Khi lên Hà Nội nhập học, điều mà rất nhiều em tân sinh viên quan tâm là làm sao để mình không bị lừa khi đi tìm thuê nhà trọ ở bên ngoài trường học? Khi ở trong kí túc xá của trường sẽ có những thuận lợi ra sao so với thuê trọ bên ngoài.
Quan trọng nhất là đảm bảo an ninh, giá cả hợp lý
Trao đổi về điều này với chúng tôi, TS. Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, nếu ở trọ trong kí túc xá (KTX) của trường vẫn lợi hơn ở ngoài. Tuy nhiên, nếu các em không đăng ký ở trong KTX mà phải thuê trọ bên ngoài thì cũng có một số lưu ý quan trọng.
“Phải đảm bảo thông tin về địa chỉ của các em sinh viên thuê trọ gồm tên ngõ, tổ dân phố nào, phố gì, chủ nhà trọ là ai, số điện thoại (hoặc số CMND) của chủ nhà… Nhà trường sẽ phối hợp với chính quyền và Công an cấp phường sở tại để nắm bắt thông tin nếu có vấn đề gì sẽ xử lý luôn, đảm bảo sự an toàn cho sinh viên của mình.
Đôi khi các em tìm hiểu trên mạng thấy nơi này nơi kia quảng cáo phòng trọ đẹp giá rẻ, điều kiện an ninh tốt nhưng sự thật lúc tới nơi lại không hoàn toàn như vậy. Khi đi tìm nhà trọ các em cần phải tìm hiểu kĩ về điều kiện an ninh, giá cả điện nước, giá phòng ra sao.
Nếu quyết định thuê thì nhất thiết phải có bản cam kết hoặc hợp đồng để ít nhiều mang tính ràng buộc giữa các em với chủ nhà trọ, tránh tiền mất tật mang”, TS. Ngọc chia sẻ.
Chung quan điểm trên, ông Bùi Tất Hiếu – Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cũng nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết của phòng trọ khi tân sinh viên thuê là phải đảm bảo an ninh, an toàn và giá cả hợp lý.
Ông Hiếu phân tích: “Vào đầu năm học, nhà trường luôn giành một số lượng phòng trọ trong KTX của trường cho khoảng 400 em tân sinh viên. Tuy nhiên, số này đa số phục vụ ưu tiên cho các em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Còn lại đa số các em sẽ lựa chọn phương án thuê trọ ngoài nhà trường.
Đối với các em thuê trọ ngoài, chúng tôi luôn khuyến cáo tới các em và người nhà là chọn thuê nhà trọ ở khu vực nào thì nên tham khảo ý kiến từ nhà trường. Chúng tôi luôn có BCH Đoàn Thanh niên nhà trường, sinh viên tình nguyện – những người đã từng trải qua thời gian đầu như các em để trực tiếp tư vấn cho tân sinh viên làm sao chọn nhà trọ có đủ các điều kiện về an ninh, giá cả hợp lý và quan trọng là không bị lừa đảo.
Tân sinh viên nên đi cùng người nhà khi tìm phòng trọ
Theo em Nguyễn Thị Thanh Xuân – Sinh viên năm thứ 2 Học viện Báo chí & Tuyên truyền, vấn đề tìm nhà trọ là vấn đề đầu tiên mà tân sinh viên quan tâm khi đỗ đại học.
Xuân khuyên, khi đi tìm nhà trọ thì các em tân sinh viên nên nhờ các anh chị khoá trên, người quen từng học tập xa nhà tư vấn. Khi đi tìm nhà trọ thì nên đi với người nhà như bố mẹ, anh chị hoặc bạn bè. Các em cần tìm hiểu kỹ về giá cả, địa điểm sao cho phù hợp với kinh tế gia đình cũng như là hợp lý nhất để học tập. Cần phải hỏi kỹ về giá phòng, phí sinh hoạt, cần làm hợp đồng để tránh tiền mất tật mang.
Khi thuê dài hạn có phải đặt cọc tiền nhà hay trả đủ theo kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần? Nếu trường hợp chuyển đi chỗ khác trong thời gian đó thì có được hoàn lại tiền đặt cọc hay không? Giá tiền phòng, điện nước có cam kết giữ ổn định hay mỗi tháng tính một nấc tiền khác nhau thì không hề ổn…
“Ngoài ra, các em có thể truy cập vào những trang tình nguyện của trường, hay hội đồng hương để nhờ giúp đỡ. Bản thân mình năm ngoái cũng đã phải đi tìm nhà trọ. Từ lúc biết đỗ đại học đã khá lo lắng về việc này vì nhà ở xa Hà Nội lại không có người quen nhiều.
Mình có theo dõi trên mạng xã hội và biết đến một địa chỉ cho thuê trọ với giá 1 triệu đồng/ tháng nên lúc ấy rất mừng. Mình đã đóng trước 500.000 để giữ phòng. Tuy nhiên khi xuống nhập học thì phòng lại không như nhìn thấy qua ảnh trên mạng. Khu ở không an toàn, điều kiện thì không đảm bảo. Sau đó, rất may mắn mình đã được một chị khoá trước trong trường giúp đỡ và cho ở cùng đến bây giờ”, Tâm cho hay.
Chị Nguyễn Thị Huệ – một nhân viên văn phòng đang công tác tại Hà Nội cho biết, khi đi tìm thì phải tới tận nơi để xem. Nếu phù hợp với mình mà giá cả phải chăng thì hỏi ngày có thể chuyển đến. Sau đó, các em nên xin số điện thoại của chủ trọ để liên lạc cho chủ động.
“Để biết thêm thông tin chỗ trọ ra sao thì có thể hỏi một hai phòng xung quanh xem có vấn đề gì nổi cộm như an ninh có tốt không, giờ giấc ra vào thế nào, bạn bè đến chơi có bị hạn chế không… Tóm lại các em hỏi càng cụ thể các tình huống với chủ trọ thì càng tốt để có hướng ứng xử sau này,” chị Huệ chia sẻ.