Từ ngày 14 – 17/3, Hà Nội sẽ kiểm tra, khảo sát cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố. Theo khảo sát của PV Dân trí tại một số trường THPT trên địa bàn sáng 26/2, hiện công tác chuẩn bị đã gần hoàn thành, đảm bảo kì thi diễn ra nghiêm túc như thi thật.
Thông báo của Sở GD&ĐT Hà Nội, đây là kì thi được thực hiện như kỳ thi THPT quốc gia. Đề thi khảo sát năm nay theo nội dung chương trình quy định, bám sát cấu trúc, mức độ đề thi của kỳ thi THPT quốc gia. Phạm vi kiến thức kiểm tra khảo sát gồm chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12. Trong đó, chủ yếu ở chương trình lớp 12 theo kế hoạch dạy học tính đến hết ngày 10/3.
Mỗi học sinh dự kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài kiểm tra bắt buộc (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và một bài kiểm tra tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Việc tổ chức khảo sát, công tác in sao đề thi, chấm thi được thực hiện như kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo 7 phòng kiểm tra có một cán bộ giám sát và một phó hiệu trưởng làm tổ trưởng.
Sở GD&ĐT thông tin kết quả khảo sát không bắt buộc phải lấy điểm kiểm tra khảo sát. Tuyệt đối không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ theo quy định. Chậm nhất ngày 31/3, các cụm trưởng trường THPT nộp kết quả kiểm khảo sát về sở.
Theo khảo sát của PV Dân trí tại một số trường THPT trên địa bàn vào sáng 26/2, hiện công tác chuẩn bị đã gần hoàn thành, đảm bảo kì thi diễn ra nghiêm túc theo đúng quy định.
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết, kế hoạch ôn tập cho kì thi THPT quốc gia được triển khai ngay từ đầu năm học. Đặc điểm của nhà trường khác một số trường khác, việc học được triển khai theo các chuyên đề là chính nên không có kế hoạch ôn tập riêng cho kì khảo sát chất lượng THPT vào tháng 3 tới đây.
“Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, các tổ bộ môn đã sử dụng nó như một tài liệu để nghiên cứu, điều chỉnh chương trình hợp lý hơn. Đặc biệt, theo phản hồi của các bộ môn, đề thi minh họa, tỉ lệ kiến thức lớp 11 đưa vào khoảng 20-30%, có nhiều câu hỏi phân hóa cao hơn. Nhưng riêng về kế hoạch ôn luyện, nhà trường đã có kế hoạch tổng thể cho cả năm ngay từ đầu chứ không phải chạy theo khảo sát”.
Hiệu trưởng Nhâm thông tin thêm, để chuẩn bị tốt cho kì thi THPT quốc gia sắp tới, nhà trường cũng tổ chức ôn tập, phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu vào các buổi ngoài giờ.
Tại Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), hiện vẫn chưa có kế hoạch ôn tập cho học sinh yếu.
Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường, sau khi có kết quả khảo sát lớp 12 đầu tháng 3 tới đây, nhà trường sẽ phân loại học sinh để có kế hoạch ôn tập riêng cho đối tượng học sinh yếu vào khoảng tháng 4 tới. Tuy nhiên theo bà Nhiếp, do đầu vào của trường khá cao nên đối tượng này không nhiều.
Điều khó khăn nhất là do quá nhiều tổ hợp thi nên việc ôn tập khó đáp ứng hết được nguyện vọng của học sinh: “Một trường có đến trên 60 tổ hợp thì rất khó đáp ứng được hết. Mặc dù vậy, nhà trường vẫn cố gắng triển khai ôn tập ở các lớp sao cho phù hợp nhất. Đồng thời, triển khai kế hoạch chuẩn bị “thi thử” chu đáo.
Đến ngày 28/2 tới, nhà trường họp các trưởng ban phụ huynh để nhắc nhở về kế hoạch thi, coi như mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Chúng tôi phải thông báo với phụ huynh bởi chẳng hạn có buổi con thi KHTN thì nghỉ buổi thi KHXH. Phụ huynh phải biết điều này để quản lý bởi như năm ngoái, đã có trường hợp, học sinh đi thi không chuẩn ngày giờ nên bị trượt”, bà Nhiếp cho biết.
Ông Phạm Vương Tấn, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) cũng chia sẻ, công tác ôn tập chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia được triển khai ngay từ đầu năm học. Do đó, khi có kế hoạch khảo sát giống như thi thật, nhà trường không mấy bỡ ngỡ.
“Việc “thi thử” giống thi thật năm trước đã được Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai nên các cụm trường đã có kinh nghiệm. Việc ôn tập cho học sinh yếu vẫn chưa thực hiện do nhà trường đang vừa ôn thi, vừa học nên chưa có kế hoạch ôn tập miễn phí cho học sinh yếu kém”, ông Tấn cho hay.
Cũng theo Hiệu trưởng Tấn, qua đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố, các tổ chuyên môn có nhận xét, các câu hỏi có độ phân hóa cao hơn, đề thi khó hơn năm ngoái. Đặc biệt, đề thi có cả kiến thức lớp 11 nhưng việc ôn tập không có khó khăn do ngay từ đầu năm, nhà trường đã nhận được lưu ý của Bộ GD&ĐT về sự thay đổi này.
“Hiện nhà trường đã chuẩn bị đã gần như đầy đủ, chỉ chờ chỉ đạo của Ban chỉ đạo cụm trường Ba Đình để “áp” vào nữa là xong”, ông Tấn cho biết.
Theo Dantri