TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng cần có nhiều phương án cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Một trong hai kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 của Bộ GD&ĐT là không thể diễn ra như mọi năm, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài.
TS Lê Viết Khuyến thông tin trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT cần có nhiều phương án đối với kỳ thi THPT quốc gia. Học sinh cũng không nên có tâm lý buông việc học, ngồi chờ khi nào bỏ thi.
Kỳ thi THPT quốc gia nên được giữ, nếu có thể. Còn trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ, thí sinh không thể đến điểm thi, mới nên thay thế bằng phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.
Giao phiếu bài tập, hướng tới học theo nhóm nhỏ
Thực tế tại các địa phương, việc dạy và học đang được tiếp tục triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp thực tiễn. Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, cho hay trước khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội, học sinh THPT đã học tập trung được 4 tuần.
Theo rà soát chương trình, khối lượng kiến thức phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần. Nếu học sinh trở lại lớp từ tháng 5, nhà trường còn nhiều thời gian để dạy học, ôn thi. Tuy nhiên, sau 15/6, học sinh chưa quay lại trường, việc tổ chức thi THPT quốc gia rất khó khăn.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, thông tin địa phương này cần 8-9 tuần để hoàn thành chương trình giáo dục. Thời gian qua, thầy cô đã dạy học trên Internet và truyền hình, tuy nhiên chỉ dừng lại ở ôn tập.
Trong tháng 4, nếu học sinh đi học trở lại, các trường sẽ không cần cần dạy bài mới từ xa. Nếu các em vẫn nghỉ học đến tháng 5, sở GD&ĐT sẽ dạy bài mới qua hình thức này.
Với những khu vực khó khăn, học sinh không có điều kiện học qua Internet, địa phương tính toán tổ chức cho các em học tập trung theo từng nhóm 5-7 người tại trường học hay nhà văn hóa xã. Việc học được thực hiện với các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Đại diện Sở GD&ĐT Bắc Cạn thông tin học sinh ở tỉnh này đã đi học 5 tuần trước khi nghỉ. Theo chương trình chưa tinh giản, học kỳ 2 lớp 12 có 18 tuần, cần dạy thêm 13 tuần. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã tinh giản chương trình, khối lượng và thời lượng kiến thức cần học được rút ngắn.
Tại Hà Giang, sau Tết Nguyên đán, học sinh đã đến trường được 3 tuần. Với chương trình đã tinh giản, học sinh lớp 12 cần 6-8 tuần để hoàn thành chương trình.
Sở GD&ĐT Hà Giang tính toán nếu ngày 10/5 học sinh đến lớp trở lại, chỉ cần dạy bài mới tại trường là đủ hoàn thành chương trình, đảm bảo công bằng cho học sinh.
Hiện nay, tỉnh chưa áp dụng dạy bài mới qua mạng Internet cho các em, bởi đặc thù vùng núi nhiều khu vực khó khăn, học sinh khó tiếp cận. Giáo viên đang duy trì việc ôn tập bài cũ cho học trò bằng cách giao phiếu bài tập.
Tránh làm xáo trộn tâm lý học trò
Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn, đồng tình với ý kiến của ngành giáo dục, nên sử dụng mốc 15/6 để quyết định tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia hay bỏ thi.
Theo ông Quyên, thời gian qua, dù phải nghỉ học ở trường vì phòng chống dịch, học sinh lớp 12 vẫn rất ý thức trong việc học để tháng 8 tới sẽ dự thi. Vì vậy, mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò.
TS Lê Viết Khuyến phân tích một số nước bỏ kỳ thi THPT quốc gia, giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt. Ở nước ta, bệnh thành tích nặng, để địa phương tự quyết định, sợ không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực.
Trước đó, thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), thông tin thời gian tới học sinh vẫn chưa trở lại trường, Bộ GD&ĐT có thể tiếp tục lùi thời gian tổ chức thi một cách linh hoạt, chấp nhận khóa học sinh lớp 12 này sẽ thi muộn, vào đại học muộn.
Năm học tới, các trường đại học sẽ dùng học kỳ hè để bù đắp cho khoảng thời gian thiếu hụt do nhập học muộn.
“Tôi nghĩ vẫn nên ưu tiên việc lùi thời gian thi THPT quốc gia”, ông Quang nói.
Theo Zing