2018 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng điểm sàn riêng cho các trường sư phạm.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy có 125.269 nguyện vọng vào trường sư phạm, trong đó 43.928 nguyện vọng 1. Chỉ tiêu vào các trường sư phạm năm nay là 35.599 thí sinh, điểm sàn xét tuyển vào các trường ĐH là 17, CĐ 15 và trung cấp 13.
Lo không đủ chỉ tiêu
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết ngưỡng này được xây dựng trên cơ sở kết quả điểm thi của các thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm, cũng như yêu cầu chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo giáo viên để bảo đảm chất lượng người thầy trong toàn hệ thống.
Với mặt bằng điểm thấp như năm nay, mức sàn mà Bộ GD&ĐT đưa ra thực sự là một thách thức đối với các trường. Việc nhiều trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh là điều được dự báo trước. Rất nhiều chuyên gia tuyển sinh khẳng định với mặt bằng điểm thi năm nay, không ít trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt ở những vùng, ngành khó tuyển sinh hoặc hệ CĐ, trung cấp.
Trong khi đó, đại diện của Bộ GD&ĐT khẳng định: “Chúng tôi xác định không duy trì quy mô tuyển sinh để đánh đổi chất lượng. Yếu tố chất lượng khi xác định mức điểm sàn phải được đặt lên hàng đầu. Làm sao phải đào tạo được đội ngũ những người thầy tốt để giáo dục ra những thế hệ học trò tốt. Đó là sự quyết tâm rất lớn của ngành”.
Để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, tỉnh Thanh Hóa đã đặt hàng ĐH Hồng Đức mở 4 ngành đào tạo chất lượng cao, gồm sư phạm Toán, Vật lý, Lịch sử và Ngữ văn. Mỗi ngành đào tạo 20 sinh viên. Yêu cầu đặt ra cho hệ chất lượng cao là các thí sinh phải đạt từ 24 điểm trở lên; bù lại, Thanh Hóa sẽ bảo đảm phân công nơi làm việc cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Nguy cơ phá sản đào tạo chất lượng cao
Tuy nhiên, ngay cả khi Thanh Hóa đã có cam kết bảo đảm đầu ra cho sinh viên sư phạm chất lượng cao thì việc tuyển sinh cũng không hề dễ dàng. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Mạnh An, hiệu trưởng ĐH Hồng Đức, cho rằng “đã thua ngay trong lần đầu xung trận”, vì việc tuyển sinh gần như không thể thực hiện được.
Theo ông An, với trên 83% thí sinh cả nước có điểm thi môn lịch sử dưới trung bình, việc xét tuyển cho 3 tổ hợp Văn – Sử – Địa, Toán – Văn – Sử, Văn – Sử – tiếng Anh với mức điểm 24 là cực kỳ khó khăn. Ngành sư phạm chất lượng cao thì môn Lịch sử chắc chắn không thể mở được, ngành Vật lý cũng tương tự.
Ngành Toán thì chỉ có khoảng 5 em được 24 điểm và ngành ngữ văn có khoảng 10 em có điểm từ 24. Tuy nhiên, năm nay, 24 là điểm số rất cao nên cũng chưa chắc các em đã dừng chân với ngành sư phạm mà có thể điều chỉnh nguyện vọng để học các trường khác.
Theo hiệu trưởng này, để hiệu quả hơn, khi làm đề án, trường không nên quy định một mức điểm cứng mà có thể linh hoạt hơn là bằng điểm sàn sư phạm của Bộ GD&ĐT cộng thêm 4-5 điểm thì sẽ đỡ khó khăn cho nhà trường.
Hiệu trưởng một trường sư phạm khác nhận định với hơn 125.000 nguyện vọng vào trường sư phạm, việc tuyển sinh vào các trường có thương hiệu cũng không phải quá khó khăn vì năm nay chỉ tiêu sư phạm giảm tới hơn 1/3 so với năm ngoái.
“Nhưng các trường địa phương và một số ngành như giáo dục thể chất thì thật sự khó. Tôi tin sẽ có những trường phải đối mặt việc không tuyển đủ chỉ tiêu và việc tuyển sinh cực kỳ trầy trật” – vị hiệu trưởng này cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong đào tạo sư phạm bây giờ là Bộ GD&ĐT phải đưa ra một chính sách hấp dẫn cho việc tuyển dụng sau khi sinh viên tốt nghiệp.
Khắc phục những hạn chế trong đào tạo ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ rà soát, sắp xếp và quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên để hình thành 10 trường trung tâm có uy tín, đủ năng lực.
Các cơ sở đào tạo khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm, tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho toàn hệ thống.
Theo Zing