Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho biết, trong đợt 1 có 363.600 thí sinh trúng tuyển (tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 352.174 thí sinh) và có hơn 242.000 thí sinh xác nhận nhập học. Vậy con số 120.000 thí sinh được xác định là trúng tuyển đã đi đâu?
Tính dư nhưng lại phải tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm nay tuyển sinh 6.915 thí sinh. Với mức điểm chuẩn của trường công bố thì có 7.434 thí sinh trúng tuyển. Nhưng kết thúc đợt 1 trường chỉ có 5.900 em nhập học. Ngay sau đó, nhà trường đã phải công bố tuyển bổ sung hơn 1.000 chỉ tiêu.
Tương tự, dù đã gọi 2.985 thí sinh trúng tuyển cho 2.250 chỉ tiêu để phòng “ảo” nhưng hết ngày 7/8, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng chỉ có 1.961 thí sinh xác định nhập học.
Chờ thêm một ngày nữa, trường cũng chỉ nhận thêm được vài chục hồ sơ chuyển bằng đường bưu điện và tiếp tục tuyển bổ sung thêm 300 chỉ tiêu hệ đại học.
Với mức điểm chuẩn chỉ tương đương bằng điểm sàn (trừ một số ngành cao hơn), Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có 1.600 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có 1.048 thí sinh nhập học. Trường vừa thông báo tuyển bổ sung 625 chỉ tiêu.
Trường ĐH Mở TP.HCM gọi trúng tuyển 3.547 thí sinh cho 3.350 chỉ tiêu và có 2.800 thí sinh xác định nhập học. Trường đã thông báo tuyển bổ sung 600 “suất”.
Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết, trước đây trường dự kiến không tuyển đợt 2 và thông báo để thí sinh biết và quyết định một cách dứt khoát có thể nhập học ngay từ đầu.
Tuy nhiên, tình hình thực tế đã thay đổi. Vì vậy chiều nay ban giám hiệu sẽ họp và quyết định phương án xét tuyển đợt 2.
Thí sinh đã đi đâu?
Theo ông Xê, lý do thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 mà không học là do không nắm rõ nguyên tắc xét tuyển nên xếp thứ tự ưu tiên vào khả năng trúng tuyển của ngành, thay vì dựa vào sự yêu thích của ngành đó. Thí sinh nghĩ đợt 2 sẽ xét tuyển đầy đủ các ngành giống như đợt 1.
Còn ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM phán đoán: “Một số em theo học ở các chương trình quốc tế. Có em do điều kiện sẽ chọn phương án trường địa phương hoặc học cao đẳng để tiết kiệm. Mặt khác, qua khảo sát và nhận thắc mắc từ đường dây nóngcủa trường thì thấy thí sinh không nhập học ở nguyện vọng 1 thường rơi vào việc trúng tuyển ở những ngành ít yêu thích. Vì vậy thí sinh có thể chọn lựa những phương án như trên hoặc chờ đợi nguyện vọng bổ sung”.
Tuy nhiên ông Sơn cũng thẳng thắn: “Con số thí sinh trúng tuyển đi đâu sẽ là áp lực để các trường tự đổi mới nâng cao chất lượng. Phần mềm lọc “ảo” không phân biệt các thứ tự nguyện vọng nên việc dự báo cũng chỉ mang tính chất tham khảo”.
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm kể:
“Một thí sinh gọi điện thắc mắc được 23.5 điểm đăng ký NV1 vào ngành Thú y có điểm chuẩn 23.75 nhưng bị rớt. Vậy có chuyển sang ngành Công nghệ thực phẩm có điểm chuẩn 23 được không? Nguyện vọng 2 của vào trường khác nhưng giờ em không thích ngành đó nên chờ đợt xét tuyển bổ sung”.
Từ những tình huống này, ông Lý đặt cây hỏi “khi “nhân rộng” lên thì có nhiều hay không?”.
Theo ông Lý, không biết tỷ lệ thí sinh đậu đại học bằng nguyện vọng 1 là bao nhiêu %, nhưng về góc độ hướng nghiệp tỷ lệ đậu bằng nguyện vọng 1 càng cao càng tốt. Nếu tỷ lệ thí sinh đậu bằng các nguyện vọng càng xa với nguyện vọng 1 (xa về khoảng cách thứ tự ưu tiên và chênh về sự khác biệt ngành nghề) thì tỷ lệ không xác nhận nhập học sẽ càng tăng.
Ông Lý cho rằng giải pháp cho vấn đề này là điểm chuẩn vào cùng 1 ngành nhưng nếu thứ tự nguyện vọng ưu tiên sau phải cao hơn nguyện vọng ưu tiên trước. Nhưng trường lại không dám trừ nhiều vì sợ vượt chỉ tiêu sẽ bị phạt.
Còn ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết, trường đã gọi cho tất cả các thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không nhập học và hỏi lý do thì được biết các em không nhập học vì những lý do như: Đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ ở trường khác; Không học đại học mà học cao đẳng; Học các chương trình liên kết và đi du học; Không học đại học vì gia đình khó khăn.
Theo Vietnamnet