fbpx
Home Học đường Khó tin với thành tích ‘dài dằng dặc’ của tân cử nhân ĐH Ngoại Thương

Khó tin với thành tích ‘dài dằng dặc’ của tân cử nhân ĐH Ngoại Thương

0

“Mình vừa đóng vai trò là nhà sáng lập, điều hành, vừa là nhân viên phụ bếp, nhân viên làm vườn, giao hàng…”, đó là một trong số nhiều kỉ niệm mà Minh Phương có sau nhiều cuộc thi lớn.

Trần Hậu Minh Phương (sinh năm 1995, Bình Thuận) là tân cử nhân ngành Kinh tế đối ngoại – đại học Ngoại Thương. Nhìn bảng thành tích siêu khủng cùng hàng loạt giải thưởng ở các cuộc thi lớn, nhiều người chỉ biết trầm trồ và thốt lên: Quá xuất sắc!

Từng dành toàn bộ tâm huyết cho cùng lúc 3 cuộc thi và rớt cả 3

Phương chia sẻ, cô là người thích khám phá, tò mò về mọi thứ, có tinh thần cạnh tranh, chiến đấu cao nên rất mong muốn được thử sức trên những sân chơi ở phạm vi trường, thành phố cho đến quốc gia và quốc tế. Chương trình học trên trường vẫn còn lý thuyết và nhàm chán trong khi các bài toàn kinh doanh từ các cuộc thi thì thực tiễn và đầy sáng tạo, mới mẻ nên Phương tin rằng, vừa học vừa thi là một sự kết hợp tuyệt vời.

Cơ hội đến với Phương là kết quả của nhiều đêm tìm kiếm, nhiều năm theo dõi những anh chị tài năng và sự chọn lọc sao cho phù hợp với nhu cầu, khả năng của chính mình. Những cuộc thi mà cô tham gia đều liên quan đến những lĩnh vực kinh tế như phân tích dữ liệu, marketing, bán hàng, quản lý dự án, sáng tạo các ý tưởng kinh doanh phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau và nhiều khía cạnh thực tiễn khác của doanh nghiệp.

Cô gái trẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đặt bút đăng kí tham gia những cuộc thi. Phương khiêm tốn chia sẻ, kiến thức lý thuyết và thực tiễn của cô còn hạn chế nên trong mỗi cuộc thi đều phải nỗ lực tự học, tự tìm tòi nhiều. Hoặc việc cân bằng timeline của cuộc thi với việc học trên trường và các hoạt động ngoại khóa khác, tìm được đúng đồng đội phù hợp cho các cuộc thi theo nhóm và duy trì tinh thần chiến đấu cho cả đội cũng là một thử thách mà Phương phải vượt qua.

Mỗi cuộc thi đều mang đến một trải nghiệm khác biệt và đặc biệt cho bản thân Phương. Ở từng cuộc thi, cô lại học thêm những điều mới mẻ về những kỹ năng mềm như lãnh đạo, quản trị thời gian, phân tích dữ liệu, tư duy phản xạ, giao tiếp đàm phán, trình bày ý tưởng cũng như các kiến thức cứng của marketing, tài chính, sales, kế hoạch phân phối sản phẩm. Và chính những điều này đã giúp Phương cứng cáp và trưởng thành hơn rất nhiều, đồng thời khiến cho cô “nghiện” cảm giác được chinh phục, được chiến thắng bản thân và các thử thách mà cuộc thi, cuộc sống đem đến.

“Cũng có những cuộc thi mình tham gia và không đạt giải gì. Mình đã thi từ khi mới non nớt bước chân vào đại học, lúc này chưa có kinh nghiệm và kiến thức. Tuy nhiên mình không bao giờ coi là thất bại vì những cuộc thi đó chính là viên gạch lót đường, những bài học đầu tiên dẫn mình đến chiến thắng của các cuộc thi sau.

Lần cay đắng nhất phải nói là dành toàn bộ tâm huyết sức lực cho cùng lúc 3 cuộc thi và rớt cả 3. Quả là rất đau vì mình nghĩ đã “cho” nhiều như vậy nhưng không nhận được gì. Nhưng sau lần đó, mình rút ra bài học là không nên quá tham lam với mọi việc vì năng lượng, sự tập trung và các nguồn lực của mình đều giới hạn. Việc dàn trải một lúc quá nhiều cuộc thi, quá nhiều hoạt động ngoại khóa thì sẽ chỉ mang đến sự “mất sức” cho bản thân mà thôi.

Vừa là nhà sáng lập, điều hành vừa là nhân viên phụ bếp, làm vườn, giao hàng

Khi được hỏi về những cuộc thi đáng nhớ nhất, Phương hào hứng chia sẻ: “Lần thi Ý tưởng kinh doanh vì cộng đồng, mình đã chiến thắng với dự án kinh doanh phần ăn chay với thành phần chính từ rau mầm do các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trồng để tăng thu nhập và tiết kiệm thời gian so với những việc mà các em vẫn làm.

Trong dự án, mình vừa đóng vai trò là nhà sáng lập, điều hành, vừa là nhân viên phụ bếp, nhân viên làm vườn, giao hàng… trải qua không sót các bước để đưa phần ăn đến tận tay khách hàng.

Vừa lao động trí óc vừa lao động tay chân đã cho mình nhiều bài học và cảm hứng để hình thành những ý tưởng khởi nghiệp cho bản thân, cũng như được rèn luyện tốt hơn về thông minh cảm xúc cũng như những kỹ năng thiết yếu khác”.

Bên cạnh đó, Phương cũng ấn tượng với quá trình tham gia cuộc thi Nielsen Case Competition. Cô và cả nhóm phải giải những bài toán mà các doanh nghiệp dành vài tháng hoặc vài năm để tháo gỡ trong vòng 24 giờ, không chỉ một vòng mà nhiều vòng liên tiếp.

Đó thực sự là những đếm thức trắng và làm bài không ngừng nghỉ để hoàn thành được những đáp án, những giải pháp chỉnh chu, hợp lý và thuyết phục. Và đương nhiên những nỗ lực đó đã được đền đáp bằng việc đoạt giải cao nhất. Dù thắng với giải thưởng rất cao nhưng nhóm vẫn luôn đùa nhau rằng sẽ không bù đắp nổi những tổn thất về nhan sắc và chất xám mà nhóm đã dành ra.

Với cuộc thi Hult Prize, Phương nhớ đến vòng chung kết tại Dubai khi cả nhóm cùng qua một đất nước hoàn toàn mới lạ và gặp gỡ những bạn đến từ những quốc gia khác. Đó cũng là lần đầu cô cảm nhận được niềm tự hào thanh niên Việt Nam, dù nhỏ bé và nhỏ tuổi nhất nhưng đã thể hiện không hề thua kém những bạn, những anh chị thạc sỹ từ những trường đại học nổi tiếng tại các đất nước cực kỳ phát triển như đại học Tokyo của Nhật Bản, đại học Quốc gia Singapore, đại học Cambrige ở Anh, trường kinh doanh London…

“Để có thể tham gia được nhiều cuộc thi, hoạt động ngoại khóa, mình sắp xếp thời gian bằng cách đánh đổi một vài điều mình thích như là thích ngủ, thích du lịch, gặp gỡ bạn bè. Không phải là triệt để đến mức cực đoan nhưng là sự cân đối, thêm bớt để thời gian biểu của mình vừa có nhiều thời gian cho việc học, việc thi, vừa làm cuộc sống không bị tẻ nhạt và luôn có thời gian cho bản thân.

Nói theo một cách khoa học hơn đó chính là sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của mình cho từng thời điểm và thắt chặt kỷ luật bản thân để tuân thủ những kế hoạch, thời gian biểu đã đề ra.

Ví dụ vào những vòng thi quan trọng, mình sẽ tập trung 100% cho cuộc thi đó và tạm hoãn những kế hoạch khác, còn khi đã hết thi và về nhà với ba mẹ thì mình sẽ dành trọn thời gian ở bên ba mẹ, ăn vặt những nơi mình thích và hẹn gặp bạn bè”, Phương bật mí bí quyết.

Theo Vietnammoi

Comments

comments