fbpx
Home Điểm thi Giáo viên lý giải nguyên nhân gần 400.000 bài thi Lịch sử có điểm dưới 5

Giáo viên lý giải nguyên nhân gần 400.000 bài thi Lịch sử có điểm dưới 5

0
Giáo viên lý giải nguyên nhân gần 400.000 bài thi Lịch sử có điểm dưới 5
Thống kê của Bộ GD&ĐT qua dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2019 cho thấy, số thí sinh có điểm thi môn Lịch sử dưới trung bình là 399.016 (chiếm 70,01%). Số thí sinh có điểm liệt (<=1 điểm) là 395. Với giáo viên dạy Lịch sử cho rằng, đây không phải là điều bất ngờ, vì sao? 

Thấp…là điều dễ hiểu

Cô Trần Mai Khuyên, trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, trước khi nhận định về phổ điểm, tôi sẽ nói qua lại đề thi môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia năm nay.

Đề thi năm nay nhìn chung khó, có độ phân hoá thí sinh rõ nét; đề bám sát các dạng bài tập, kiến thức như đề thi minh hoạ từng được Bộ GD&ĐT công bố trước kỳ thi. Nhiều câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, yêu cầu thí sinh hiểu được bản chất của sự kiện, không đơn giản chỉ là ghi nhớ máy móc lịch sử là có thể làm được.

Số câu hỏi để phân loại điểm số cao – thấp giữa các thí sinh rõ ràng, tường minh, không có yếu tốt đánh đố và cụ thể trong đáp áp được công bố. Chính những điều đó khiến hầu hết giáo viên chúng tôi hài lòng với cách ra đề và tiếp cận các vấn đề trong mặt nội dung.

Qua đó, cô Mai Khuyên khẳng định, phổ điểm thấp không liên quan tới câu chuyện ra đề thi. Lý do thuyết phục nhất nằm ở chỗ chất lượng dạy – học và thái độ học của các thí sinh.

“Đối với các thí sinh chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp thì việc đạt 3- 4 điểm là điều dễ dàng, vì các em không đầu tư nhiều thời gian vào ôn luyện cho nên lượng kiến thức các em có thể làm được cũng chính là đánh giá tương đương với công sức các em bỏ ra với môn học. Chuyện rất dễ hiểu”, cô Mai Khuyến nhận định.

Đồng thời, năm nay cả nước có khoảng hơn 468 nghìn thí sinh đăng ký thi tổ hợp môn Khoa học xã hội cao hơn số thí sinh thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên rất nhiều. Sở dĩ các em chọn như vậy để nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp, chỉ cần không môn nào bị điểm liệt là có thể dễ dàng vượt qua kỳ thi. Lựa chọn đó đã vô tình dẫn tới tình trạng phổ điểm môn Lịch sử thấp hơn so với các môn học còn lại.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Hạnh, trường THPT Chân Mộng (Phú Thọ) cho rằng, phổ điểm môn Lịch sử năm nay tuy có thấp, nhưng tôi hài lòng với mức điểm đánh giá đó của Bộ GD&ĐT.

Không riêng gì kỳ thi THPT năm nay, nhìn lại năm 2018 và năm 2017, môn Lịch sử cũng có phổ điểm thấp tương tự dao dộng trong khoảng trên dưới 5 điểm; cho nên cũng là điều không quá bất ngờ đối với kỳ thi năm nay.

Những kiến thức môn Lịch sử chỉ có thể học được trong sách vở, những con số khó nhớ và những ý nghĩa sự kiện “na ná” nhau điều này khiến các em học sinh không mấy hào hứng.

Cũng không hoàn toàn trách các em, vì đến các thầy cô nghiên cứu nhiều năm, đọc bao nhiêu sách vở nhiều khi còn nhầm lẫn, còn chưa hiểu hết được bản chất của sự kiện, huống chi đề năm thi năm nay lại ít kiến thức vận dụng, nêu cao tính logic và nắm chắc diễn biến các trận đánh.

Ngay từ đầu kỳ thi, các giáo viên đều đã nhận định đề thi mang tính phân loại thí sinh rõ rệt, cho nên với kết quả ngày hôm nay không có gì ngạc nhiên và hoàn toàn đúng với chất lượng đề muốn hướng tới.

Phổ điểm có đẹp?

Nhìn nhận ở góc độ khác, cô Nguyễn Thuý Hằng, trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho rằng, phổ điểm chung năm nay tuy có thấp, nhưng giáo viên chúng tôi đều hài lòng với mức điểm học sinh của mình.

“Tôi nhận định vậy, bởi vì hầu hết các em học sinh lớp tôi chủ nhiệm đều đã thông báo đạt từ 6.50 – 9.25 điểm môn Lịch sử. Ngoại trừ một số em chỉ chọn thi để đăng kí xét tốt nghiệp thì điểm thấp hơn. Nói vậy để thấy, các em có đầu tư học, ắt sẽ đạt được điểm cao vì đề thi năm nay không đánh đố, không quá khó nếu các em chăm học”, cô Hằng nhấn mạnh.

Theo cô Hằng, môn Địa lý và GDCD các em có thể trang bị kiến thức từ thực tế, từ báo đài, nhiều kênh để thu nạp thông tin, được làm quen hàng ngày, hàng giờ thì nó sẽ ngấm sâu vào trong các em. Riêng với môn Lịch sử không như vậy, nên chỉ có cách chăm học, đọc nhiều sách mới giúp các em hiểu được sự kiện.

Do đó, phổ điểm này đã phản ánh đúng chất lượng học của các em và cũng là bài học để các em năm tới thi có cách học tốt hơn, hướng đến hiểu bản chất nhiều hơn là học vẹt.

Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQGHN) cho rằng, Lịch sử là môn học mang tính hàn lâm, khoa học cao đòi hỏi người học cần có thời gian, có đam mê và mục tiêu học rõ ràng mới có thể đạt được kết quả cao, huống chi là các em chỉ học để xét tốt nghiệp theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì điểm thấp là điều hiển nhiên.

“Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT không cần lo lắng về phổ điểm thấp này, thay vào đó chúng ta cần mừng, vì điểm số đó đang đánh giá đúng chất lượng học của các thí sinh. Các em không học mà đạt điểm thi cao mới đáng lo; còn không học, bị điểm kém là điều dĩ nhiên”, GS Ngọc cho biết thêm.

Bên cạnh yếu tố về nội dung đề thi, chất lượng thí sinh… cũng phải tính đến chuyện tầm quan trọng của môn học. Xã hội luôn đặt nhiều kỳ vọng vào môn Lịch sử nhưng các trường Đại học, Cao đẳng lại chưa coi trọng nó.

Thể hiện ở việc, ít khoa, ít trường xét tuyển các tổ hợp môn có liên quan đến điểm Lịch sử; các ngành học đào tạo không nhiều, giá trị môn học sau khi tốt nghiệp ít được vận dụng kiến thức vào thực tế, khiến các phụ huynh và thí sinh không có đầu tư đúng mức vào môn học như chúng ta vẫn kỳ vọng.

“Muốn nâng cao được chất lượng dạy – học môn Lịch sử, chúng ta nên cân nhắc tới câu chuyện đầu ra gắn với mục đích của người học cụ thể”. GS Ngọc nhận định.

Comments

comments