fbpx
Home Học đường Làm sao để trẻ ‘quên’ tết chuẩn bị trở lại học tập?

Làm sao để trẻ ‘quên’ tết chuẩn bị trở lại học tập?

0
Làm sao để trẻ ‘quên’ tết chuẩn bị trở lại học tập?

Kết thúc kỳ nghỉ dài cũng là lúc học sinh bắt đầu vượt qua chính mình với tâm lý “vui như tết” để bắt nhịp với việc học

Những vấn vương ngày tết

Những ngày đầu trở lại trường, hầu hết học sinh còn nhiều “vương vấn” với không khí tết nên có tâm lý buông lơi, không hào hứng với việc học. Ở mỗi bậc học, học sinh có những biểu hiện tâm lý khác nhau.

Quan sát từ những năm trước, cô giáo Trần Thị Tú Quyên, Trường Mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM) cho hay, không khí những ngày trở lại trường tương tự như ngày đầu đi học, trẻ quấy khóc, nhõng nhẽo, buồn bã, các nền nếp đã được cô giáo rẻn trong năm như giờ ăn, giờ ngủ, giờ chơi bị xáo trộn.

Còn ở những bậc học khác thì giáo viên nhìn thấy sự uể oải, không tập trung, có khi ngủ gục trong lớp học, hay than thở “chán vì sao nhanh hết tết quá, chơi chưa đã”…

Vì vậy, cô Võ Thị Thùy Linh, giáo viên Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), chia sẻ, thời điểm trước ngày đi học, phụ huynh cần có nhắc nhở, khuyến khích con em sử dụng thời gian hợp lý, không nên vui chơi “quá đà”. Thế nhưng, cô giáo Thùy Linh nhấn mạnh, cũng đừng nên tạo áp lực vào thời điểm này, nếu cha mẹ cảm thấy không yên tâm thì chỉ cần nhắc nhở trẻ “chạm” sách vở theo tinh thần vui chơi.  Cũng như vậy, trong 2 ngày đầu đi học trở lại, giáo viên này cho biết, thường cùng học trò đố nhau bằng bảng cửu chương, khuyến khích viết chữ đẹp qua vài câu thơ chủ đề ngày xuân…

Giáo viên dẫn dắt sự hứng khởi

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều giáo viên cho rằng, suy nghĩ cho học trò nhiều bài tập về nhà để các em không quên kiến thức có khi không hiệu quả mà còn gây tác dụng ngược khiến trẻ chán nản, mệt mỏi vì tết mà lại không được vui chơi thoải mái.

Vì vậy, giáo viên cần thể hiện năng lực để kéo học sinh về với tiết học của mình vì trong giai đoạn này người dạy đóng vai trò là người dẫn dắt. Chẳng hạn, bài giảng cần thiết kế linh hoạt, không gò ép, kết hợp với các hoạt động trò chơi để tạo cho học trò tâm lý vừa học vừa chơi. Bên cạnh đó, trò chơi trong bài giảng có đi kèm với phần thưởng có thể là bao lì xì có ý nghĩa tượng trưng hay điểm cộng.

Hãy thể hiện sự hiểu và đồng cảm với tâm lý học sinh nhưng cùng với đó là tác động tâm lý về bài học, về kiến thức, sự quan trọng của việc học… Thêm vào đó chia sẻ để các em biết vượt qua rào cản bản thân.

Tuy nhiên cũng cần đưa ra các nguyên tắc của tiết học là tập trung, chủ động, tích cực. Có thưởng cho cá nhân, nhóm thực hiện tốt và ngược lại trừ điểm những nhóm không thực hiện tốt nguyên tắc.Tóm lại cần tạo bài giảng cuốn hút với học trò, cần mềm mỏng nhưng không lơi lỏng để các em biết mục tiêu của mình là học tập.

Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) cho rằng, tâm thế người thầy là quan trọng nhất, nếu người thầy không có sự nhiệt huyết, dứt khoát  thì học trò dễ “lo ra”. Vì vậy giáo viên cần hứng khởi sẵn sàng cùng học trò bước vào hành trình mới thì học trò sẽ cuốn theo.

Trước khi nghỉ tết, học sinh được thông báo cụ thể lịch kiểm tra giữa kỳ sẽ diễn ra sau ngày trở lại trường đúng một tháng để biết và có sự chuẩn bị cho việc học của mình. Ban giám hiệu đã khuyến cáo giáo viên không gây áp lực bằng bài tập về nhà mà để các em có một kỳ nghỉ sáng khoái và ý nghĩa. Và như vậy thì học sinh cũng cần có sự chủ động và ý thức sau khi vui chơi thoải mái thì bắt tay vào nỗ lực học tập trong thời gian tới.

Comments

comments