Trước kỳ thi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhắc đến 2 từ khóa quan trọng là “an toàn” và “chất lượng”. Không chỉ ngành Giáo dục mà toàn xã hội đã phải “căng mình” để thực hiện bằng được 2 từ khóa đó.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT “lịch sử” vừa khép lại giai đoạn đầu tiên. Cách đây một tuần, khi quyết định vẫn tổ chức kỳ thi được đưa ra, nhiều người đã đặt dấu chấm hỏi cho quyết định này của Bộ GDĐT.
2 ngày thi nhẹ nhàng và an toàn vừa đi qua cho thấy, việc bình thường hoàn toàn có thể làm được trong điều kiện bất thường.
Năm học “chưa từng có trong lịch sử”
Trước khi có kỳ thi “lịch sử”, ngành giáo dục đã có một năm học “chưa từng có trong lịch sử”. Mọi kế hoạch, dự tính của năm học hoàn toàn thay đổi khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và báo hiệu chưa có điểm dừng. 2 lần thay đổi mốc thời gian năm học, 2 lần thay đổi thời gian tổ chức thi THPT.
Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để phù hợp với Luật Giáo dục 2019 được thực hiện sớm hơn cũng do dịch bệnh.
Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ chính thức bắt đầu từ chiều ngày 8/8 và kết thúc vào chiều 10/8. Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho đến trước khi kỳ thi diễn ra 10 ngày. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và lần này nhanh hơn, lan rộng hơn và nguy hiểm hơn.
Bộ GDĐT lần thứ hai phải lên phương án báo cáo Chính phủ về kỳ thi, trước đó là phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho kỳ thi THPT quốc gia như 5 kỳ trước đó.
Phương án được Bộ GDĐT “chốt” lần này là chia kỳ thi thành 2 đợt, đợt 1 là những địa phương không thuộc diện giãn cách, đợt 2 cho những địa phương đang thực hiện giãn cách và những thí sinh diện F1, F2.
Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử, có 2 đợt thi trong một kỳ thi cuối cùng cấp THPT.
Ngay sau khi phương án được chốt, Bộ GDĐT, Bộ Y tế đã liên tục có những chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các điểm thi, những người tham gia kỳ thi.
Bộ GDĐT cũng kịp thời chỉ đạo các trường đại học thực hiện phương án tuyển sinh phù hợp với 2 đợt thi để đảm bảo công bằng, không gây tâm lý lo lắng “hết suất vào đại học” cho các thí sinh thi đợt 2.
Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, sẽ chỉ đạo tổ chức 2 đợt thi hoàn toàn công bằng.
Các điểm thi dự phòng, phòng thi dự phòng, phòng cách ly trước đó đã được bố trí, nhanh chóng được bổ sung thêm.
Tất cả các tình huống phát sinh hàng ngày, hàng giờ về số học sinh, giáo viên trong diện F1, F2 được xử lý ngay.
Cho tới sát ngày thi vẫn có những thí sinh, thậm chí là cả điểm thi phải chuyển từ thi đợt 1 sang thi đợt 2.
Trước kỳ thi người đứng đầu ngành Giáo dục – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhắc đến 2 từ khóa quan trọng của kỳ thi năm nay là “an toàn” và “chất lượng”. Không chỉ ngành Giáo dục mà toàn xã hội đã có những ngày “căng mình” để thực hiện bằng được 2 từ khóa đó.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, dù là một năm có nhiều khó khăn, vất vả trong tổ chức thi, nhưng Bộ GDĐT cũng như các địa phương đều sẵn sàng các phương án để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Một kỳ thi nhẹ nhàng
Chiều 8/8, các thí sinh tập trung làm thủ tục dự thi, ghi nhận tại các điểm thi, các yêu cầu về đảm bảo an toàn đã được thực hiện nghiêm túc, ngay tại cổng điểm thi bố trí nhiều bàn để nước sát khuẩn và nhân viên y tế trực đo thân nhiệt.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại điểm thi được hướng dẫn xếp hàng, đảm bảo giãn cách để chờ gọi vào phòng thi. Các phòng thi cũng bố trí chỗ ngồi, đảm bảo khoảng cách giữa các thí sinh.
100% thí sinh đeo khẩu trang đến trường thi. Để đảm bảo an toàn cũng như phòng chống tiêu cực trong kỳ thi, nhiều điểm thi đã thực hiện phát khẩu trang cho thí sinh trước khi vào phòng thi.
Chia sẻ trong ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh Khang Hy, dự thi tại điểm thi THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang) cho biết: “Em thấy Bộ GDĐT, Bộ Y tế đã làm hết sức mình để bảo vệ cho các thí sinh, để kỳ thi diễn ra tốt đẹp. Và em đã sẵn sàng cho kỳ thi”.
2 ngày thi chính thức diễn ra. Tất cả các bước đảm bảo an toàn tiếp tục được thực hiện nghiêm ngặt. Với những ai đã từng chứng kiến những mùa thi trước sẽ cảm thấy kỳ lạ với cảnh trước cổng các điểm thi vắng lặng vào giờ thi trong mùa thi năm nay, bởi mỗi phụ huynh đã trở thành những người trợ giúp đắc lực cho một mùa thi an toàn.
Trước kỳ thi, không ít người lo lắng rằng, với mục tiêu kỳ thi, với sự khó khăn của năm học, đề thi có thể sẽ dễ và tạo ra “mưa điểm 10” nhưng trên thực tế, đề thi năm nay không chỉ đảm bảo bám sát chương trình đã tinh giản, bám sát đề thi tham khảo, có phần nhẹ nhàng hơn để phù hợp với năm học khó khăn do dịch bệnh, mà còn tạo ra bất ngờ về độ phân hóa.
Nhận định của học sinh, giáo viên cho thấy, với đề thi năm nay sẽ không dễ để có “đột phá” về điểm 9-10. Nhìn vào đề thi, các trường đại học cũng bày tỏ sự yên tâm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Đánh giá sau giai đoạn coi thi, Bộ GDĐT cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã đáp ứng được mục tiêu kép, vừa đảm bảo chống dịch, đồng thời đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng.
So với kỳ thi năm ngoái, số thí sinh vi phạm quy chế thi năm nay giảm hơn nhiều. Sau 2 ngày thi, có 39 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó 01 thí sinh bị khiển trách, 38 thí sinh bị đình chỉ – năm ngoái con số này là 71; 18 cán bộ vi phạm quy chế thi bị xem xét kỷ luật.
Một số sự cố do lỗi từ giám thị đã được khắc phục kịp thời, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.
Nỗ lực đạt mục đích
Kỳ thi tốt nghiệp THPT mới hoàn thành giai đoạn đầu tiên, vẫn còn nhiều việc tiếp theo cần phải làm như chấm thi, công bố điểm thi, so sánh phổ điểm với học bạ…, ở phần việc nào, ngành Giáo dục cũng phải đặt ra mục tiêu kép, an toàn cho người tham gia và chất lượng của kỳ thi.
Đặc biệt, là những chuẩn bị tiếp theo để tổ chức kỳ thi đợt 2 cho 26.308 thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa thể dự thi đợt 1, đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi cho các em.
Thời điểm này chưa thể khẳng định về sự thành công của kỳ thi, nhưng 2 ngày thi nhẹ nhàng và an toàn vừa đi qua cho thấy, có thể hoàn toàn làm được một việc bình thường trong điều kiện bất thường nếu có đủ quyết tâm và quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện.
Đánh giá về nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những vừa qua, ông Philip Dowler, Giám đốc Đại học RMIT cho rằng, ngành Giáo dục đã nỗ lực rất nhiều vì mục đích đảm bảo quyền lợi của các em học sinh cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
“Nỗ lực này theo tôi hiểu nằm trong nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, đưa các hoạt động học tập, sản xuất kinh doanh dần ổn định”, ông Philip Dowler nói.
Theo Dantri