan”.
Theo Zing