“Khi nào dịch bệnh kết thúc và học sinh trở lại học bình thường, lúc này căn cứ vào tình hình học tập của học sinh, thời gian thực học, điều kiện đảm bảo tốt… Bộ mới nên chốt thời gian thi THPT quốc gia thì hợp lý hơn”.
Những ngày qua có nhiều ý kiến về việc nên xét hay thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020 trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Lớp 12 giới thiệu bài viết của nhà giáo Nguyễn Văn Lực, giáo viên tại Khánh Hòa, về vấn đề này.
Dưới đây là bài viết của anh Nguyễn Văn Lực.
Trước các luồng ý kiến khác nhau, ngày 17/3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết “Trong điều kiện hiện nay, kỳ thi THPT quốc gia vẫn sẽ được giữ ổn định như năm 2019. Kết quả kỳ thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương và làm cơ sở tuyển sinh đại học, tuyển vào trường nghề”.
Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia sẽ vẫn được diễn ra “bình thường” theo kế hoạch của Bộ. Với khung điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học (lần hai) của Bộ, kết thúc năm học vào ngày 15/7 và thi THPT quốc gia vào ngày 8-11/8.
Tuy nhiên, cá nhân tôi là một giáo viên dạy Lịch sử, xin được chia sẻ ý kiến về vấn đề này như sau:
Về mặt lịch sử, năm học 2019-2020 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đang diễn biết hết sức phức tạp hiện nay và cũng chưa nói trước được khi nào dịch bệnh kết thúc. Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học là phù hợp với tình hình dịch bệnh, giành quyền chủ động trong chiến dịch chống dich bệnh là cần thiết.
Nhưng theo tôi, khi nào dịch bệnh kết thúc và học sinh trở lại học bình thường, lúc này căn cứ vào tình hình học tập của học sinh, thời gian thực học, điều kiện đảm bảo tốt… Bộ mới nên chốt thời gian thi THPT quốc gia (nếu tổ chức thi như quan điểm của Bộ) thì hợp lý hơn. Làm như vậy để tránh phải điều chỉnh nhiều lần khung thời gian năm học gây tâm lý lo lắng, bất ổn cho học sinh, phụ huynh.
Tuy nhiên, nếu trường hợp dịch bệnh kéo dài, học sinh nghỉ học đến hết tháng tư hoặc sang tháng năm thì liệu có thể tổ chức thi được hay không là điều Bộ phải tính đến?
Về mặt kiến thức, không nhất thiết học sinh khối lớp 12 phải hoàn thành chương trình mới được thi hoặc xét tốt nghiệp THPT. Bởi vì cần căn cứ vào tình hình thực tế (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh…) – tình trạng đất nước có dịch “chống dịch như chống giặc” – để Chính phủ quyết định thi hay xét, có giảm bớt môn thi hay không.
Nếu xét tốt nghiệp THPT, chỉ cần dựa vào năm học kỳ học sinh khối lớp 12 đã hoàn thành để xét là tương đối đảm bảo được chuẩn kiến thức, kỹ năng cần thiết để học sinh vào học cao đẳng hay đại học rồi.
Còn nếu thi thì cũng dựa vào kiến thức học sinh lớp 12 thực tế đã học để Bộ thiết lập đề thi có giới hạn (giảm tải) sao cho phù với với học sinh là được. Thậm chí, có thể hoãn chương trình của học kỳ II cũng như việc thi cử sang năm học sau tùy vào tình hình của dịch bệnh. Việc này giống như thời kỳ đất nước có chiến tranh, học sinh sinh viên phải tạm gác bút nghiên lên đường chiến đấu chống quân thù. “Hòa bình” lập lại mới tiếp tục việc học hành, thi cử cũng phải chấp nhận.
Về xã hội, để tạo được sự đồng thuận của người dân trong tình hình dịch bệnh, hiện nay, Bộ GD-ĐT nên lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân để quyết định việc thi hay xét, phương thức, số môn thi… nhằm tạo tâm lý an tâm, an toàn cho mọi người là việc cần nên làm bởi điều này liên quan đến quyền lợi của hàng triệu hoc sinh trong cả nước.
Với những phân tích trên, mong được sự chia sẻ của thầy cô giáo, nhất là phụ huynh, học sinh… nhằm tìm ra giải pháp hợp lý, khả thi nhất trước những lo lắng của xã hội về việc nên thi hay xét tốt nghiệp THPT như hiện nay.
Nguyễn Văn Lực (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)