fbpx
Home Tin tuyển sinh Hậu kì thi THPT Quốc Gia – Nên dừng lại hay bước tiếp

Hậu kì thi THPT Quốc Gia – Nên dừng lại hay bước tiếp

0

Đã đến lúc nhìn nhận thực tế một cách chân thực nhất để chọn cho mình một con đường phù hợp. Giờ đây bạn dừng lại hay bước tiếp?

Như vậy là kì thi THPT Quốc Gia năm 2016 đã trải qua được 3/4 chặng đường, từ Chuẩn bị cho kì thi – Tổ chức thi – Công bố kết quả thi và sắp đến là giai đoạn Xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Ngay sau khi biết kết quả thi THPT Quốc Gia của mình, các sĩ tử cũng đã phần nào định hình được những trường phù hợp với kết quả ấy, chọn cho mình những ngành học từ đánh giá phổ điểm các năm về trước để đưa ra những lựa chọn sáng suốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có một kết quả ưng ý, không phải ai cũng có một số điểm như mơ ước để “rung đùi” ngồi lựa hết trường này đến trường khác.

Nếu bạn đang có một kết quả thi không tốt như mong đợi, bạn cảm thấy số điểm ấy chưa phản ánh đúng năng lực của mình hay bạn chợt nhận ra bấy lâu nay mình đã quá “hão huyền” về một tương lai xa vời nào đó. Đã đến lúc nhìn nhận thực tế một cách chân thực nhất để chọn cho mình một con đường phù hợp. Giờ đây bạn dừng lại hay bước tiếp?

Hậu kì thi THPT Quốc Gia – Nên dừng lại hay bước tiếp - Ảnh 1.

Hãy viết tiếp ước mơ của chính bản thân mình

Nếu bạn nhận định điểm số ấy chưa phản ánh đúng năng lực thực tế của bạn, bạn không muốn từ bỏ ước mơ của mình và tin chắc rằng mình có thể làm được nhiều hơn thế, thì hãy nuôi quyết tâm đó chuẩn bị cho kì thi năm sau. Ngay sau khi biết điểm số của mình, ắt hẳn nhiều bạn có thể nhận định được mình có khả năng đỗ vào những trường đại học nào? Và có đủ điểm để đỗ vào trường mình mơ ước bấy lâu hay không? “Học tài thi phận”, đôi lúc những sơ suất “ngớ ngẩn” không đáng có khiến bạn mất oan những điểm số đáng tiếc, vì những nguyên nhân nào đó mà bài làm của bạn không được tốt, không đúng với năng lực của bản thân, thì đó là lúc bạn suy xét thật cẩn thận để chuẩn bị cho đợt xét tuyển sắp tới. Nếu điểm số ấy không đủ vào trường mà bạn mong muốn và bạn quyết tâm đạt được ước muốn ấy, hãy suy xét và bình tĩnh để sẵn sàng cho kì thi năm sau.

Đừng chán nản hay suy sụp khi mình không đỗ vào trường mong muốn, hãy nhớ rằng bạn còn rất nhiều cơ hội nếu như bạn có đủ năng lực và quyết tâm để chinh phục điều đó. Lấy lần “vấp ngã” này làm bài học, rút ra những kinh nghiệm quý báu để khắc phục nó vào kì thi năm sau. Bạn còn hổng kiến thức ở đâu, cách trình bày hay kinh nghiệm thi cử như thế nào? Tất cả đều là những bài học quý giá nếu bạn biết tận dụng nó làm hành trang cho kì thi THPT Quốc Gia 2017.

Đại học không phải là con đường duy nhất

Đại học không phải là con đường duy nhất…nhưng đó là con đường ngắn nhất để đưa bạn đến thành công. Có rất nhiều con đường, con đường nào rồi cũng lắm chông gai mới có thể đưa bạn đến đích cuối cùng. Không phải cứ cho rằng phải học đại học thì mới “làm nên chuyện”, nhưng cũng không phải vì thế mà xem nhẹ chuyện học. Học là chuyện cả đời người, không bao giờ ngừng nghỉ. Điều quan trọng là bạn biết bản thân mình đang đứng đâu, mình mạnh ở điểm gì và đâu là con đường phù hợp nhất của bản thân. Nếu bạn đã cố gắng và nổ lực hết sức, năng lực của bạn không thể “với” tới những ngành học top đầu và quan trọng là bạn đã tìm được cho mình một con đường đi riêng, thì đừng ngần ngại mà theo đuổi con đường đó.

Hậu kì thi THPT Quốc Gia – Nên dừng lại hay bước tiếp - Ảnh 2.

Mọi con đường đều có chung một đích đến, nếu con đường ấy là đúng đắn nó sẽ là con đường dẫn tới thành công. Ta có cùng một điểm xuất phát, ta có thời gian là như nhau…vậy chỉ cần bạn tăng tốc độ thì quãng đường không còn là “trở ngại”. Người ta học đại học để đi trên con đường ngắn nhất, bạn chọn cao đẳng, trung cấp hay học nghề thì lợi thế của bạn lại là thời gian. Đừng nản chí vì mình “rớt” đại học, điều đó chẳng có gì là to tát cả, điều đáng lo lắng là liệu bạn có đủ tỉnh táo và quyết tâm để đi trên một con đường mới hay không? Điều đó mới là điều quan trọng quyết định đến sự thành bại sau này.

Đã đến lúc bạn nhận ra… mình đang đứng ở đâu

Nếu bạn học tốt nhưng vì lí do nào đó mà kết quả không như ý muốn, bạn thi lại vào năm sau. Nếu bạn biết được năng lực mình có hạn và chọn cho mình được hướng đi riêng, hãy quyết tâm để chứng minh cho mọi người thấy đại học không phải là tất cả. Còn điều đáng lo nhất…là những bạn đang không biết mình ở đâu. Không biết mình yêu thích ngành nghề gì? Không biết mình có sở trường ở những điểm nào… và đặc biệt là không biết năng lực mình đang “đứng ở đâu”? Nhiều bạn đặt ra cho mình những ước mơ “cao vút”, tuyên bố thẳng thừng phải vào được các trường top trên, nhưng lời nói lại trái ngược với hành động. Sao nhãng chuyện học, tự cho mình là tài giỏi và “hão huyền” thi đại học dễ như trở bàn tay. Để rồi bây giờ nhận được kết quả thi, nó phản ánh đúng thực lực của bản thân nhưng vẫn “mộng mị” không tin vào điều đó.

Xin thưa, bạn nên xem lại bản thân mình một cách khách quan nhất. Bạn học ở lớp như thế nào, kết quả học tập ra sao, mình đã làm bài thi đúng hết với khả năng hay chưa? Xin bỏ ngay cái hão huyền “không học mà vẫn có điểm cao ấy đi”, đã đến lúc đánh giá xem kết quả ấy có đúng với thực tế năng lực hay không? Tương lai bạn do bạn quyết định cả, đừng vì sự hão huyền ấy mà đánh đổi đi nhiều thứ. Muộn 1 năm không phải là quá dài, nhưng nếu 1 năm ấy bạn vẫn cứ mộng mị như thế thì “xôi hỏng bỏng không” mà thôi. Bố mẹ kì vọng nhiều ở bạn và chính bạn cũng thế, nhưng phải biết mình mạnh ở điểm nào để phát huy điều đó. Một lần vấp ngã là một bài học quý giá, nên lấy đó để biết mình ở đâu và chọn con đường cho chính bạn.

Theo Nguyễn Huy / Trí Thức Trẻ

Comments

comments