fbpx
Home Featured Không nên lấy điểm bình quân lớp 12 tính vào điểm tốt nghiệp THPT để tránh sự ‘cả nể’

Không nên lấy điểm bình quân lớp 12 tính vào điểm tốt nghiệp THPT để tránh sự ‘cả nể’

0
Không nên lấy điểm bình quân lớp 12 tính vào điểm tốt nghiệp THPT để tránh sự ‘cả nể’

Không nên tính điểm bình quân lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2019, theo đó sẽ có một số thay đổi đáng kể mà thí sinh và giáo viên cần nắm bắt.

Cụ thể, Bộ dự kiến sẽ tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, không nên tính cả điểm bình quân lớp 12 để xét điểm tốt nghiệp THPT cho học sinh.

“Việc xét điểm công nhận tốt nghiệp THPT không phải là câu chuyện kĩ thuật, mà đây là qui chế. Năm 2018, Bộ quy định tỉ lệ điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 50% là điểm bình quân lớp 12 cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Năm 2019, con số này giảm xuống còn 30%. Theo tôi, Bộ nên tách biệt hẳn ra, điểm trung bình lớp 12 (cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích nếu có) chỉ nên làm cơ sở để cho thí sinh đủ điều kiện thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp.

Trong quá trình dạy và học ở trên lớp cũng không loại trừ khả năng phát sinh những tình cảm riêng (chứ chưa nói đến việc tiêu cực vẫn có thể xảy ra) để học sinh có cơ hội ‘làm đẹp học bạ’ của mình.

Về nguyên tắc, khi đánh giá quá trình một cách thực chất thì kết quả kiểm tra, đánh giá sẽ chỉ có sự chênh lệch nhỏ. Còn một khi đánh giá quá trình không khách quan, xảy ra chênh lệch điểm thi quá lớn thì người khác càng có quyền nghi ngờ”, vị hiệu trưởng phân tích.

Ngoài ra, ông Bình cũng nhấn mạnh rằng, việc sắp tới Bộ yêu cầu không được điều giảng viên đại học địa phương tham gia phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia tại địa phương mình là đúng đắn, yêu cầu đối với thí sinh tự do khi đi thi cần có quy định chặt chẽ hơn. Điều này chúng ta đã nhìn ra từ lâu nhưng có lẽ cần phải làm sớm hơn từ những năm trước.

Quy rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, bộ phận

“Việc áp dụng phương thức đánh phách điện tử, lắp đặt camera giám sát 24/24h tại khu vực chấm thi cũng là điều cần thiết. Chúng ta đang ở thời đại 4.0 nên việc này cũng là đương nhiên.

Tuy nhiên, tất cả những cái đó vẫn phải do con người điều khiển. Những cá nhân khi được giao trách nhiệm cần phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và rõ chế tài. Nếu xảy ra sai sót, vi phạm ở khâu nào là phải có người cụ thể để quy trách nhiệm rõ ràng chứ không thể chung chung được”, ông Bình nói.

Theo phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24h. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.

Theo đó, mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm.

Đây là một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do sở GD&ĐT chủ trì.

Comments

comments