Sáng nay (13/8), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THTPT năm 2020 của Hà Nam.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam, Trưởng Ban Chấm thi tốt nghiệp THPT 2020 cho biết, đơn vị này vừa tổ chức khai mạc Ban chấm thi tự luận sáng 13/8. Cùng ngày, việc chấm trắc nghiệm cũng tiến hành.
Năm nay, Ban chấm thi tự luận của Hà Nam gồm 104 người. Trong đó, có sự giám sát của công an tỉnh, thanh Bộ, thanh tra sở và cơ quan Y tế.
Sau khi rà soát các tiêu chuẩn, địa phương này cho nghỉ 1 giáo viên chấm thi vì có người thân dự thi năm nay.
Cũng theo ông Long, các giáo viên chấm thi đều là những người có tay nghề, năng lực chuyên môn tốt, do các đơn vị đề xuất lên để lựa chọn.
“Trước khi triển khai chấm thi, ngoài phổ biến kế hoạch, nội quy, chúng tôi tiến hành rà soát các điều kiện liên quan đến dịch bệnh Covid-19, đảm bảo không thành viên nào của Ban chấm thi liên quan đến dịch.
Theo đó, chúng tôi phun khử khuẩn trước khi chấm thi, bố trí các khu vực sát khuẩn, gel sửa tay và phát khẩu trang y tế”, ông Long cho biết.
Được biết môn Ngữ văn, Hà Nam có 8.453 thí sinh đăng kí dự thi. Tuy nhiên, có 8.428 thí sinh dự thi, vắng 25 em. Không có thí sinh nào vi phạm quy chế.
Địa phương này tổ chức 7 phòng chấm thi, 4 tổ chấm. Tổ chấm kiểm tra có 6 người.
Trung bình mỗi cán bộ chấm trung bình từ 184-185 bài. Dự kiến từ 13-16/8, Hà Nam sẽ hoàn thành công tác chấm thi.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, bài học nhãn tiền của gian lận thi cử năm 2018 xuất phát từ khâu chấm thi chứ không phải coi thi. “Đấy là lỗi tại người lớn, tại các nhà giáo”, Thứ trưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng, mặc dù năm nay, tên của kì thi được đổi thành thi tốt nghiệp, tuy nhiên, nhiều trường đại học nhận thấy đề thi có tính phân hóa tốt, nên quyết định lấy kết quả này để xét tuyển.
“Sức ép của việc tuyển sinh vào các trường ĐH rất lớn nên các thầy cô giáo cũng phải chịu áp lực, làm sao chấm thi phải thật công bằng, khách quan.
Nếu điểm trưởng ngay ngắn thì các thành viên chấm thi ngay ngắn. Một khi đeo lên mình tấm biển giám khảo chấm thi, nếu để xảy ra vấn đề gì, đó là thất bại.
Vì vậy mỗi thầy cô đảm nhiệm trọng trách này phải thật công tâm, để cho ra sản phẩm đảm bảo”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ.
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đưa ra 5 lưu ý trong công tác chấm thi.
Thứ nhất, do quy chế thi có một số điểm thay đổi nên các giám khảo phải nắm chắc quy chế. Trong điều kiện dịch Coivid-19 đang diễn biến phức tạp, đề nghị mỗi tổ chấm có phòng riêng độc lập, đảm bảo giãn cách.
Thứ hai, các giám thị phải chấm đều tay, thống nhất.
Thứ ba, trong quá trình chấm thi, nếu việc khớp điểm của các giám khảo vênh nhau, cần lấy quyền lợi của thí sinh là trên hết.
Vấn đề đặc biệt quan trọng thứ tư, bài thi phải đảm bảo chấm 2 vòng độc lập chặt chẽ để có kết quả khách quan. Mỗi bài thi ít nhất được hai giám khảo chấm.
Ngoài ra, các giám khảo cần lưu ý một số lỗi sai trong lúc chấm, chẳng hạn như cộng nhầm điểm…
Theo Dantri