Chỉ còn 4 tháng nữa, tất cả các thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Đây là khoảng thời gian quan trọng, quyết định đến kết quả thi nên việc lên một kế hoạch học tập thật đầy đủ và chi tiết rất cần thiết.
Những khó khăn
Sẽ có nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết trong bốn tháng cuối cùng này:
Thứ nhất, tâm lý. Bốn tháng là khoảng thời gian không dài, thậm chí là rất ngắn so với cả quãng đường học tập và nỗ lực trước đó của các em học sinh. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn gấp gáp này, nhiều em vẫn chưa cảm nhận được sự khẩn trương và cần thiết trong việc học cũng như ôn tập, vẫn cảm thấy thi cử là chuyện xa xôi. Đây là lý do dẫn tới tâm lý chủ quan, khiến các em rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.
Thứ hai, cách học. Trong bốn tháng cuối cùng, các thí sinh bắt đầu phải lên kế hoạch ôn thi riêng phù hợp với mình thay vì học một cách tràn lan hoặc không có định hướng. Đừng chỉ phụ thuộc vào kiến thức hay những gì thầy cô hướng dẫn, hãy chủ thay đổi phương pháp học chủ động hơn để có thể tích lũy cho mình những kiến thức cần thiết.
Thứ ba, sức khỏe. Trước kỳ thi, các em cần “sạc” đầy “pin năng lượng” cho cơ thể, phải đảm bảo rằng sức khỏe của mình đang nằm ở đỉnh cao phong độ trong thời điểm vào phòng thi. Nếu các em có tư tưởng phải “quyết tử cho mùa thi cử”, hy sinh tất cả kể cả sức khỏe, chỉ học và học mà thôi, thì đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm và có thể khiến bạn hối hận đấy.
Lên kế hoạch ôn thi thế nào?
Trong tháng hai và tháng ba
Trong những ngày này, chương trình học trên lớp vẫn chưa kết thúc, các em học sinh sẽ tiếp tục được truyền giảng nhiều bài học và kiến thức mới. Bởi vậy, nhiệm vụ của các em là dung nạp những kiến thức mới này. Nhiều môn trong kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức theo hình thức thi trắc nghiệm khách quan, nghĩa là các câu hỏi sẽ không bỏ sót một chủ đề nào, cho nên, càng về sau các em học sinh càng không được phép lơ là học tập.
Có thể nhiều bạn bắt đầu hốt hoảng vì nhận ra mình đã bỏ lỡ quá nhiều kiến thức trước đó, muốn thực hiện quá trình học và ôn tập song song. Tuy nhiên, nên nhớ rằng việc vừa ghi nhớ nội dung mới, vừa đào xới lại kiến thức cũ khiến đầu óc bạn rất dễ bị loạn. Tốt nhất, hãy bình tĩnh và ôn một cách từ từ, ôn sau khi đã chắc chắn nắm vững kiến thức mới, tránh rơi vào tình trạng “mất cả chì lẫn chài”.
Trong tháng tư và tháng năm
Chưa thật sự đầy đủ nhưng đây sẽ là khoảng thời gian các thí sinh phải nắm được nền tảng kiến thức cơ bản và bắt đầu bước vào những ngày ôn thi gấp rút.
Đối với các bài học, hãy ôn từ đầu một cách cẩn thận, thực hiện sơ đồ cây với từng bài để bao quát đồng thời củng cố kiến thức. Không học kiểu chỉ nhìn qua, thấy quen quen, nghĩ là đã nhớ, cho rằng ổn rồi bỏ qua. Ôn tập như vậy, đến lúc vào phòng thi chắc chắn sẽ hoang mang vì không nghĩ mình rơi rớt nhiều kiến thức đến vậy.
Bên cạnh đó, luyện đề được xem là phương pháp ôn thi hiệu quả nhất nên tận dụng. Các em hãy tập giải nhiều đề liên tiếp để rút ra được nhiều kinh nghiệm đồng thời bổ sung kiến thức còn hỏng. Nếu băn khoăn chưa biết tìm đề thi ở đâu, hãy mạnh dạn hỏi thầy cô, bạn bè hoặc tìm kiếm trên mạng. Trong lúc làm bài đừng quên canh thời gian và thực hiện nghiêm túc như một kỳ thi thực sự, điều này sẽ giúp các em có tâm lý thi cử ổn định hơn.
Tùy theo học lực mà các em nên biết cách ôn thi khác nhau. Đối với những em đã nắm chắc kiến thức cơ bản, có thể dùng quãng thời gian này để mở rộng thêm các kiến thức liên quan, còn đối các em vẫn còn mông lung, có kiến thức nhưng không rõ ràng thì chỉ nên cố gắng ghi nhớ các kiến thức cơ bản.
Hầu như các học sinh có tâm lý học tập kinh nghiệm ôn thi từ các bạn giỏi hơn hoặc các anh chị đi trước, tuy nhiên điều đó chưa hẳn đúng. Chỉ bản thân các em mới biết mình đang ở đâu và đang cần gì mà thôi, hãy học vì những kiến thức mình cần và bằng cách học mình có, không lười nhác là được.
Trong 21 ngày đầu tháng 6
21 ngày cuối cùng trước khi bước vào kỳ thi chính là giai đoạn nước rút quyết định cho những nỗ lực của bạn từ trước đến nay.
Trong 10 ngày đầu tháng 6, hãy tổng hợp lại toàn bộ kiến thức ở các môn bạn đăng ký dự thi. Nên tự lập cho mình bước khởi đầu và sự kết thúc tức là tự đặt ra cho bản thân rằng sau 10 ngày bạn sẽ làm được những gì, những phần kiến thức nào bạn cần nắm được… Tốt nhất là đảm bảo trong 10 ngày bạn có thể bao quát được hầu hết các nội dung của môn học đó, đặc biệt, chú trọng vào những môn mũi nhọn.
Từ ngày 11/6- 21/6, các em vẫn tiếp tục luyện giải đề, đồng thời hoàn thành nốt những thủ tục thi cần thiết cuối cùng. Giai đoạn này, việc giữ cho mình tâm lý ổn định và sức khỏe tốt là cần thiết. Không ôn thi xuyên đêm hay ngồi lỳ ở bàn học từ ngày này qua ngày khác nhé, hãy dành cho bản thân những khoảng thời gian thư giãn phù hợp.
Những nguyên tắc cần ghi nhớ
Một số nguyên tắc các em học sinh cần ghi nhớ trong quá trình ôn thi chính là:
- Chọn không gian học yên tĩnh
- Không học khi vừa ăn xong
- Ngủ đủ giấc, không thức đêm nhiều, đặc biệt những ngày trước kỳ thi
- Lúc học tập trung cao độ, sau đó giải lao, không học liên tục trong 3-4 tiếng
- Kiên định với những mục tiêu đã đặt ra
(Nguồn: Hoc.VTC.vn)