I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Gợi ý đáp án: Phong cách ngôn ngữ báo chí
Câu 2. Theo lời Vũ Hoàng Ngọc Oanh điều kiện nào giúp bạn đạt mục tiêu đã xác định?
Gợi ý đáp án: Theo lời Vũ Hoàng Ngọc Oanh điều kiện “Nếu bạn tin mình chọn đúng và đi đúng” thì sẽ giúp bạn đạt mục tiêu đã xác định?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về “Chọn và đi” trong văn bản trên?
Gợi ý đáp án: “Chọn và đi” được hiểu như sau:
– “Chọn” là sự sáng suốt lựa chọn, định hướng rõ ràng con đường đi để lập thân lập nghiệp; thắp lên trong mình khát vọng chân chính để chinh phục những đam mê, ước mơ phía trước.
– “Đi” là sự dấn thân, dũng cảm, dám nghĩ dám làm, chinh phục con đường ước mơ mà mình đã chọn. Dù có khó khăn, vấp ngã luôn biết đứng dậy đi tiếp, luôn duy trì nhiệt huyết đam mê trong mình.
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Cho dù có thất bại nữa, tôi sẽ vẫn bình thản nhận, sẽ lại khởi nghiệp? Vì sao?
Gợi ý đáp án:
– HS nêu được quan điểm của bản thân (đồng tình hoặc có bổ sung với quan điểm của tác giả). HS trình bày rõ ràng, nêu ra căn cứ để thuyết phục quan điểm của mình:
– HS có thể lựa chọn đồng tình, vì những lí do sau:
+ Trong cuộc sống không tránh khỏi có những lúc chúng ta rơi vào thất bại, vấp vấp, sai lầm… Vậy “bình thản nhận” những thất bại ấy sẽ giúp con người có thêm lạc quan, ý chí tin tưởng để đi tiếp hành trình của ước mơ, cuộc sống.
+ “Sẽ lại khởi nghiệp” thể hiện bản lĩnh, sự kiên định, niềm tin và quyết tâm của bản thân chinh phục đến cùng. Nếu “dừng lại”, đồng nghĩa với việc bi quan, chán nản, tuyệt vọng và thất bại sẽ đến là điều đương nhiên.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm) Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng (200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của niềm tin trong cuộc sống của con người.
Gợi ý đáp án:
1. Yêu cầu hình thức: HS đảm bảo viết thành 1 đoạn văn, dung lượng khoảng 200 chữ; HS nêu được luận điểm, thao tác và cách lập luận, diễn đạt rõ ràng.
2.Yêu cầu nội dung: HS triển khai vấn đề nghị luận tập trung, hiệu quả:
– Nêu vấn đề nghị luận: Vai trò, ý nghĩa của niềm tin trong cuộc sống của mỗi con người.
-Triển khai vấn đề:
+ Giải thích: Niềm tin là sự ý thức về năng lực, phẩm chất, giá trị của con người trong cuộc sống; khi con người biết đánh giá được vị trí, vai trò của chính mình trong các mối quan hệ. Niềm tin là một trạng thái tinh thần tồn tại trong ý chí của mỗi người, thường gắn liền với những cảm xúc tích cực, ước mơ, khát vọng về thành tựu tương lai.
+ Phân tích và chứng minh vấn đề: Vài trò của niềm tin trong cuộc sống của con người.
Niềm tin là động lực, là sức mạnh giúp con người vượt qua cuộc sống với những những gian khó, vất vả và chinh phục mọi thành công.
Hơn nữa khi không may bị vấp ngã trong cuộc sống, niềm tin giúp bạn có thể từng bước khôi phục những gì đẹp đẽ không may đã mất và phấn đấu để trưởng thành hơn.
Có niềm tin giúp bạn có ý chí, nghị lực để bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Mất niềm tin, bạn sẽ không còn biết mục đích sống của mình là gì…
+ Bàn luận vấn đề:
Phản đề: Một thực trạng đáng buồn là ngày nay, một bộ phận không nhỏ giới trẻ không nhận ra được vai trò của niềm tin. Khi phải đối diện với những sóng gió, những thử thách cuộc đời, họ dễ dàng bị gục ngã rồi đánh mất niềm tin.
Bài học: Lời khuyên cho chúng ta là phải học tập và rèn luyện thật tốt, học hỏi những kĩ năng sống cần thiết để tìm hiểu khám phá được những sức mạnh tiềm ẩn của bản thân mình. Từ đó để phát huy, nuôi dưỡng niềm tin, thực hiện những ước mơ trong cuộc sống.
– Khái quát – kết thúc vấn đề.
Câu 2: (5,0 điểm): Yêu cầu thí sinh phân tích cảnh Mị cắt dây trói cứu A Phủ (trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài); từ đó liên hệ cảnh Chí Phèo giết Bá Kiến và tự sát (trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao) để làm rõ khát vọng và sự phán kháng của người lao động.
Gợi ý đáp án:
1. Yêu cầu hình thức: HS đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận; diễn đạt rõ ràng, hành văn mạch lạc lập luận chặt chẽ; liên hệ so sánh phù hợp; dùng từ, đặt câu, viết chính tả chuẩn mực… diễn đạt rõ ràng.
2. Xác định yêu cầu của đề:
– Yêu cầu cơ bản của đề là thí sinh cảm nhận phân tích cảnh Mị cắt dây trói cứu A Phủ (trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài);
– Yêu cầu nâng cao (phân loại thí sinh) là: Từ đó liên hệ cảnh Chí Phèo giết Bá Kiến và tự sát (trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao) để làm rõ khát vọng và sự phán kháng của người lao động.
3. Yêu cầu nội dung: HS triển khai vấn đề nghị luận tập trung, hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý tham khảo:
A. Mở bài – nêu vấn đề của đề bài
– Giới thiệu đôi nét về nhà văn Tô Hoài và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”; giới thiệu ngắn gọn về nhân vật Mị; từ đó dẫn dắt tới chi tiết hành động của Mị cắt dây trói cứu A Phủ (ở cuối đoạn trích).
– Từ vấn đề trên, gợi liên hệ cho em đến cảnh Chí Phèo giết Bá Kiến và tự sát (trong phần cuối truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao), qua đó ta thấy được điểm giống và khác nhau trong cách thể hiện của hai tác phẩm về khát vọng và sự phán kháng của người lao động.
B. Thân Bài: Triển khai vấn đề
1. Yêu cầu cơ bản: Cảm nhận phân tích cảnh Mị cắt dây trói cứu A Phủ (trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài).
a. Giới thiệu sơ lược về Mị và A Phủ (dẫn đến hành động cởi trói cho A Phủ của Mị trong đêm mùa đông).
b.Cảnh Mị cắt dây trói cứu A Phủ.
*Nguyên nhân – hoàn cảnh nảy sinh hành động: Những đêm dài trên núi cao rất lạnh, Mị thổi lửa hơ tay, tâm hồn Mị như tê dại trước mọi chuyện. Mị rất sợ những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nên khi trong nhà đã ngủ yên, Mị tìm đến bếp lửa. Đối với Mị, nếu không có bếp lửa ấy, cô sẽ chết héo ở đây. Có khi bị A Sử đánh ngã xuống bếp, hôm sau Mị vẫn thản nhiên ra sưởi lửa như đêm trước.
*Diễn biến của hành động cắt dây trói cứu A Phủ:
– Ban đầu Mị chai lì đến vô cảm: Bao đêm, chứng kiến cảnh A Phủ bị trói, “Mị vẫn thản nhiên ngồi thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”.
– Về sau Mị thay đổi: Mị trông thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ. Nó khiến Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ. Mị nhớ lại kí ức đau khổ, “nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng trói thế kia”. Rồi Mị phảng phất nghĩ gần nghĩ xa, thương mình và thương người kia việc gì phải chết thế? Điều này thể hiện tình yêu thương chân thành mộc mạc của Mị với người đàn ông xa lạ có cảnh ngộ giống mình kia.
– Sự thức tỉnh khiến Mị nhận ra dấu hiệu về cái chết, phán đoán “chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết” -> càng thương hơn và so sánh “người kia việc gì mà phải chết thế”. Và lần đầu tiên Mị nhìn rõ kẻ thù của mình cũng như những kiếp người đau khổ như mình: “Chúng nó thật độc ác”.
– Từ thương người hơn cả thương mình, khiến Mị nảy sinh ý định cắt dây trói cho A Phủ; nhưng rồi nghĩ đến tình huống cha con Pá Tra bảo là Mị cởi trói cho A Phủ, bắt Mị đứng trói thay đến chết trên cái cọc ấy, khiến cho Mị sợ.
Song có lẽ tình thương ở Mị đã lớn hơn cả sự chết, niềm thương người hơn cả thương cho bản thân mình, khiến cô dũng cảm, liều lĩnh đi đến hành động cởi trói cho A Phủ.
Mị chấp nhận sự hy sinh của bản thân bởi suy nghĩ rất giản đơn “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ có đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ…”. Thế là Mị liều lĩnh cắt dây trói cứu A Phủ => Tình thương người vượt lên sự sợ hãi, lấn át cả nỗi thương thân.
– Cắt dây trói cho A Phủ => hành động là tự phát, xuất phát từ tình thương nhưng cũng chính là Mị đang cắt dây trói cho chính mình; Mị vượt qua và chiến thắng cường quyền, thần quyền.
– Khi cởi trói cho A Phủ xong, Mị đứng lặng trong bóng tối; khát vọng sống tự do, đã khiến Mị “vụt chạy” đuổi theo A Phủ – chạy theo người mà mình vừa cứu. Mị nói “A Phủ cho tôi đi!… Ở đây thì chết mất!”. Đây là hành động tất yếu, là con đường giải thoát duy nhất: cứu người và cũng là tự cứu mình.
Dường như xuyên suốt truyện Mị câm lặng, thì lời nói cuối cùng cũng là tiếng nói đòi được sống trong tự do hạnh phúc. Và từ đây, họ bắt đầu hành trình từ “thung lũng đau thương” đến “cánh đồng vui” ở mảnh đất Phiềng Sa.
* Ý nghĩa của hành động cắt dây trói cứu A Phủ: Những hành động trên của Mị có ý nghĩa to lớn vì nó là sự hồi sinh, là biểu tượng của tinh thần phản kháng quyết liệt với cái ác, cái xấu, thể hiện niềm khát vọng tự do, khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống mãnh liệt.
Mị giải thoát cho A Phủ và giải thoát cho cả bản thân mình. Hành động táo bạo và bất ngờ ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng khi người con gái yếu ớt dám chống lại cả cường quyền và thần quyền.
Qua đây gửi gắm giá trị nhân đạo sâu sắc: khi sức sống tiềm tàng trong con người được hồi sinh thì nó là ngọn lửa không thể dập tắt. Nó tất yếu chuyển thành hành động phản kháng táo bạo, chống lại mọi sự chà đạp, lăng nhục để cứu cuộc đời mình
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật: miêu tả tâm lí nhân vật logic, tinh tế, chân thực; giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc…
2.Yêu cầu nâng cao, phân hóa HS: Từ đó liên hệ cảnh Chí Phèo giết Bá Kiến và tự sát (trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao) để làm rõ khát vọng và sự phán kháng của người lao động.
a. Liên hệ cảnh Chí Phèo giết Bá Kiến và tự sát:
* Giới thiệu khái quát cuộc đời Chí Phèo từ đầu đến chi tiết cuối truyện:
* Nguyên nhân – hoàn cảnh nảy sinh: Chí Phèo muốn làm người lương thiện nhưng xã hội lúc bấy giờ không cho y được làm người lương thiện: đó là bi kịch tuyệt quyền làm người trong chế độ cũ trước cách mạng tháng Tám.
Xã hội ở đây là làng Vũ Đại và người phát ngôn ra điều đó là bà cô của Thị Nở khi bà trả lời đứa cháu gái: “đã nhịn được đến đằng tuổi này thì nhịn hẳn, ai lại đi lấy cái thằng Chí Phèo”.Thế là rõ. Trong ý thức của bà cô Thị Nở – cũng là dân của làng Vũ Đại – thì Chí Phèo là một con vật không hơn không kém.
Đến như Thị Nở là một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, lại dở hơi, lại có giống mả hủi mà Chí Phèo vẫn không xứng, thì y có thể chỉ là một con vật, đã đẩy y sang thế giới của loài vật thì làm sao y có thể quay trở lại thế giới loài người? Vì vậy, đang thương yêu y, nghe lời bà cô, Thị Nở đã cự tuyệt mối tình của y.
Ta hiểu cự tuyệt mối tình của y cũng có nghĩa là xã hội, mà ở đây là dân làng Vũ Đại, đã cự tuyệt quyền làm người của y. Bởi y tha hóa, đã trở thành con quỷ dữ, không thể trở lại làm người được nữa.
* Biểu hiện và ý nghĩa của hành động: Bi kịch ấy phải được giải quyết bằng con đường tất yếu: xã hội đã không cho y sống thì y phải chết, vì nếu có sống mà không được công nhận làm người thì sống để làm gì.
Bị Thị Nở cự tuyệt, cùng một lúc, y nhận ra y không còn là con người nữa và người đã đẩy y sang thế giới loài vật chính là Bá Kiến. Y phải chết nhưng trước khi chết y phải hạ thủ Bá Kiến. Bi kịch và cách giải quyết bi kịch cua Chí Phèo đã được Nam Cao diễn tả bằng những câu đối thoại sắc lạnh của hai nhân vật:
– Tao muốn làm người lương thiện
– Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ
– Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện được nữa. Biết không! Chỉ còn một cách..biết không!…Chỉ còn một cách là …cái này! Biết không!..
Và sau khi giết Bá Kiến, Chí Phèo đã quay ngay lưỡi dao còn vấy máu kẻ thù vào cổ họng mình để kết liễu một cuộc đời đầy bi thảm với cái chết hết sức thảm thương: chết vì xã hội không cho mình được quyền sống làm người.
Bi kịch cự tuyệt quyền làm người dẫn đến cái chết bất đắc kì tử, hơn nửa thế kỉ qua, vẫn không thôi nhức nhói trong lòng người đọc chúng ta. Bi kịch Chí Phèo vang lên day dứt trong hai câu nói cuối cùng của nhân vật trước khi tự sát đã bộc lộ sâu sắc chủ đề của truyện ngắn: “Tao muốn làm người lương thiện” nhưng “Ai cho tao lương thiện? Tao không thể là người lương thiện nữa”. Đó là cũng chính là giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo của tác phẩm.
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Miêu tả tâm lí nhân vật logic, tinh tế, chân thực; giọng văn có chút lạnh lùng, dửng dưng, nhưng tinh tế…
b. So sánh 2 chi tiết trên của 2 tác phẩm để thấy rõ khát vọng và sự phán kháng của người lao động.
– Giống nhau:
+ Trước hết qua hai chi tiết trên ta thấy, cả hai nhà văn Tô Hoài và Nam Cao đều chung nhau một điểm nhìn – nhìn thấy nỗi khổ đau của con người bị áp bức, bị bóc lột, bị chà đạp, bị lăng nhục, bị rơi vào những bi kịch. Đó là những người nông dân nghèo khổ dưới chế độ cũ.
Từ đó, các nhà văn đồng cảm với những số phận bất hạnh như Chí Phèo, Mị… Các nhà văn đứng về phía họ, bênh vực cho nhân vật của mình. Qua hai chi tiết trên, dụng ý của hai nhà văn đều để cho nhân vật của mình trong hoàn cảnh éo le, dễ bùng lên niềm khát vọng sống âm ỉ, mạnh mẽ bên trong.
+ Cả 2 nhân vật (Mị và Chí Phèo) qua 2 chi tiết trên, đều thể hiện niềm khát vọng và sự phản kháng một cách mạnh mẽ, qua những diễn biến tâm lí (nội tâm) được các nhà văn khắc họa rất tinh tế (đều có nguyên nhân nảy sinh – diễn biến hành động – và kết thúc bất ngờ).
Những diễn biến của hành động đều được thể hiện qua suy nghĩ sâu sắc, lời nói dữ dội đòi quyền được sống – quyền tự do và những hành động phản kháng quyết liệt mạnh mẽ.
– Khác nhau:
+ Chi tiết “giết Bá Kiến rồi tự sát của Chí Phèo” thể hiện cái nhìn của nhà văn Nam Cao – nhìn con người luôn là nạn nhân bất lực của hoàn cảnh. Dù nhà văn có khao khát thay đổi số phận, thấy được ánh sáng lương tri le lói, khát vọng hoàn lương sâu sắc của Chí Phèo nhưng cũng đành bế tắc bất lực.
Ta thấy rõ một cuộc đời vô cùng thê thảm, một số phận cực kì bi đát của người nông dân nghèo bị đẩy vào con đường lưu manh hóa trong xã hội cũ đến mức mất cả nhân tính, nhân hình và nhân dạng.
Đó là lí do khiến họ không thể quay về cuộc sống làm người, dù họ muốn sống lương thiện. Không những thế, bi kịch này còn tố cáo cái xã hội thực dân phong kiến vô cùng độc ác, bất nhân, bóp chết từ trong trứng cái ước mơ muốn hoàn lương của con người.
Chính cái xã hội này đã đẩy Chí Phèo vào con đường tha hóa rồi lại sập cánh cửa, chặn đứng không cho y quay trở về với cuộc sống của con người. Một xã hội như thế thấy rõ sự dã man, tàn nhẫn của nó đến mức nào. Ngược lại chi tiết “Mị cắt dây trói cho A Phủ” thể hiện cái nhìn của nhà văn Tô Hoài quan niệm con người không phải là nạn nhân của hoàn cảnh nữa mà còn có khả năng cải tạo hoàn cảnh.
Mị đã dám cắt “sợi dây” trói buộc cuộc đời mình, dám bước qua cả cường quyền và thần quyền để đi đến với khát vọng tự do hạnh phúc. Bằng chứng là Mị và A Phủ có thể thay đổi số phận của mình bằng chính sự đấu tranh bản thân, khi họ sang Phiền Sa, trở thành những chiến sĩ du kích.
Nhà văn Tô Hoài đã khẳng định và tin tưởng vào khả năng cách mạng của con người dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ giúp họ nhanh chóng đổi thay số phận.
+ Lí giải sự khác nhau: “Chí Phèo” của Nam Cao là tác phẩm của giai đoạn văn học trước cách mạng, đó là văn học hiện thực phê phán. Ở giai đoạn này các nhà văn còn mang ý thức hệ tư sản, tiểu tư sản, hầu hết chưa tham gia cách mạng nên mới chỉ thấy tác động một chiều của hoàn cảnh đối với con người, nhìn con người và hiện thực xã hội có phần bi quan; coi con người là nạn nhân bất lực của hoàn cảnh.
Với “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là tác phẩm của gian đoạn văn học cách mạng. Ở giai đoạn này, các nhà văn đồng thời là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận, trực tiếp tham gia vào kháng chiến; thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản nên có tinh thần lạc quan cách mạng, thấu suốt tương lai, luôn nhìn ra lối đi cho người nông dân.
Bên cạnh đó sự khác biệt còn xuất phát từ phong cách sáng tác, giọng văn riêng biệt của hai nhà văn. Nếu Nam Cao là giọng văn dửng dưng, buồn thương chua chát, lạnh lùng mà vẫn đầy thương cảm; thì Tô Hoài lại giản dị, hóm hỉnh trong lối trần thuật sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có, rất bình dân và thông tục.
C. Kết bài: Tóm lược đánh giá vấn đề.