Sở GD-ĐT TPHCM vừa có báo cáo việc rà soát công tác tổ chức, thực hiện kỳ thiTHPT quốc gia năm 2018. Kết quả rà soát không phát hiện sai phạm liên quan đến kỳ thi.
Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay tại thành phố đã được thực hiện với tinh thần trung thực, nghiêm túc.
Quy trình thực hiện các khâu của kỳ thi đúng quy chế, và cho đến thời điểm hiện tại thì không phát hiện có trường hợp nào sai phạm xảy ra. Việc phúc khảo bài thi, xét tốt nghiệp THPT cũng đã được thực hiện đúng theo quy định.
Kỳ thi năm nay, toàn địa bàn thành phố có 124 điểm thi, với 78.332 thí sinh thi tại 3.294 phòng thi. Tổng số cán bộ coi thi tham gia vào 124 điểm thi là 9.378 cán bộ, giáo viên, nhân viên, gồm cả 3.648 cán bộ, giảng viên của 7 trường đại học trên địa bàn.
Việc sao in, vận chuyển đề thi đã được thực hiện đúng theo quy chế thi của quốc gia. Sở GD-ĐT TPHCM đã huy động 1.464 nhân sự tham gia chấm thi, ban làm phách 12 người, ban thư ký 21 người và 271 nhân sự tham gia công tác phúc khảo.
Về điểm thi của TPHCM năm nay, điểm trung bình nhiều môn nằm ở nhóm cao nhưng tỷ trọng thí sinh đạt điểm cao từ 9 trở lên lại cực kỳ thấp. Điều này trái hẳn với một số tỉnh bị phát hiện gian lận thi cử như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình – điểm trung bình ở nhóm thấp nhất nước nhưng tỷ trọng điểm cao từ 9 lại trong nhóm cao nhất nước.
TPHCM có trên 78.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, chỉ đứng sau Hà Nội. Thế nhưng, môn Toán chỉ có duy nhất 1 thí sinh đạt điểm 10. Một số môn như Văn, Vật lý, Sinh, Sử… vắng bóng điểm 10.
Theo phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan, Australia), TPHCM có điểm thi trung bình môn Toán cao thứ 2 cả nước, nhưng tỷ trọng điểm từ 9 trở lên đứng thứ 26, sau Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ… Điểm trung bình môn Lý TPHCM nằm ở top 20 các tỉnh thành có điểm cao nhưng tỷ trọng thí sinh đạt từ 9 lại bị đẩy lùi bởi các tỉnh có điểm trung bình nhất như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…
Điểm trung bình môn Văn – môn tự luận, giáo viên các địa phương tự chấm – của TPHCM nằm ở nhóm giữa nhưng điểm tỷ trọng trên 9 nằm ở cuối đáy. Tổng số trên 78.000 bài thi tại TPHCM, chỉ có 5 thí sinh làm bài đạt điểm 9. Trong khi đó, Nghệ An có đến 188 thí sinh đạt điểm từ 9 trở, cao gấp gần 37,6 lần so với TPHCM dù số bài thi môn Văn chỉ hơn 31.500 .
Tỉnh Hậu Giang chỉ với trên 8.800 thí sinh dự thi lại có đến 89 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên, số thí sinh thua TPHCM gần 8,9 lần nhưng số điểm trên 9 cao gấp 17,8 lần; điểm từ 9 môn Văn của TPHCM cũng kém Cao Bằng đến gần 17 lần dù số học sinh dự thi cao gấp gần 16,8 lần. Cao bằng chỉ có 4.496 thí sinh dự thi nhưng có đến 85 bài văn đạt điểm từ 9 trở lên.
Từ những dữ liệu, sơ đồ phổ điểm, GS Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, phân bố điểm ở TPHCM có thể xem là chuẩn nhất. Hơn nữa, theo nhiều ý kiến nhiều chuyên gia, phổ điểm như vậy là hợp lý và phù hợp, phản ánh đúng thực tế đề thi năm nay được xem là cực khó nên rất hiếm để đạt điểm cao như dự báo ngay sau kỳ thi.
Được biết, từ năm 2016, TPHCM đã ra đưa ra đề xuất, TPHCM sẽ tự xét tốt nghiệp THPT. Mới đây, trong báo cáo của TPHCM tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 toàn quốc, TPHCM lại nhắc lại đề xuất cho phép giáo dục thành phố những cơ chế đặc thù. Trong đó, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm với UBND thành phố tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp. Các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Theo Dantri