fbpx
Home Tin tuyển sinh Học phí nhóm ngành Du lịch – Khách sạn các đại học

Học phí nhóm ngành Du lịch – Khách sạn các đại học

0
Học phí nhóm ngành Du lịch – Khách sạn các đại học
Nhiều đại học công lập đào tạo ngành du lịch, khách sạn với học phí dưới 20 triệu đồng mỗi năm; ở một số trường tư trên 30 triệu đồng.

Từ ngày 22 đến 31/7, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học sau khi đã xem xét điểm thi, phổ điểm và mức điểm nhận hồ sơ của các trường. Ngoài điểm chuẩn hàng năm, học phí là tiêu chí quan trọng để lựa chọn.

Dưới đây là học phí các ngành, chuyên ngành nhóm Du lịch – Khách sạn của một số đại học công lập và tư thục để phụ huynh, học sinh tham khảo.

1. Đại học Kinh tế quốc dân

Đại học Kinh tế quốc dân có hai ngành về du lịch và khách sạn gồm Quản trị khách sạn; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Năm 2019, chỉ tiêu của hai ngành lần lượt là 60 và 120.

Học phí hai ngành hệ chính quy chương trình đại trà năm học 2019-2020 cho khóa 61 (tuyển sinh năm 2019) từ 15,5 đến 19 triệu đồng. Điểm chuẩn năm 2018 của ngành Quản trị khách sạn là 23,15 và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là 22,75.

2. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Hai ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn tuyển 170 chỉ tiêu năm 2019. Học phí tương đương với chương trình đào tạo chất lượng cao theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội, tức 1,06 triệu đồng mỗi tháng, cao hơn chương trình đào tạo chuẩn của các ngành khác 170.000 đồng.

Năm ngoái, hai ngành này lấy điểm chuẩn từ 17 đến 26,5 tùy tổ hợp xét tuyển. Trong đó, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tổ hợp C00 có điểm chuẩn cao nhất.

3. Đại học Thương mại

Ngành Quản trị khách sạn và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Đại học Thương mại cùng có đầu vào 21 điểm trong năm 2018. Chỉ tiêu hai ngành này năm nay đều là 200.

Học phí năm học 2019-2020 là 15,750 triệu đồng. Nhà trường thông báo mức tăng học phí từng năm không quá 5% so với năm học trước liền kề.

4. Đại học Hà Nội

Trường tuyển sinh ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (dạy bằng tiếng Anh) với 100 chỉ tiêu, năm ngoái lấy 29,68 điểm (tiếng Anh hệ số 2). Ngoài ra còn tuyển 60 chỉ tiêu ngành Quản trị du lịch và lữ hành do Đại học IMC Krems (Áo) cấp bằng, xét tuyển học bạ.

Học phí đối với sinh viên hệ chính quy năm 2019 với các môn học cơ sở ngành, chuyên ngành, thực tập và khóa luận là 650.000 đồng một tín chỉ, các môn còn lại là 480.000 đồng một tín chỉ. Học phí chương trình do Đại học IMC Krems (Áo) cấp bằng chưa được thông báo trong đề án tuyển sinh.

5. Đại học Công nghiệp Hà Nội

Ngành Du lịch của trường năm nay tuyển 140 chỉ tiêu, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là 180 và Quản trị khách sạn 120. Điểm trúng tuyển vào trường của ba ngành này năm ngoái lần lượt là 20; 18,5 và 19.

Học phí bình quân cho các chương trình đào tạo chính quy đại trà của trường năm học 2018-2019 là 16 triệu đồng. Học phí năm nay sẽ tăng không quá 10% so với mức đó.

6. Đại học Văn hóa Hà Nội

Trường có các ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (110 chỉ tiêu), Du lịch – chuyên ngành Lữ hành, Hướng dẫn du lịch (100), Du lịch – chuyên ngành Hướng dẫn du lịch quốc tế (100). Điểm chuẩn các ngành này năm ngoái từ 20,5 đến 25,5 tùy từng ngành và tổ hợp đăng ký xét tuyển.

Trường áp dụng học phí theo nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021, học phí đối với sinh viên đại học chính quy là 206.000 đồng một tín chỉ.

7. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM)

Trường có ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (Du lịch) với điểm chuẩn năm ngoái là 22,9 với hai tổ hợp Văn – Toán – Anh và Văn – Sử – Anh; 24,9 điểm với tổ hợp Văn – Sử – Địa. Chỉ tiêu ba ngành là 185, trong đó 60 chỉ tiêu chương trình chất lượng cao và 35 chỉ tiêu cho phân hiệu ở Bến Tre.

Học phí dự kiến với sinh viên hệ chính quy trung bình 8 triệu đồng/năm.

8. Đại học Tài chính – Marketing

Năm nay chỉ tiêu ngành Quản trị khách sạn chất lượng cao là 150, chương trình đặc thù là 180, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành chương trình đặc thù 140 và chương trình đặc thù ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống với 180 chỉ tiêu. Điểm chuẩn các ngành này từ 11 đến 20,2.

Học phí với chương trình chất lượng cao là 36,3 triệu đồng/năm. Chương trình đặc thù ba ngành trên là 22 triệu đồng/năm.

9. Đại học Tôn Đức Thắng

Năm nay, trường tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị Nhà hàng – Khách sạn) với tổng chỉ tiêu là 110. Điểm chuẩn chương trình đại trà năm ngoái lấy 23,5 điểm. Ngoài ra, trường còn tuyển chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh – Việt, 100% tiếng Anh, chương trình học hai năm đầu tại Bảo Lộc và Nha Trang với điểm đầu vào thấp hơn, năm ngoái là 18,25 đến 19,25 điểm.

Một ngành khác là Việt Nam học cũng có chuyên ngành liên quan đến Du lịch – Khách sạn. Đó là chuyên ngành Du lịch và Quản lý du lịch, tuyển cả chương trình đại trà (130 chỉ tiêu), chất lương cao giảng dạy bằng tiếng Anh – Việt và học hai năm đầu ở Bảo Lộc.

Học phí chương trình chuẩn năm học 2019-2020 là 18,5 triệu đồng. Chương trình chất lượng cao với ngành Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch và Quản lý du lịch) trong năm đầu là 32,670 triệu đồng. Ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị Nhà hàng Khách sạn) là 40,590 triệu đồng. Học phí chuyên ngành Quản trị nhà hàng khách sạn 100% tiếng Anh là 52,740 triệu đồng.

10. Đại học Văn hóa TP HCM

Trường có ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với hai chuyên ngành là Quản trị lữ hành (56 chỉ tiêu) và Hướng dẫn du lịch (84 chỉ tiêu). Điểm trúng tuyển năm ngoái là 19,5.

Học phí của trường theo nghị định của Chính phủ, dự kiến năm học 2019-2020 từ 8,9 triệu đồng. Trường thu học phí theo tín chỉ đối với từng khóa học và ngành học.

Một số trường công lập khác cũng tuyển sinh ngành liên quan. Với các trường tư thục, Đại học Thăng Long (Hà Nội) tuyển 300 chỉ tiêu ngành Quản trị dịch vụ du lịch – Lữ hành, học phí 24 triệu đồng/năm, tăng 5% theo từng năm. Năm ngoái ngành này lấy 17,75 điểm. 

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng tuyển 300 chỉ tiêu cho ngành trên, điểm chuẩn năm ngoái là 16,5, học phí là 1,2 triệu đồng/tháng. Trường lưu ý có thể tăng học phí theo tỷ lệ trượt giá.

Đại học Phương Đông (Hà Nội) tuyển sinh ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và Việt Nam học (Chuyên ngành Hướng dẫn du lịch) với tổng chỉ tiêu 60. Điểm trúng tuyển năm ngoái của cả hai ngành là 14. Học phí được nhà trường thu theo tín chỉ sinh viên đăng ký học trong năm học, đơn giá cho một tín chỉ là 320.000 đồng. Học phí dự kiến cho sinh viên chính quy khoảng 15 triệu đồng/năm. Lộ trình tăng học phí không quá 10% cho năm tiếp theo.

Đại học Văn Lang (TP HCM) tuyển sinh ngành Quản trị du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn với điểm chuẩn năm ngoái là 17. Năm nay trường tuyển 150 chỉ tiêu cho hai ngành này, học phí tiêu chuẩn dự kiến từ 30 đến 40 triệu đồng mỗi năm tùy theo từng ngành. Học phí cụ thể được công bố khi vào đầu khóa.

Đại học Nguyễn Tất Thành (TP HCM) tuyển sinh ba ngành gồm Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống với chỉ tiêu lần lượt là 50; 80 và 80. Học phí là 34,550 triệu đồng mỗi năm, học trong 3 năm, điểm chuẩn năm ngoái là 16.

Một số trường tư thục khác cũng có ngành thuộc nhóm Du lịch – Khách sạn, như: Đại học Hoa Sen, Công nghệ TP HCM, Quốc tế Hồng Bàng, Đại Nam.


Comments

comments