Ngành quan hệ quốc tế luôn thu hút được đông đảo sinh viên theo học hàng năm bởi cơ hội nghề nghiệp rộng mở mà nó mang tới.
Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, không có quốc gia nào có thể tồn tại độc lập mà luôn có mối quan hệ gắn bó, phụ thuộc với các quốc gia khác. Do đó việc thiết lập và duy trì quan hệ với các quốc gia khác là vô cùng cần kíp. Cũng chính vì lẽ đó mà ngành quan hệ quốc tế đang trở thành ngành hot, thu hút được lượng hồ sơ đăng kí đông đảo đặc biệt là những học sinh giỏi tiếng Anh.
1. Môn học chuyên ngành
Khi theo học ngành quan hệ quốc tế, sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức nền tảng, những kĩ năng chuyên môn về quan hệ quốc tế cũng như hình thành được tư duy tổng quan về quốc tế, được định hướng để trở thành công dân toàn cầu.
Một số môn học chuyên ngành có thể kể đến như: Quan hệ kinh tế quốc tế, Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế, Lý luận Quan hệ quốc tế, Ngoại ngữ cơ sở chuyên ngành, Luật kinh tế quốc tế, Chính sách đối ngoại Việt Nam, Kinh tế đối ngoại Việt Nam, Đàm phán quốc tế, Chính trị quốc hiện đại, Ngoại ngữ chuyên ngành, Những vấn đề toàn cầu, Xung đột quốc tế, Địa chính trị – địa chiến lược, An ninh châu Á – Thái Bình Dương…
2. Cơ hội việc làm
Cử nhân Quan hệ quốc tế hoặc Quốc tế học có thể làm việc trong các cơ quan ngoại giao, từ Bộ Ngoại giao đến các đại sứ quán hoặc các văn phòng lãnh sự hoặc các đại diện thương mại của VN ở nước ngoài. Làm việc tại các đại sứ quán hoặc văn phòng lãnh sự nước ngoài tại VN.
Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các tổ chức chính trị – xã hội, các công ty, tập đoàn đa quốc gia; các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước: Liên hợp quốc, UNESCO, Live and Learn, plan… Bên cạnh đó, còn có thể làm các công việc liên quan đến công tác đối ngoại, truyền thông quốc tế, marketing và quảng cáo…
Với vai trò là một chuyên viên quan hệ quốc tế, nhiệm vụ cơ bản chính là giới thiệu hình ảnh của đơn vị ra với thế giới, với các trường, viện nghiên cứu và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; thiết lập, củng cố mối quan hệ, hợp tác quốc tế; đàm phán, xây dựng, bảo vệ để có những dự án quốc tế…
Có thể nói cơ hội nghề nghiệp trong ngành quan hệ quốc tế là rất rộng mở. Tuy nhiên sinh viên ngoài việc nắm vững kiến thức chuyên ngành cần phải hoàn thiện các kĩ năng mềm, thành thạo ngoại ngữ và có thái độ học tập và làm việc nghiêm túc. Khi xác định được nghề nghiệp mình mong muốn và có khả năng làm việc thì sẽ có nhiều cách để chúng ta có một công việc như ý.
3. Các cơ sở đào tạo
Học sinh có thể quyết định theo học tại các trường uy tín trên cả nước như: Học viện Ngoại giao; Học viện Khoa học Quân sự (Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng); Học viện Báo chí – Tuyên truyền; Học viện Quan hệ Quốc tế; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG – TP.HCM; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng; Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (Quan hệ Quốc tế và Tiếng Anh).