Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 vừa kết thúc, đánh dấu thêm một bước tiến mới trong việc cải cách giáo dục theo hướng tinh giản, tiết kiệm và cải thiện hiệu quả.
Thế nhưng, dường như bất chấp những cải tiến đó, bất chấp những mong mỏi, nỗ lực của các thí sinh trong việc giành một suất vào trường đại học công, không ít ý kiến, quan điểm nêu ra vẫn giữ nguyên kiểu “bỉ bai” quen thuộc: “Thời nào rồi mà còn chăm chăm thi đại học?” Đến hẹn lại lên, kỳ thi tuyển vào đại học luôn là kỳ thi căng thẳng nhất trong năm, đối với “đời học” của các em học sinh.
Vài năm trở lại đây, việc thi đại học trở nên dễ thở hơn, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có những chính sách cải cách thi cử theo hướng tinh giản, tiết kiệm và đảm bảo công bằng, khách quan cho tất cả thí sinh, như: Thi đề chung của Bộ, kết hợp thi tốt nghiệp THPT với thi tuyển vào đại học, làm bài nhiều môn dưới dạng trắc nghiệm thay vì tự luận (như Toán chẳng hạn)…
Tuy nhiên, dù đã được cải tiến nhiều như vậy, kỳ thi đại học (xin phép goi tắt như vậy cho đúng bản chất) vẫn… căng thẳng đối với nhiều gia đình và thí sinh, nên luôn có những vấn đề muôn thuở được đặt ra trước, trong và sau mỗi kỳ thi, như vấn đề áp lực thi cử, học hành.
Điều đáng bàn trong nội dung bài viết này, chính là cách nhìn nhận áp lực đó theo kiểu “bênh vực” con em một cách kỳ lạ, song lại được không ít người tán dương. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, quan điểm tiêu cực này càng dễ lan tràn. Cụ thể, dạo một vòng Facebook trong thời gian này, chúng ta không khó tìm ra những bài đăng nhận được nhiều tán thưởng, thậm chí từ không ít “Facebooker” có tiếng, mang quan điểm… bỉ bai chuyện thi đại học, chê đề thi theo lối này lối kia, rồi bác bỏ hoàn toàn việc học đại học là cần thiết…
Có vẻ như, những giọng điệu này tìm thấy một “niềm tin” cho quan điểm bỉ bai của họ, là điều đó giúp giảm áp lực cho các thí sinh. Nào là có thi đỗ đại học thì việc đi học đó cũng chỉ tốn thời gian… Nào là nên bỏ luôn việc thi đại học, mà làm theo phương Tây, mở cửa tự do vào đại học và siết quản lý đầu ra… Nào là “đầy tấm gương thi trượt đại học mà vẫn thành công”, không cần phải gây áp lực thi cử – học hành với các em làm gì…
Khoan hãy bàn về chất lượng giáo dục tại đại học hiện nay, nếu nói học đại học là tốn thời gian, tại sao nhiều người ở thế hệ trước vẫn để cho con em mình đi thi và… mong đỗ? Nếu bây giờ, hỏi mỗi người từng tốt nghiệp đại học rằng họ học được gì trong 4-5 năm đã qua, sẽ khó ai trả lời cụ thể được. Nhưng họ sẽ không thể phủ nhận, quãng thời gian đó mang tới cho họ kinh nghiệm tìm hiểu lĩnh vực nghề nghiệp mà họ theo đuổi. Đó mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải là tấm bằng tốt nghiệp ra trường. Còn mở cửa tự do vào đại học ư? Thật là câu chuyện viễn tưởng trong hoàn cảnh hiện nay.
Nói một cách khác đi, thi đại học chính là cuộc đua giành suất học… rẻ của các thí sinh. Sở dĩ chúng ta vẫn phải thi căng thẳng, vì suất học công lập chỉ có vậy. Nếu mở cửa tự do, thì đó đã là Việt Nam của những năm bao nhiêu trong tương lai rồi… Hay luận điệu cũ rích thi trượt đại học mà vẫn thành công… Vậy có ai thống kê được số lượng người thành công từ thi đỗ đại họ và thi trượt đại học để so sánh hay không?
Hãy thừa nhận rằng, nếu không đỗ đại học, chẳng ai cấm chúng ta thành công cả. Chỉ có vấn đề là sự nỗ lực, cố gắng của bản thân phải nhiều hơn gấp bội, so với người khác mà thôi. Vì sao ư? Vì trong một cuộc đua sòng phẳng như thi đại học, chúng ta đã thất bại so với những đối thủ khác, thì nay, muốn cạnh tranh với họ trên trường đời, nếu không nỗ lực, cố gắng gấp bội họ, thì lấy đâu ra cơ sở để thành công? Bây giờ đã là năm 2017, vậy nên những người có quan điểm “an ủi”, “chia sẻ” theo kiểu bỉ bai thi đại học cần xem lại cách nhìn của mình. Đừng bao giờ cho rằng tạo áp lực cho con là xấu, là không “thấu cảm” với con.
Áp lực luôn có 2 mặt tốt – xấu. Nếu cuộc sống mà không có áp lực, sẽ lấy đâu ra câu chuyện nỗ lực và cố gắng? Nếu nói về sức ép học hành, thi cử hiện nay, không thể không thừa nhận là nó đã giảm đi rất nhiều so với trước đây, nhờ việc cải tiến hình thức thi và tuyển. Cuộc sống cũng dễ thở hơn, xét trên phương diện lựa chọn cho các em. Bởi một khi thi… trượt đại học, các em có thể chọn lựa nhiều phương án khác, như học trường dân lập, đi du học, học nghề chuyên nghiệp ở cơ sở chất lượng cao…
Chưa kể, kiến thức xã hội được mở rộng hơn, các em học sinh ngày càng được khuyến khích, động viên phát huy sở trường, để “không em nào bị coi là kém cỏi”. Được như vậy, phải thừa nhận là quá dễ thở so với bao nhiêu thế hệ đi trước! Nhưng chính sự dễ thở, bớt áp lực đó mới sinh ra những trường hợp ỉ lại, ham giải trí, chơi bời, thay vì ham học và làm việc tích cực.
Nếu không thay đổi cách tiếp cận giáo dục, sự tiêu cực này có nguy cơ ngày càng lan rộng. Cuộc sống ngày nay cạnh tranh, khó khăn và vất vả hơn xưa nhiều, nếu mỗi em học sinh không được làm quen với áp lực, quen với cách thích nghi và vượt qua nó, thì sẽ rất khó để tồn tại và vươn lên. Những ai từng trải qua kỳ thi đại học với áp lực thực sự, sẽ có tiền đề rất tốt để đối đầu với khó khăn tương lai.
Tóm lại, giờ đã hết thời bỉ bai chuyện thi đại học. Một khi thi trượt, các em học sinh phải hiểu rằng họ đã “thua” các đối thủ khác trong một cuộc đua thực sự, và nếu muốn vươn lên chiến thắng ở chặng sau, các em phải cố gắng và nỗ lực hơn nhiều nữa, để thi lại vào năm kế tiếp, hoặc để học nghề chuyên nghiệp và kiếm được tiền nuôi sống bản thân. Xin đừng tránh áp lực cho con theo lối bỉ bai truyền thống, vì cha mẹ có thể vị tha hết mức với con mình, nhưng cuộc sống thì chưa chắc giàu lòng vị tha đến thế!
Theo An ninh thủ đô