fbpx
Home Tin tuyển sinh Học sinh lớp 12: thi học kì tập dượt nhưng kết quả là thật

Học sinh lớp 12: thi học kì tập dượt nhưng kết quả là thật

0

Sở GD&ĐT các tỉnh thành, các trường THPT buộc phải tìm cách để học sinh làm quen với những môn lần đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm. Trong khi kết quả học tập lớp 12 sẽ chiếm 50% điểm xét tốt nghiệp THPT của thí sinh thì học sinh phải thi học kỳ với một bài thi mang tính chất làm quen. Liệu với một bài thi “thử nghiệm” như vậy có đảm bảo đạt kết quả cao? 

Học sinh lớp 12 lo sót vó khi bị lấy thi học kì làm chuột bạch thí nghiệm

Nhà trường và học sinh lo “sốt vó”

Kể từ thời điểm Bộ GD&ĐT chốt phương án thi THPT quốc gia tới thời gian học sinh lớp 12 thi học kỳ là gần 3 tháng. Như vậy, các trường THPT có 3 tháng chuẩn bị, cho học sinh làm quen với hình thức thi trắc nghiệm. Vì thế, bài thi học kỳ I vào tháng 12 là “con chuột bạch” hữu hiệu nhất.

Theo đó, Sở GD&ĐT nhiều tỉnh thành đã chỉ đạo, hỗ trợ các trường THPT chuẩn bị tốt nhất cho “kỳ thi tập dượt”. Sở GD&ĐT cùng với giáo viên các trường THPT tự chịu trách nhiệm tất cả các khâu từ biên soạn câu hỏi, làm ngân hàng đề thi, làm đáp án, chấm thi…

Phải khẳng định trong khoảng 3 tháng, các sở, các trường phải đảm nhận một khối lượng công việc quá lớn. Đó là chưa kể, không phải trường nào, giáo viên nào cũng đáp ứng được các điều kiện về đề thi trắc nghiệm, tổ chức kỳ thi…

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), dù đã được Sở GD&ĐT Hà Nội tập huấn công tác xây dựng đề thi nhưng giáo viên vẫn gặp nhiều bỡ ngỡ khi ra đề những môn lần đầu tiên thi trắc nghiệm.

Tương tự, thầy Trần Văn Hà, giáo viên Toán Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) chia sẻ: “Để xây dựng được đề thi trắc nghiệm vô cùng vất vả. Do số câu hỏi của đề thi trắc nghiệm nhiều gấp hàng chục lần so với đề thi tự luận nên rất khó quản lý mức độ từng câu và toàn bộ đề thi. Bên cạnh đó, một đề trắc nghiệm đòi hỏi 4 mức độ đánh giá là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao, nên để đề thi phù hợp với trình độ của tất cả học sinh là rất khó, trong khi đó, thời gian không có nhiều cho cả giáo viên và học sinh thực nghiệm”.

Ngay tại trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT nhà trường cho biết, giáo viên nhà trường vẫn đang lúng túng và gặp nhiều khó khăn ở khâu ra đề thi.

Bài thi tập dượt nhưng kết quả là thật

Thời gian chuẩn bị gấp rút, giáo viên ra đề gặp khó nhưng tất cả các trường đều coi đây là bài thi tập dượt, hết sức quan trọng trước khi học sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia chính thức.

Điều đáng nói, bài thi được coi là tập dượt nhưng điểm số của nó sẽ là một phần trong tổng năm học lớp 12 và được tính vào 50% điểm xét tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ. Vậy với những gì nhà trường và thí sinh “trải nghiệm” qua bài thi học kỳ I tập dượt kia có thật chính xác và công bằng?

Thời điểm này, học sinh lớp 12 đều chuẩn bị trải qua bài thi tập dượt này. Những gì mong đợi, những trải nghiệm và cả điểm số của học sinh phụ thuộc lớn vào sự chuẩn bị của các trường cho “bài thi tập dượt” này.

Nếu trường nào chuẩn bị đề thi tốt, ngân hàng câu hỏi dồi dào, chất lượng thì chắc chắn học sinh được lợi và có thể đạt điểm số cao. Nếu trường nào chuẩn bị không tốt, câu hỏi trắc nghiệm không đạt chuẩn, ngân hàng đề thi nghèo nàn thì nhiều khả năng học sinh sẽ trở thành những “con chuột bạch” vô ích. Các em không có được những trải nghiệm cần thiết, chưa kể là điểm kiểm tra có thể không cao, tâm lý hoang mang và xa hơn là ảnh hưởng tới 50% điểm xét tốt nghiệp THPT.

Theo Hoc.vtc

Comments

comments