fbpx
Home Tin tuyển sinh Không công bố đề minh họa: Hoang mang mức độ phân hóa và tỷ lệ kiến thức lớp 11?

Không công bố đề minh họa: Hoang mang mức độ phân hóa và tỷ lệ kiến thức lớp 11?

0
Nhiều giáo viên cho rằng, việc không công bố đề thi minh họa có cả được và mất. Tuy nhiên, cái “mất” lớn nhất là giáo viên không biết nội dung kiến thức lớp 11 chiếm bao nhiêu phần trăm để lên kế hoạch hướng dẫn học sinh ôn tập phù hợp, hiệu quả.

Ngày 3/10 vừa qua, học sinh lớp 12 và giáo viên bất ngờ trước thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết sẽ không công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia 2018, thay vào đó là hướng dẫn ôn tập và học sinh có thể tham khảo đề thi năm 2017.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), việc công bố đề thi minh họa không cần thiết vì phương thức thi 2018 đã được công bố sớm và không có thay đổi gì lớn so với năm 2017.

Khó khăn nhất của thí sinh ở kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là có chương trình lớp 11.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) quan điểm, nếu đặt lên bàn để cân giữa việc không công bố và công bố đề thi minh họa thì việc công bố chắn chắn có lợi hơn nhiều.

Thầy Tùng phân tích: “Năm 2017, điểm thi cao là do thí sinh đã nắm rất rõ cấu trúc, mức độ của đề thi thông qua 3 đề minh họa. Thông qua đề minh họa, thầy và trò được định hướng rõ ràng nên rất thuận tiện trong việc học và ôn thi, không phải dò tìm trong khi quỹ thời gian ít và thi trắc nghiệm nội dung rất rộng và bao quát”.

Đáng nói, đối với kỳ thi năm 2018 sắp tới, Bộ GD&ĐT đã thông tin rằng, Bộ sẽ nâng cao độ phân hóa của đề thi so với năm 2017 song không công bố đề minh họa sẽ khiến học sinh hoang mang, không rõ đề sẽ phân hóa đến mức nào. Căn cứ chuẩn nhất để bám vào là sách giáo khoa, trong khi đó sách giáo khoa được viết cho việc học và làm bài theo hướng tự luận.

Giáo viên này nhấn mạnh, khó khăn nhất của thí sinh ở kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là có chương trình lớp 11.

“Điều này chưa có trong mùa thi 2017 nên thí sinh không tham khảo được gì. Ở môn Toán của chúng tôi, chương trình lớp 11 rất nặng (thậm chí nặng hơn lớp 12), nếu phải học và ôn thi tất cả các nội dung thì quá sức với học sinh”, thầy Trần Mạnh Tùng lo ngại.

Nhiều giáo viên lo ngại, việc Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa sẽ khiến thầy cô và học sinh gặp nhiều khó khăn trong ôn tập. Bởi lẽ, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 có sự thay đổi về mức độ phân hóa đề thi và sự xuất hiện nội dung kiến thức lớp 11.

Thầy giáo Nguyễn Khánh Vân (giáo viên môn Sử – Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội) cũng cho rằng, việc không công bố đề thi minh họa sẽ gây nhiều khó khăn cho học sinh và giáo viên.

“Đây là năm thứ 2 thi theo hình thức này song nội dung kiến thức thi lại trải dài từ lớp 11 đến lớp 12 sẽ tạo ra nhiều bỡ ngỡ đối với học sinh, giáo viên… Như Bộ đã thông báo từ trước, tất cả đều đang trông chờ vào đề minh họa để xem mức độ phần trăm kiến thức và hình thức kết nối với nội dung của lớp 11 như thế nào.

Nên chăng Bộ nên công bố đề minh hoạ để minh hoạ để chúng tôi và các em học sinh chủ động hơn trong việc dạy và học”, thầy Vân chia sẻ.

Nên công bố ma trận đề

Tuy nhiên, nhiều giáo viên cũng cho rằng, việc không công bố đề thi không hẳn không tốt.

“Thứ nhất, theo Bộ GD&ĐT, đề thi sẽ tương tự năm 2017 nên các thí sinh không gặp khó khăn trong việc tìm nguồn đề và thông tin để học và ôn thi. Năm 2017 chúng ta có 3 đề minh họa và ít nhất 4 đề thì thật của Bộ, cùng với đề thi thử của rất nhiều trường và trung tâm trong cả nước.

Thứ hai, không công bố đề minh họa sẽ tránh được việc chạy đua theo những câu khó có trong đề minh họa. Tôi nhớ, đề minh họa năm 2017 có câu lãi suất lạ và khó, thế là giáo viên, học sinh lao vào làm… quần quật, làm khó hơn rất nhiều trong khi nội dung rất xa rời thực tế và sách giáo khoa.

Thứ ba, việc làm này của Bộ GD&ĐT giúp cho thầy và trò không học lệch, không thiên vị phần kiến thức nào hơn, đảm bảo mục đích học toàn diện”, thầy Trần Mạnh Tùng nhận định.

Cũng theo thầy Tùng, xung quanh vấn đề công bố đề minh họa, Bộ GD&ĐT đã “không nhất quán trong cách làm”. Ban đầu thì nói sẽ công bố đề thi minh họa sớm nhất có thể, sau đó lại xác nhận sẽ không công bố vì “không cần thiết”.

“Sự thay đổi nhiều mặt của giáo dục những năm gần đây gây rất nhiều khó khăn, căng thẳng cho thầy và trò, gây lo lắng cho gia đình và xã hội. Làm giáo dục rất cần độ tĩnh, cần một chiến lược dài hạn và dường như cái này ta đang thiếu”, thầy Trần Mạnh Tùng nhấn mạnh thêm.

Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Văn học (Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định) quan điểm: “Với tôi việc không công bố đề minh họa cũng có điểm tốt của nó. Bởi lẽ, thông thường 1 đề minh họa không thể bao quát hết các nội dung các dạng đề khác nhau vì thế đôi khi giáo viên và học sinh áp dụng máy móc đề minh họa trong dạy và ôn tập chỉ tập trung vào dạng đề tương tự trong khi đề minh họa bởi thói quen thi gì học đấy. Trong khi đề thi thật có khoảng cách rất lớn.

Vả lại giáo viên nên tìm tòi để ra đề minh họa phù hợp với đối tượng học sinh của mình thì sẽ hiệu quả hơn chứ không phải lúc nào cũng trông chờ vào đề minh họa của Bộ GD&ĐT”.

Đề xuất của thầy Trịnh Quỳnh là Bộ nên đưa ra ma trận đề, phân bố mức độ yêu cầu cho các câu hỏi chứ không nên ra đề minh họa cụ thể.

Về phía học sinh, thông tin Bộ GD&ĐT chốt phương án không công bố đề thi minh họa đang khiến nhiều học sinh lớp 12 thực sự sốt ruột, lo lắng. Bởi lẽ, dù định dạng đề thi năm 2018 giống với năm 2017, nhưng cấu trúc của đề thi năm tới lại không hoàn toàn giống như trước cụ thể là mức độ phân hóa và sự xuất hiện nội dung kiến thức lớp 11 trong đề.

Theo em theo dõi thì Bộ GD&ĐT đã thông tin từ khi kết thúc mùa thi cũ là đề thi THPT Quốc gia 2018 sẽ phân hóa cao hơn, hoàn chỉnh mặt kỹ thuật để phân loại học sinh tốt hơn kỳ thi 2017 nhằm phục vụ xét tuyển ĐH,CĐ. Nếu thực sự đề thi khó hơn, mức độ phân loại thay đổi thì sẽ khó ở mức độ nào, kết cấu ra sao? Học sinh chúng em không thể nhìn vào đề năm ngoái tham khảo mà biết được những thay đổi này”, em Hoàng Anh (Học sinh lớp 12 trường THPT Việt Đức, Hà Nội) băn khoăn.

Theo Dantri

 

Comments

comments