Ở khâu định hướng nghề nghiệp chọn ngành vào trường đại học cũng như nghề nghiệp sau khi ra trường, rất nhiều bạn trẻ băn khoăn, giữa hai yếu tố “phù hợp bản thân” và “phù hợp nhu cầu xã hội” thì phải chọn yếu tố nào trước?
Câu hỏi này đã được các diễn giả giàu kinh nghiệm giải đáp tại tọa đàm “Định hướng nghề nghiệp” trong khuôn khổ Ngày hội việc làm 2018 dành cho sinh viên đại học các khối ngành kinh tế trên địa bàn Hà Nội do ĐH Ngoại thương tổ chức ngày 17/3.
Về vấn đề này, TS. Lê Thi Vân Khanh – Phó phụ trách phòng đào tạo bán lẻ Ngân hàng VietinBank nhấn mạnh, trong hai yếu tố bản thân và xã hội đặt ra ở câu hỏi trên thì các bạn trẻ phải chọn và đáp ứng yếu tố “bản thân” trước.
“Đầu tiên, bạn phải biết “tôi là ai?”, “tôi thuộc tuýp người gì?”, “những kỹ năng, năng lực tôi có?” để chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân nhất. Sau đó, khi đã xác định được bản thân phù hợp nhất với ngành gì thì sẽ xem xét ngành/ nghề đó đóng góp thế nào cho xã hội, xã hội có cần nó, trong tương lai nó có phát triển hay không?”, TS. Khanh lưu ý.
Nữ tiến sĩ 8X chia sẻ câu chuyện của chính bản thân làm ví dụ.
“Tôi sinh ra trong gia đình có bố mẹ làm giáo viên và bác sĩ. Từ nhỏ đã theo mẹ làm trợ giảng ở các lớp học riêng mẹ mở về kinh doanh nên sớm có niềm yêu thích và ý niệm sẽ trở thành một giáo viên giống như mẹ.
Sắp vào đại học, trường tôi nghĩ sẽ chọn đầu tiên là sư phạm – ngôi trường phù hợp với nguyện vọng và năng lực của bản thân. Tuy nhiên, khi lên Hà Nội đứng trước một loạt trường đại học, tôi lại không chọn ĐH Sư phạm vì ý nghĩ, sau khi tôi ra trường, bố mẹ có đủ 300 triệu đồng để “xin” cho tôi vào một trường chuyên tôi đã từng học hay không. Chuyện chạy tiền mới xin được việc ở ngành nghề này không phải hiếm khi nguồn “cung” nhân lực vượt quá “cầu”.
Ngay lập tức, tôi đã chọn công việc kiểm toán, nghe có vẻ không liên quan gì đến sư phạm. Nhưng nghề liên quan đến nghiệp. Dù có đi đến đâu bạn cũng đi về nghề mình đam mê. Và hiện tại, sau khi đã làm kiểm toán, rủi ro cùng rất nhiều công việc khác, tôi đã ngồi đây trò chuyện với các bạn trong vai trò phụ trách đào tạo”.
TS. Lê Thị Vân Khanh lưu ý thêm, việc định hướng nghề nghiệp nên được làm sớm. Quan trọng nhất, các bạn học sinh/sinh viên phải biết đặt mục tiêu và xác định đích mình muốn đến. Mục tiêu ở đây cụ thể là sau khi tốt nghiệp bạn sẽ làm việc gì? 10 năm sau bạn đứng ở vị trí nào trong nghề nghiệp.
“Việc định hướng con đường có thể sẽ luôn luôn thay đổi nhưng mục tiêu phải giữ và chia nhỏ ra để đi đến đích. Ví dụ như tôi, ngay từ bé luôn đặt mục tiêu làm giáo viên nhưng lên đại học tôi lại chọn học kiểm toán. Dù có kiểm toán đi chăng nữa thì đó chỉ là mục tiêu nhỏ.
Ngày hôm nay có thể học chuyên ngành này, chuyên ngành kia, khi tốt nghiệp bạn có thể làm công việc khác nhưng các bạn hãy chọn những gì bạn đam mê nhất thì công việc đam mê sẽ trở lại với bạn”, TS. Khanh chia sẻ.
Khi có định hướng rõ ràng cụ thể về sự nghiệp, các cử nhân ra trường lại đối mặt với thử thách mới khi bước vào cuộc đua công việc khốc liệt. Vậy trên hành trình đó, bằng cấp hay năng lực sẽ là yếu tố quyết định? – một sinh viên khác đặt câu hỏi tới diễn giả.
TS. Khanh nhấn mạnh, bằng cấp hay năng lực cũng quan trọng nhưng cái quan trọng nhất lại là thái độ.
“Bằng cấp là điều kiện cần nhưng thái độ là điều kiện đủ”, TS. Khanh nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu, thái độ chiếm 70% thành công trong công việc và khi ước chân vào môi trường làm việc, thái độ vô cùng quan trọng. Các nhà tuyển dụng thường ứng dụng một mô hình cơ bản trong đánh giá năng lực ứng viên, đó là ASK (Attitude – Skill – Knowledge; tức là thái độ – kỹ năng – kiến thức)
Tất cả ba yếu tố phải được đo lường: kiến thức thể hiện qua bằng cấp, kỹ năng thể hiện khả năng, độ thuần thục giải quyết công việc; thái độ là cảm xúc của bản thân khi tiếp cận tình huống, ứng xử tình huống.
“Người có thái độ tốt và biết sử dụng thái độ tốt trong công việc phù hợp sẽ thành công. Đôi khi kết quả công việc không thành công chỉ vì thái độ không tốt”, nữ diễn giả nhấn mạnh.
Khi bạn trẻ khó khăn thích nghi môi trường làm việc mới…
Tại chương trình, không ít sinh viên cùng chung câu hỏi: “Làm thế nào để hòa nhập, thích nghi với môi trường mới (khi bắt đầu thực tập, chuyển công ty) cả về lĩnh vực chuyên môn và quan hệ với đồng nghiệp?”.
Về vấn đề này, theo chị Cao Thị Thùy Linh – Đại diện công ty Nailsen Việt Nam, khó khăn trong kết nối với môi trường mới là câu chuyện chung của hầu hết cử nhân, bởi lẽ mới ra trường bước chân từ giảng đường ra đi làm thì môi trường rất khác và việc chuyển từ công ty nọ sang công ty kia cũng tương tự.
Nữ diễn giả này lưu ý, sự hòa nhập với cộng đồng là kỹ năng quan trọng cử nhân cần có khi bước vào môi trường làm việc. Hiện nay, không ít bạn trẻ “nhảy việc” vì những “định kiến” trong tư duy.
“Các bạn trẻ hiện nay có nền tảng kiến thức tốt, kỹ năng, và nhiều cái để các bạn tự tin tôi xứng đáng với vị trí nào trong công ty, điều đó nhà tuyển dụng rất thích. Nhưng để nó đừng để nó thành rào chắn máy móc rằng: tôi đáng ra phải ở vị trí này, làm cái này thì công ty bắt làm cái khác thì tôi nghỉ… Cái đó thực ra không tốt với chính bạn thôi, còn các công ty chỉ mất công tuyển người mới một chút chứ ảnh hưởng nhiều. Nhưng với các bạn sẽ tiếp tục là rào chắn sự nghiệp nếu bạn vẫn giữ suy nghĩ ấy”, chị Linh tâm sự.
Chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân, chị Linh cho rằng việc chủ động kết nối với mọi người ở nơi làm việc sẽ giúp các “tân binh” không chỉ xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp mà còn nhìn thấy được văn hóa của doanh nghiệp. Bởi “không ngẫu nhiên từng ấy con người ở chung công ty đó, họ phải có văn hóa nào đó trùng khớp và muốn hòa nhập, bạn phải hiểu”.
Về chuyên môn, nếu không doanh nghiệp không hỗ trợ thì chính bản thân các nhân sự trẻ phải chủ động, lăn xả học hỏi và nắm bắt kiến thức kỹ năng phục vụ công việc. Quan trọng không kém, “bạn phải nói ra và tìm được người có thể cho bạn câu trả lời”.
Theo Dantri