fbpx
Home Học đường Học trực tuyến trong dịch Covid-19: Nên giảm tải đề thi

Học trực tuyến trong dịch Covid-19: Nên giảm tải đề thi

0
Học trực tuyến trong dịch Covid-19: Nên giảm tải đề thi

Mặc dù đã có nhiều hình thức dạy học cho học sinh như qua truyền hình, dạy trực tuyến (online) trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, song nhiều chuyên gia đánh giá không thể hiệu quả bằng học trực tiếp, vì thế nên giảm dung lượng đề thi.

Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến kiến thức học sinh, nhất là với học sinh cuối cấp, chuẩn bị phải bước vào kỳ thi chuyển cấp như lớp 9, thi tốt nghiệp THPT quốc gia, do đó nên lược bớt dung lượng đề thi.

Tính đến nay, sau hơn 1 tháng nghỉ học phòng tránh dịch bệnh Covid-19, 100% các trường THPT tại TPHCM đã thực hiện hình thức dạy trực tuyến cho học sinh thông qua livestream, các nhóm chát, các ứng dụng học tập. Từ ngày 24/2, Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM tổ chức phát sóng ôn tập trên truyền hình các chủ đề kiến thức cho học sinh lớp 9 và 12.

Ngoài việc phối hợp phát các chuyên đề ôn tập trên truyền hình, ngành giáo dục TPHCM cũng đã yêu cầu các trường, duy trì liên lạc với gia đình, giữa giáo viên và học sinh để ôn tập, củng cố kiến thức và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với địa phương, nhà trường…

Anh Nguyễn Quang Cường (có con năm nay học lớp 12 một trường THPT ở quận 10) cho biết, sau khoảng 1 tuần học sinh nghỉ học vì dịch bệnh, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cũng đã liên lạc phụ huynh để động viên theo dõi con học tập online do nhà trường tổ chức. “Kể từ đó, con tôi hầu như không hở cái điện thoại và máy tính, tôi cũng theo dõi con hằng ngày. Hiệu quả không biết được bao nhiêu nhưng việc sử dụng điện thoại, internet nhiều cũng khiến vợ chồng lo, dù biết trong tình cảnh hiện nay, không còn cách học nào thay thế”, anh Cường nói.   

Nên giảm tải chương trình thi

Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM, cho rằng, trong thời điểm này, dạy trực tuyến, là phù hợp, song đây chỉ là hình thức “chữa cháy”, hiệu quả tùy thuộc nhiều yếu tố. “Chất lượng của dạy trực tuyến không chỉ tùy thuộc vào bài giảng của thầy cô mà còn tùy thuộc vào ý thức của học sinh, giám sát của cha mẹ và thậm chí là phần mềm, đường truyền internet có đủ mạnh để đáp ứng… Hằng tuần, trường đều có những bài kiểm tra và đa phần học sinh đều nộp bài đúng hẹn, nhưng rất khó biết được bài đó có thực chất hay không, hay là các em copy của nhau bởi chúng ta không quản lý được”, ông Độ phân tích.

Ông Độ cũng chỉ ra những hạn chế đối với hình thức học trực tuyến, những em ở vùng sâu, vùng xa thôn quê sẽ thiệt thòi hơn thành phố, với kiến thức nâng cao thì rất khó truyền tải do thời gian lên sóng ngắn, thiếu sự trao đổi, thảo luận…

Cũng theo ông Độ, trong chương trình học và đặc biệt là thi THPT quốc gia, chương trình học kỳ 2 lớp 12 là cực kỳ quan trọng. “Học kỳ 1 là khởi động, học kỳ 2 là tăng tốc để về đích thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, tâm lý thầy cô xưa nay thường phần nào khó thì qua học kỳ 2 sẽ đẩy mạnh dạy cho các em, nhưng năm nay thì xem như vừa khởi động xong là nhảy qua về đích luôn nên thầy và trò sẽ gặp nhiều áp lực”, ông Độ nói. Ông kiến nghị, để phù hợp với thực tế, trong đề thi, Bộ GD&ĐT nên lược bỏ bớt một số nội dung của học kỳ 2 đồng thời công bố đề thi mẫu để giáo viên bám sát vào đó ôn tập cho học sinh.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo phòng Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM nói rằng, trong tình hình dịch như hiện nay, học trực tuyến là tốt nhất, nhưng sau khi đi học lại, các em vẫn phải làm bài kiểm tra để đánh giá kiến thức. “Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì học trực tuyến còn nhiều hạn chế, hiệu quả còn tùy thuộc vào trường, thầy cô, giám sát của phụ huynh và đặc biệt là ý thức của học sinh”, vị lãnh đạo này nói.

Theo vị lãnh đạo này, đối với các lớp cuối cấp như lớp 5, lớp 9, Sở đang lên nhiều phương án dự phòng để xét, thi với lớp 6 và lớp 10 tùy vào tình hình dịch, song học và thi là hai vấn đề khác nhau và học trực tuyến cũng là một trong những hình thức học hiện nay.

Theo Tienphong

Comments

comments