Không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển thì sẽ ít hồ sơ ảo, dễ bảo đảm nguồn tuyển sinh và chất lượng tuyển cho tất cả các trường, tuy nhiên lại hạn chế quyền lợi của thí sinh.
Đó là ý kiến của PGS.TS Lê Trọng Thắng – trường ĐH Mỏ Địa chất khi trao đổi với PV Dân trí về giải pháp cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Phương án thi thay đổi đột ngột khiến học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn
Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về phương án thi mới mà Thủ tướng vừa đồng ý cho Bộ GD&ĐT triển khai trong năm 2020?
PGS.TS Lê Trọng Thắng: Vừa qua, Thủ tướng chính phủ đồng ý cho Bộ GD&ĐT triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT do địa phương đảm nhận, tổ chức theo đề thi chung chỉ để xét tốt nghiệp.
Việc tuyển sinh đại học được giao cho các cơ sở giáo dục tự tổ chức. Có thể nói, nếu điều kiện cho phép thì tổ chức thi THPT quốc gia theo kế hoạch đã định là phương án tốt nhất hiện nay.
Tuy nhiên, trong điều kiện diễn biến đại dịch Covid -19 khó lường, nên việc thay đổi phương án thi THPT và tuyển sinh đại học để phù hợp với điều kiện thực tế cũng là điều cần thiết.
Việc giao cho địa phương tổ chức thi để xét tốt nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt khi thời gian còn lại của năm học không nhiều và có thể còn phụ thuộc vào diễn biến cũng như sự khó xác định được thời điểm kết thúc của đại dịch.
Nhưng theo phương án thi này cũng gây nên những lo ngại về tính khách quan và khả năng phát sinh tiêu cực. Những hạn chế này sẽ được giảm bớt khi Bộ GD&ĐT tăng cường công tác giám sát và thanh tra trong quá trình tổ chức thi, chấm thi và xét tốt nghiệp.
Công tác tuyển sinh đại học được giao cho các trường đã tăng cường khả năng tự chủ của các cơ sở đào tạo. Mỗi trường đều phải đưa ra phương án tuyển sinh của mình với các hình thức khác nhau như tự tổ chức thi tuyển, sử dụng kết quả thi tuyển của các trường khác và tuyển sinh theo xét học bạ.
Nếu tất cả các trường đều tổ chức thi hoặc nhiều trường tổ chức thi tuyển sinh thì tình hình sẽ càng phức tạp, làm tăng thêm khó khăn và tốn kém cho thí sinh cũng như cơ sở giáo dục đại học; gây quá tải cho các đô thị, nhất là trong điều kiện vẫn còn dịch bệnh; thời gian tổ chức thi của các trường bố trí không hợp lý cũng là thách thức lớn cho cả thí sinh và nhà trường…
Phương án thi THPT và tuyển sinh đại học dự kiến được thực hiện năm nay thực ra cũng đã được một số ý kiến đề xuất từ những năm trước đây.
Tuy nhiên, với thời gian còn lại của năm học không nhiều và sự thay đổi khá đột ngột phương án tuyển sinh cũng sẽ gây nhiều khó khăn và bất ngờ cho việc chuẩn bị của thí sinh.
Sau khi thi tốt nghiệp THPT tại địa phương, thí sinh có thể phải tham dự thêm một hoặc nhiều kỳ thi đại học, gây nhiều căng thẳng và tốn kém cho gia đình và xã hội.
Trong “cuộc chơi” của các trường thì thí sinh sẽ có nhiều cơ hội
Mặc dù là phương án thi mới nhưng có ý kiến cho rằng, phương án này quay lại thời kỳ tuyển sinh của 20 năm về trước. Với kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, theo ông “thị trường” tuyển sinh của các trường năm 2020 sẽ như thế nào? Các trường sẽ cạnh tranh ra sao để có thí sinh?
Phương án thi mới nhưng nó lại quay lại thời kỳ tuyển sinh của 20 năm trước. Tuy vậy, vẫn có điểm khác trong quy chế tuyển sinh. Trước đây, thí sinh có thể đăng ký thi vào một vài trường nếu điều kiện thi cho phép và không được thay đổi nguyện vọng ngành.
Cách tuyển này sẽ ít hồ sơ ảo, dễ bảo đảm nguồn tuyển sinh và chất lượng tuyển cho tất cả các trường, tuy nhiên lại hạn chế quyền lợi của thí sinh.
Nếu quy chế tuyển sinh năm 2020 vẫn không giới hạn nguyện vọng đăng ký thi của thí sinh, vì các trường có nhiều phương thức tuyển và nhiều nguyện vọng ngành, nên cơ hội của thí sinh sẽ nhiều hơn.
Cách tuyển này thuận lợi sẽ nghiêng về các trường tốp trên và khó khăn cho các trường tốp dưới, đặc biệt đối với một số trường ngoài công lập, chất lượng tuyển của nhóm trường này sẽ rất hạn chế, lượng hồ sơ ảo sẽ rất lớn.
Thí sinh sẽ được hưởng lợi gì từ “cuộc chơi” của các trường?
Trong “cuộc chơi” của các trường thì thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn để đạt được nguyện vọng ngành học và trường mình mong muốn. Ngoài ra thí sinh cũng có thể được hưởng một số chế độ đãi ngộ theo mức độ tiếp thị của từng trường.
Theo ông, liệu cách tuyển sinh năm nay có nảy sinh lại tình trạng tiêu cực như lò luyện thi, trường ra đề dễ, khó…?
Theo quy luật, có cung ắt sẽ có cầu. Một số điểm luyện thi có thể xuất hiện nhưng chưa có điều kiện để bùng phát thành phong trào như trước đây.
Việc bảo đảm uy tín của nhà trường cũng như sự giám sát của Bộ sẽ hạn chế tình trạng ra đề quá dễ để lôi kéo thí sinh. Một số trường đòi hỏi chất lượng vẫn sẽ ra đề có mức độ khó nhất định, nhưng cũng sẽ không có tình trạng đánh đố thí sinh.
Nên tăng cường liên kết theo nhóm trường để tuyển sinh
Với kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm qua, theo ông có giải pháp nào để gỡ khó cho các trường đại học? Gỡ khó giúp cho thí sinh đỡ vất vả hơn không?
Để gỡ khó cho các trường đại học và giúp cho thí sinh đỡ vất vả hơn, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Nên tăng cường liên kết theo nhóm trường phù hợp với yêu cầu tuyển sinh để hình thành các Hội đồng thi. Những hội đồng thi này tổ chức theo đề thi riêng để phù hợp với yêu cầu đào tạo.
Công tác thi tuyển sinh cần được thống nhất theo lịch chung của cả nước, hạn chế việc tổ chức quá nhiều đợt thi và tổ chức thi riêng lẻ. Bộ cần ban hành quy chế thi và tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thống nhất lịch thi trong cả nước.
Những trường không tổ chức tuyển sinh, có phương án tuyển sinh theo nhiều hình thức, hoặc tuyển chưa đủ chỉ tiêu có thể sử dụng kết quả thi tuyển sinh của các hội đồng thi trong cả nước hoặc kết quả đánh giá năng lực của một số trường, đặc biệt là áp dụng giải pháp xét tuyển theo học bạ.
Do đặc thù của năm học chịu ảnh hưởng của đại dịch, để bảo đảm lựa chọn được đối tượng có năng lực thật sự thì cần đưa ra phương thức xét kết quả học tập trong các năm học bậc THPT. Điều quann trọng là phải xây dựng tiêu chí phù hợp.
Cho phép các cơ sở đào tạo tuyển sinh trong cả hai học kỳ hoặc thậm chí trong cả năm học nếu chưa đủ chỉ tiêu. Bộ chỉ cần quản lý chỉ tiêu tuyển của trường được giao. Với hình thức tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ hiện nay sẽ cho phép tổ chức đào tạo một cách linh hoạt.
Việc sử dụng kết quả thi của nhiều hội đồng tổ chức theo các đề thi riêng cần được Hội đồng chuyên môn đánh giá để chuyển đổi về mức chuẩn chung, tương tự như chuyển đổi tín chỉ. Điều quan trọng là công tác tuyển sinh nói chung cũng như việc chuyển đổi kết quả thi nói riêng phải được tiến hành công khai, minh bạch.
Thực tế công tác tuyển sinh chỉ là bước đầu bảo đảm cho chất lượng đầu vào. Qúa trình đào tạo, đặc biệt là năm thứ nhất và thứ hai trong các trường đại học còn là bộ lọc để loại bỏ những sinh viên không bảo đảm chất lượng.
Vấn đề quan trọng là cần nâng cao công tác quản lý và tổ chức đào tạo trong các trường đại học, không để lọt những sinh viên có học lực yếu kém tốt nghiệp.
Theo Dantri