Với việc công bố đáp án ngay khi kết thúc môn thi cuối, Bộ Giáo dục vô tình tạo cơ hội cho kẻ gian đổi trắng thay đen trong khâu chấm thi.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đang khiến dư luận mất niềm tin về tính minh bạch, sau bê bối sửa điểm ở Hà Giang, Sơn La. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lập tổ công tác xác minh bất thường về điểm thi, hai tỉnh miền núi phía Bắc được xác định xảy ra sai phạm ở khâu chấm thi.
Thầy giáo Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng, chia sẻ góc nhìn cá nhân về kẽ hở trong quy trình tổ chức thi THPT quốc gia và đề xuất phương án.
Công bố đáp án trước khi chấm thi
Trước kia, khi các môn thi theo hình thức tự luận, Bộ Giáo dục thường công bố đáp án với tiêu chí nhất định. Việc này có thể giúp mọi người hình dung bức tranh toàn cảnh, tránh tranh luận chung chung. Nhìn vào đáp án, người ta sẽ thấy đề khó hay dễ, có tính phân loại hay không, câu nào vượt chương trình, mức độ như thế nào.
Vẫn giữ tâm lý đó, thí sinh năm nay ngóng đợi đáp án 24 mã đề mỗi môn do Bộ công bố, ngay sau khi thi môn cuối cùng Khoa học xã hội sáng 27/7. Đó chỉ là những chữ cái A, B, C, D, giúp học sinh tự chấm điểm. Tuy nhiên, với hình thức thi trắc nghiệm là chủ yếu, việc này rất “ngây thơ” và không có ý nghĩa. Thậm chí, đó là lỗi sơ đẳng khiến kẻ gian lợi dụng.
Thí sinh TP HCM làm thủ tục trước khi bước vào phòng thi ngày 25/6. Ảnh: Quỳnh Trần |
Chính ông Vũ Trọng Lương (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), người trực tiếp nâng điểm cho 114 thí sinh với hơn 330 bài thi, thừa nhận đã sử dụng đáp án được Bộ công bố để sửa bài.
Việc sửa bài thi trắc nghiệm của ông Lương diễn ra rất nhanh, đầu tiên là dùng file excel đáp án của Bộ chèn vào file excel bài làm của thí sinh sau khi quét, sau đó chỉ mất 6 giây cho một trường hợp sửa bài trực tiếp.
Nếu đáp án không được công bố, ông Lương có thể phải nhờ một vài đối tác. Với 24 mã đề thi và tổng cộng 8 môn thi trắc nghiệm, việc tìm hết đáp án không đơn giản. Một số môn khó như Toán, việc tìm ra đáp án nhanh cũng là vấn đề.
Trên thế giới, các kỳ thi chuẩn hóa đề thi và đáp án là bí mật. Chẳng hạn, đề thi SAT ở Mỹ, với mục đích chính là sát hạch ứng viên vào đại học và cao đẳng, không được công bố trong vòng ít nhất 2 tháng.
Việt Nam nên học tập thế giới một cách linh hoạt, tùy điều kiện cụ thể. Chẳng hạn, nếu đa số thí sinh muốn biết đáp án để đối chiếu với điểm thi, Bộ hoàn toàn có thể đăng đáp án sau khi chấm và công bố điểm.
Không giám sát từ xa việc quét ảnh bài thi
Gian lận ở Sơn La xảy ra ở khâu quét bài thi trắc nghiệm (ghi lại trạng thái bài làm, tên thí sinh, số báo danh). Với kiểu sửa bài thi gốc trước khi quét và gửi dữ liệu về Bộ Giáo dục, 5 cán bộ ở Sơn La đã “bắt tay” nhau vì một mục đích nào đó. Bộ không thể chấm thẩm định được vì bài gốc đã bị sửa.
Như vậy, có thể thấy rằng tuy Bộ Giáo dục đề ra quy định rất chặt chẽ từ lúc xé niêm phong túi đựng bài thi đến khi quét ảnh, có sự giám sát, lưu giữ và bảo mật tại Sở Giáo dục, những người thực thi vẫn có thể đổi trắng thay đen.
Để hạn chế kiểu gian lận này, Bộ Giáo dục cần lắp camera tại phòng chấm thi của 63 tỉnh thành, thống nhất các khung giờ nhất định để cùng mở niêm phong và quét bài thi. Tại các khung giờ này, camera luôn hoạt động và Bộ có thể giám sát từ Hà Nội hoặc kiểm tra lại khi cần thiết. Sử dụng kỹ thuật từ xa để kiểm soát mọi điểm chấm thi là điều có thể thực hiện được.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục có thể xem xét rút ngắn thời gian gửi dữ liệu quét bài thi gốc về Bộ đối với một số tỉnh ít thí sinh. Như Hà Nội, TP HCM có tới gần 80.000 thí sinh, việc quét bài thi trắc nghiệm của cả 8 môn mất nhiều thời gian. Nhưng với một số tỉnh như Hà Giang chỉ hơn 5.000 thí sinh, hay Sơn La hơn 10.000, thời gian quét sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Theo quy định năm nay, các tệp dữ liệu quét bài thi gốc được lưu trong đĩa CD1 gửi về Bộ chậm nhất là ngày 4/7, tức 7 ngày kể từ khi thi xong môn cuối cùng vào 27/6. Dữ liệu gốc được bảo quản tại Sở Giáo dục địa phương với thời gian dài có thể tạo kẽ hở cho kẻ gian lợi dụng.