Hiện nay, nhiều nhóm ngành, nghề cần nguồn nhân lực lớn mà lao động phổ thông chưa đáp ứng được.
Theo ông Đỗ Văn Giang – Phó vụ trưởng Vụ dạy nghề chính quy, Tổng cục Giáo dục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 2018 sẽ là năm đột phá của chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Tổng cục dạy nghề đã ban hành quy chế tuyển sinh mở, tạo điều kiện tốt cho cả các trường và người học.
Nhiều cơ hội việc làm
Vấn đề được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm nhất hiện nay là những nhóm ngành, nghề nào sẽ có vị trí ổn định trong tương lai.
Giải đáp thắc mắc này, ông Đỗ Văn Giang cho biết nghề hàn, cắt gọt kim loại, cấp thoát nước, nghề điện, dịch vụ chăm sóc gia đình đang là những ngành nghề thiếu nguồn nhân lực, cả trong nước lẫn xuất khẩu lao động.
Đồng thời, các ngành nghề này đều được đào tạo tại trường nghề địa phương. Sau khi kết thúc chương trình, học viên có thể hành nghề tốt ngay tại địa bàn của mình.
Ngoài các ngành kể trên, điều dưỡng cũng đang là ngành có tiềm năng việc làm lớn. Các nước lớn như Nhật Bản và Đức rất cần nguồn nhân lực trong ngành điều dưỡng của Việt Nam. Đây là thị trường việc làm rất lớn cho các sinh viên theo học nghề điều dưỡng hoặc chăm sóc sức khỏe gia đình.
Ông Giang khẳng định cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường rất lớn. Với hơn 500 nghề thuộc hệ cao đẳng và hơn 800 ngành nghề trung cấp, học sinh có thể chọn lựa ngành nghề phù hợp khả năng và sở thích. Điều quan trọng là học viên có trau dồi kỹ năng, đáp ứng được vị trí mà đơn vị tuyển dụng đang yêu cầu hay không.
Đột phá để tồn tại
Từ năm 2018, các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề phải tạo những bước đột phá mới trong công tác đào tạo để thu hút người học, đồng thời giải quyết bài toán tồn tại và sáp nhập nếu hoạt động không hiệu quả.
Giải quyết vấn đề tuyển sinh và hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp cho học viên, Tổng cục Dạy nghề đang áp dụng chương trình thí điểm giáo dục cấp độ quốc tế đối với trường giáo dục nghề.
Theo đó, 12 chương trình giáo dục tiên tiến của Australia đang được đưa vào thí điểm đối với khoảng 40 trường đào tạo nghề trên toàn quốc.
Toàn bộ chương trình dạy, đề thi, phương pháp, công nghệ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn của Australia. Kết thúc khóa học 3 năm, sinh viên sẽ được cấp bằng cao đẳng hoặc cao đẳng nâng cao từ nước này. Đồng thời, người học còn được cấp thêm một bằng Việt Nam sau khi học xong một số môn chung theo quy định.
Ngoài ra, trong năm 2018, hệ thống giáo dục nghề sẽ chuẩn bị triển khai đào tạo 22 nghề quốc tế trọng điểm chuyển giao từ Đức. Sinh viên được đào tạo theo mô hình đào tạo kép, kết hợp giữa nhà trường, nhà tuyển dụng lao động và doanh nghiệp.
Chương trình học chất lượng cao cho hệ cao đẳng nhận được sự đầu tư. Nguồn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ được tổng cục đầu tư lại cho các trường: Giảng viên đều là chuyên gia đầu ngành đến từ Australia, Đức và cơ sở vật chất giảng dạy cũng được mua trực tiếp từ các quốc gia tiên tiến này.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Toán, Phó hiệu trưởng CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ theo định hướng mới của tổng cục, chương trình học phải đẩy mạnh các hoạt động gắn kết doanh nghiệp, xác định mục tiêu đào tạo, đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
“Đây là điểm thuận lợi vì về căn bản, các trường muốn tuyển sinh được thì phải tự khẳng định thương hiệu của mình bằng cách xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế.
Đào tạo những gì doanh nghiệp và xã hội đang cần chứ không phải đào tạo những gì anh đang có. Trong đó, nhà trường cần tạo nên không gian trải nghiệm trong quá trình học cho sinh viên”, ông Toán nói.
Theo Zing