Atlat được coi là trợ thủ đắc lực đặc biệt trong các kỳ thi môn Địa lý. Tuy nhiên nhiều thí sinh còn gặp khó khăn trong việc sử dụng cũng như chưa có cách khai thác hiệu quả. Nếu vậy những mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp các sĩ tử có thể lấy được điểm cao trong những câu hỏi sử dụng Atlat địa lý tại kỳ thi THPT sắp tới.
1. Tìm hiểu cấu trúc của Atlat
Có thể dễ dàng nhận thấy Atlat địa lý được sắp xếp thành 4 phần chính tương ứng với các chương trong sách giáo khoa.
Theo cô giáo Dương Thị Ngọc Sương – Tổ trưởng chuyên môn Địa lý Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh), từ trang 6 đến trang 14 là những kiến thức giúp học tốt chương tự nhiên (Bài 6 đến bài 15 trong chương trình Địa lý 12 cơ bản).
Trong đó, trang 15, 16 giúp học tốt chương Địa lý dân cư (Bài 16, 17,18). Trang 17 – 25: Nói về các ngành kinh tế, trong đó: (Trang 17: Trình bày kinh tế chung; Trang 18, 19, 20 là các kiến thức liên quan ngành Nông nghiệp (bài 21, 22, 24, 25);
Trang 21, 22 cung cấp kiến thức liên quan đến ngành Công nghiệp (bài 26, 27, 28); Trang 23, 24, 25 là kiến thức của ngành dịch vụ.)
Các trang còn lại là kiến thức của các vùng kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm.
Riêng trang 4, 5 giúp các em xác định được phạm vi lãnh thổ của nước ta, biết được các đơn vị hành chính Việt Nam, dân số, diện tích, các thành phố trực thuộc trung ương. Trang 3 là trang cung cấp hệ thống kí hiệu bản đồ.
Khi nắm vững các mục trong atlat, thí sinh có thể tìm đúng và nhanh hơn nội dung kiến thức tránh tình trạng mất quá nhiều thời gian mà thậm chí còn khai thác sai kiến thức cần tìm hiểu so với yêu cầu của đề bài.
Ví dụ: “Sử dụng Atlat địa lí Việt Nam và kiến thức đã học hãy: Kể tên các ngành của mỗi trung tâm công nghiệp sau: Biên Hoà, Vũng Tàu” ( Đề tốt nghiệp THPT năm 2011 – Câu III – 1 –a)
Với đề bài này, ta có thể dựa vào atlat ở mục Công nghiệp chung (trang 21 – atlat) hoặc Vùng Đông Nam Bộ (trang 29 – atlat NXB GDVN) để khai thác.
2. Đọc Atlat theo trình tự khoa học và logic:
Trước hết cần nắm rõ được các ký hiệu và chú giải của Atlat để có thể vận dụng vào việc đọc các trang bản đồ. Đồng thời, cũng cần nắm vững được các nội dung kiến thức trong bài học với các mục cụ thể trong atlat để từ đó rút ra được các thông tin cần thiết, đồng thời giúp khai thác mối liên hệ giữa các đối tượng địa lí cần tìm hiểu. Ví dụ phần kinh tế chung (atlat trang 17 – thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu GDP theo khu vực kinh tế của nước ta, giai đoạn 1990 – 2007) tương ứng với mục 1 – Bài 20 “CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ”, trang 82 SGK nên không cần học thuộc số liệu trong SGK….
3. Xác định mối tương quan giữa các đối tượng
Trong quá trình học và sử dụng, học sinh cần có kỹ năng tính toán, đo đạc, so sánh, xác định vị trí địa lý, xác định các mối liên hệ tương – hỗ, đó có thể là các mối quan hệ như: Mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên với nhau, mối quan hệ tương hỗ và nhân – quả giữa các yếu tố tự nhiên và kinh tế, dân cư và kinh tế, kinh tế và kinh tế, tự nhiên – dân cư và kinh tế…
4. Các bước khi làm bài khai thác Atlat
Bước 1: Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề bài.
Bước 2: Xác định trang và một số trang liên quan cần dụng dụng để giải quyết yêu cầu của đề bài.
Bước 3: Xác định loại kĩ năng làm việc với bản đồ (kĩ năng nhận biết, đọc tên các đối tượng địa lý, kĩ năng xác định vị trí, hay kĩ năng xác định mối quan hệ tương hỗ, mối liên hệ không gian….).
Bước 4: Tiến hành xác định và khai thác các ký hiệu thông tin từ Atlat. Lưu ý nên khai thác tối đa những nội dung liên quan được thể hiện trong trang đó gồm nội dung chính và các nội dung phụ là các biểu đồ bảng số liệu, tranh ảnh xung quanh bản đồ.
Bước 5: Thực hiện tổng hợp nội dung khai thác được từ bản đồ, kết hợp kiến thức đã học để trình bày khoa học đúng trọng tâm vào bài thi.
Các dạng câu hỏi Atlat trong cấu trúc bài thi
Theo cô giáo Dương Thị Ngọc Sương – Tổ trưởng chuyên môn Địa lý Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh), câu hỏi Atlat trong cấu trúc bài thi có 2 dạng: Câu hỏi đơn giản và Câu hỏi phức tạp
Câu hỏi đơn giản: Dạng câu hỏi này rất dễ giúp thí sinh có thể ăn điểm. Ví dụ: Hãy kể tên các vườn quốc gia nước ta; kể tên các trung tâm công nghiệp quy mô lớn,…
Câu hỏi phức tạp: Dạng bài này đòi hỏi sự kết hợp các kiến thức đã học và kết hợp nhiều trang Atlat hoặc phải khai thác tối đa các biểu đồ, bản đồ có trong trang Atlat đó. Ví dụ: Hãy nêu và giải thích sự phân bố các thảm thực vật nước ta.
Điều đặc biệt lưu ý khi đọc Atlat là các em phải đọc theo một một trật tự để tránh bỏ sót các đối tượng theo yêu cầu của đề thi.